10 nhóm ưu tiên sắp được tiêm vắc xin phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
10 nhóm ưu tiên sắp được tiêm vắc xin phòng COVID-19
TPO - Sáng 8/4 Bộ Y tế cho biết không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Liên quan đến vắc xin ngừa COVID-19 Bộ đã phân bổ số vắc xin mới nhập về Việt Nam.

Theo phân bổ của Bộ Y tế, TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương được phân bổ vắc xin nhiều nhất, trong đó TP.HCM trên 56.000 liều, Hà Nội trên 53.000 liều.

Tiếp đến là các địa phương có dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua, như tỉnh Hải Dương trên 43.000 liều, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An được phân bổ 18.000-20.000 liều/địa phương.

Các địa phương khu vực phía Nam cũng được phân bổ số lượng lớn với 245.350 liều, trong đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ nhận 6.700 liều, CDC Đồng Tháp 16.150 liều, CDC Bình Dương 15.100 liều...

Khu vực Tây Nguyên nhận 49.000 liều. Cụ thể, CDC Kon Tum có 8.400 liều, CDC Đắk Nông 9.000 liều, CDC Gia Lai 15.900 liều, CDC Đắk Lắk 15.700 liều.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quyết định phân bổ tới lực lượng công an 30.000 liều; lực lượng quân đội 80.000 liều; Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia 20.000 liều.

600 liều vắc xin AstraZeneca cũng sẽ được kiểm định và lưu mẫu tại Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.

Theo Quyết định cuả Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực thực hiện tiếp nhận, gửi mẫu kiểm định chất lượng, bảo quản và vận chuyển vắc xin ngay tới các địa phương, đơn vị theo danh sách để tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận vắc xin, bảo quản theo quy định và triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vắc xin cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21, hoàn thành trước ngày 15/5 (đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin đợt 1 thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1).

Đồng thời, báo cáo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo thẩm quyền quản lý gồm các lực lượng Trung ương và địa phương, hoàn thành trước ngày 15/5 (đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin đợt 1 thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1); thực hiện quản lý, sử dụng vắc xin hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định và thông báo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, khu vực, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng vắc xin chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo cáo theo từng nguồn vắc xin được phân bổ cho các địa phương.

Đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin đợt 1 theo Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 6/3/2021 của Bộ Y tế thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1.

Trong đợt 2, đối tượng tiêm sẽ mở rộng ra 10 nhóm ưu tiên (giáo viên, người làm trong các dịch vụ thiết yếu như cung cấp dịch vụ điện nước, nhân viên hàng không, nhân viên hành chính…).

Theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 6/4 tổng cộng đã thực hiện tiêm vắ xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố cho 55.151 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Tính đến 6h ngày 8/4: Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã qua 54 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;

Hà Nội đã 51 ngày và Hải Phòng 44 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.429/ 2.659 bệnh nhân COVID-19.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 81 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 17 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 11 ca; số ca âm tính lần 3 là 22 ca.

Giải thể Bệnh viện dã chiến số 3 Hải Dương

Bệnh viện Dã chiến số 3 (điều trị bệnh nhân COVID-19) cơ sở 2 của BVĐK tỉnh Hải Dương vừa được công bố giải thể. Kết thúc hơn 1 tháng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Hải Dương.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc BVĐK tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Dã chiến số 3, cơ sở 2 của bệnh viện kể từ khi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngày 26/2/2021, đã điều trị cho 193 bệnh nhân COVID-19, công bố khỏi bệnh 170 người. Hơn 20 bệnh nhân còn lại đều là những bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định.

BVĐK tỉnh Hải Dương đã đề nghị Sở Y tế cho phép được đưa số bệnh nhân còn lại đến tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới của tỉnh và được Sở Y tế chấp thuận.

Thống kê cho thấy, từ ngày bùng phát dịch (27/1/2021), tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 726 ca mắc COVID 19 (trong đó có 12 bệnh nhân nặng, có người nguy hiểm đến tính mạng, nhưng đều được điều trị khỏi và được công bố khỏi bệnh).

Không có bệnh nhân nào tử vong, không có cán bộ y tế nào bị nhiễm COVID - 19. Hiện chỉ còn hơn 20 bệnh nhân, dự kiến trong những ngày tới, số bệnh nhân này sẽ được công bố khỏi bệnh và cho về địa phương tiếp tục theo dõi.

Được biết, đến nay hơn 10 ngày tỉnh Hải Dương không ghi nhận ca mắc mới, số người diện F1 đang cách ly không còn. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn đang được tỉnh Hải Dương tiếp tục được tăng cường và người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch cùa Bộ Y tế.

Sau khi giải thể Bệnh viện Dã chiến số 3, Sở Y tế Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành phun khử khuẩn, làm sạch môi trường bàn giao lại cho Đại học Sao Đỏ, cơ sở 2.

Bệnh viện để 'lọt' ca mắc COVID-19: 'Siết' công tác phòng chống dịch tại các BV

Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế vừa tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cho gần 100 bệnh viện tư nhân khu vực phía Bắc.

Trước đó, đã có ít nhất 4 bệnh viện đã để lọt bệnh nhân COVID-19 trong khâu sàng lọc, phân luồng người bệnh nghi nhiễm COVID-19 dù Cục đã tổ chức nhiều Hội nghị trực tuyến và ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn cho các cơ sở y tế trên cả nước về phòng chống dịch COVID-19.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua, đã có một số bệnh viện tư nhân phải đóng cửa như Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BV Hòa Bình…vì liên quan đến bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó cũng có một vài bệnh viện tư phải tạm đóng cửa để khắc phục do không đảm bảo các yếu tố an toàn phòng chống dịch.

Trong dịch COVID-19, các bệnh viện, phòng khám tư nhân là nơi không ít người bệnh COVID-19, người nghi nhiễm tiếp cận để khám sức khỏe, do đó việc phát hiện, sàng lọc, phân luồng đóng nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện tư.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện Bộ Y tế chưa phân công các bệnh viện tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng nhất của các bệnh viện tư nhân là “phát hiện sớm, cách ly và chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.

Lo ngại trước làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 có thể đến, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện tư thực hiện 37 tiêu chí bệnh viện an toàn để an toàn người bệnh là an toàn cho chính mình, thực hiện 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện;phát triển chuyên môn, phát triển Bệnh viện và thực hiện 5 K.

Bên cạnh yêu cầu thực hiện phòng chống dịch là số một, PGS.TS Lương Ngọc Khuê còn đề nghị các bệnh viện tư nhân nâng cao chất lượng bệnh viện. Đã có 2 bệnh viện tư nhân đạt chứng chỉ quốc tế JCI, nhưng cũng có bệnh viện năng lực chuyên môn hạn chế, song quảng cáo là “số một”, “lần đầu tiên thực hiện”…

Chỉ ra những mặt hạn chế của các bệnh viện tư nhân trong thực hiện quy chế chuyên môn, hồ sơ bệnh án, hay thay đổi giám đốc bệnh viện, có bệnh viện trong 3 năm thay 7 lần Giám đốc, có nơi 3 tháng thay 2 người nhiệm chuyên môn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo các chủ đầu tư bệnh viện cần chọn lựa người có năng lực, tầm nhìn, có kế hoạch phát triển, có tâm, có tầm phát triển BV, chứ không phải cứ không thích là thay, chưa thấy lợi nhuận trước mắt là đã đổi người…

Tất cả cán bộ nhân viên bệnh viện phải làm chất lượng bệnh viện để làm cho thương hiệu và uy tín của bệnh viện ngày càng được củng cố và phát triển.

Hiện cả nước có 1.400 bệnh viện công lập và trên 300 bệnh viện tư nhân. Các bệnh viện tư nhân đã đóng góp không nhỏ trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện.

An Giang sắp tiếp nhận 16.200 liều vắc xin phòng COVID-19

Chiều 8/4, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Phước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh này vừa được Bộ Y tế ký quyết định về việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19 Vaccine AstraZeneca đợt 2 (vắc xin do Chương trình COVAX Facility hỗ trợ) cho các địa phương.

Phó Chủ tịch tỉnh An Giang thông tin, sẽ có 16.200 liều vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ cho tỉnh. Hiện, Sở Y tế An Giang đang khẩn trương lên danh sách các đối tượng phù hợp. Đồng thời, có kế hoạch chi tiết để triển khai tiêm chủng an toàn, hiệu quả sau khi tiếp nhận vắc xin.

Vào ngày 7/4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đã có công văn gửi các sở, ban ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thị, thành phố; Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố về việc rà soát, thống kê đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí vắc xin phòng COVID-19.

Cụ thể, các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); lực lượng Quân đội (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch); lực lượng Công an (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch).

Các đối tượng là nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và người thân được cử đi công tác nhiệm kỳ; cán bộ trực tiếp tham gia đón các đoàn khách của Chính phủ và đón người Việt Nam từ nước ngoài về; Đoàn ngoại giao và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam. Nhân viên Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước… Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mãn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Theo Quyết định đã ban hành, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị được phân bổ vắc xin đợt 2 tiếp nhận vắc xin, bảo quản theo quy định và triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vắc xin cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 15/5/2021 (đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin đợt 1 theo Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 6/3/2021 của Bộ Y tế thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1); thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lí.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.