10 năm khởi công 4 dự án đường sắt đô thị, nhưng mới xong 1 tuyến

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không chỉ trong việc thi công, mà ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Trong 10 năm qua, với 4 tuyến đường sắt đô thị đã khởi công, tới nay duy nhất tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang gửi các bộ ngành lấy ý kiến dự thảo báo cáo Quốc hội về thực hiện chính sách và đầu tư đường sắt. Về đường sắt đô thị, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ đầu tư 10 tuyến, TPHCM đầu tư 8 tuyến. Tới nay, mỗi địa phương đã khởi công xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị, nhưng các dự án đều chậm tiến độ so với dự kiến và tăng tổng mức đầu tư.

Hiện, duy nhất tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có chiều dài 13 km đưa vào khai thác thương mại. Tính tới hết tháng 8 năm nay (sau 22 tháng khai thác), tuyến đường sắt này đã vận chuyển hơn 16 triệu hành khách, bình quân 30.000 hành khách/ngày, trong đó hơn một nửa là khách sử dụng vé tháng (giảm cao điểm khách đi vé tháng chiếm tới 80%).

10 năm khởi công 4 dự án đường sắt đô thị, nhưng mới xong 1 tuyến ảnh 1

Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đang thi công đều chậm tiến độ, đội vốn.

Về tiến độ các dự án đường sắt đô thị khác đang triển khai, Bộ GTVT cho biết, tại Hà Nội, tới nay, tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã cơ bản hoàn thành đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy), dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023. Riêng đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) đang thi công, dự kiến phải tới năm 2027 mới đưa vào khai thác.

Tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1, Bộ GTVT đã triển khai cơ bản hoàn thành thiết kế kỹ thuật, bộ đang bàn giao tài liệu và vai trò chủ đầu tư để Hà Nội tiếp tục triển khai. Trong khi đó, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Hà Nội đang điều chỉnh dự án để triển khai bước tiếp theo.

Với TPHCM, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đang thi công, dự kiến hoàn thành thi công vào cuối năm nay; còn tuyến Bến Thành - Tham Lương đang giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công.

Tới năm nay, Hà Nội và TPHCM đã bố trí nguồn lực đầu tư đường sắt đô thị trên 71,46 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội bố trí hơn 39,56 nghìn tỷ đồng để triển khai 4 tuyến, gồm các tuyến: Ngọc Hồi - Yên Viên hơn 2,2 nghìn tỷ đồng; Nội Bài - Hoàng Quốc Việt hơn 1 nghìn tỷ đồng; Cát Linh - Hà Đông hơn 16,6 nghìn tỷ đồng; Nhổn - Ga Hà Nội gần 19,7 nghìn tỷ đồng.

TPHCM đã bố trí gần 31,9 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị và đầu tư 2 dự án, gồm các tuyến: Bến Thành - Suối Tiên hơn 27 nghìn tỷ đồng; Củ Chi - Thủ Thiêm hơn 4,7 nghìn tỷ đồng; và 133 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư.

Ngoài các dự án đường sắt đô thị kể trên, Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội và TPHCM đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án khác trên địa bàn. Trong đó, Hà Nội tập trung triển khai đầu tư đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, Văn Cao - Hòa Lạc; TPHCM sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư tuyến Ngã Tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn và Bến Thành - Tân Kiên.

Bộ GTVT đánh giá, việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, chưa thể giải quyết triệt để ngay.

Để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn tại các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, Chính phủ đã lập đoàn công tác kiểm tra hiện trường, tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai. Qua đó làm rõ tồn tại, nguyên nhân trong quá trình thực hiện và giao các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Theo quy hoạch, Hà Nội tương lai sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410 km, TPHCM sẽ xây dựng 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 173 km. Ngoài ra, Chính phủ đã định hướng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị tại một số địa phương, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

MỚI - NÓNG