10 trường đại học kinh tế lớn nhất nước thỏa thuận trao đổi sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian tới, sinh viên của 10 trường đại học đào tạo về kinh tế lớn nhất cả nước có thể được tham gia các khóa trao đổi sinh viên/học viên giữa các trường.

Sáng nay, tại Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân, 10 trường ĐH đào tạo về kinh tế lớn nhất cả nước đã tổ chức tọa đàm và ký thỏa thuận hợp tác. Các trường này bao gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.

10 trường đại học kinh tế lớn nhất nước thỏa thuận trao đổi sinh viên ảnh 1

Ảnh: Tuấn Anh

Căn cứ nhu cầu thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên/học viên (người học), giảng viên, 10 trường cùng thống nhất ký kết bản thỏa thuận hợp tác liên quan đến hoạt động trao đổi sinh viên/học viên (người học), hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

Theo đó, tổ chức các khóa trao đổi sinh viên/học viên được thực hiện dưới dạng các khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần): cho phép người học của các trường được đăng ký học tập/ thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng các với người học của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập của trường.

Các khóa ngắn hạn (tương ứng từ 3 đến 8 tuần): các trường ĐH tổ chức khóa học ngắn hạn trong thời gian hè, công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học của các trường được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ. Ngoài thời gian lên lớp, người học có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên trường tiếp nhận. Ngoài nội dung học tập chuyên môn, trường tiếp nhận tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hoá, hoạt động cộng đồng… Khóa ngắn hạn được tổ chức chung cho tất cả người học của các trường tham gia.

Chương trình bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022-2023 tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại các trường (theo đăng ký tự nguyện của các trường).

Người học có nhu cầu đăng ký học chương trình trao đổi tại trường khác, trường cử đi có trách nhiệm lập danh sách người học đủ điều kiện gửi cho trường tiếp nhận trước khóa trao đổi chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ bắt đầu. Số lượng người học và điều kiện đầu vào (bao gồm kết quả học tập, điều kiện ngoại ngữ,…) của người học tham gia chương trình trao đổi cho từng năm học sẽ được trường tiếp nhận công bố ít nhất 1 kỳ trước khi năm học bắt đầu.

Trường tiếp nhận ra quyết định tiếp nhận người học và biên chế vào các lớp phù hợp.

Người học đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Người học không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo.

Chi phí ăn ở, đi lại và tham gia các hoạt động (ngoài học phí) do người học tự chi trả.

Các trường tiếp nhận có thể hỗ trợ về ký túc xá hoặc các thông tin cần thiết khác.

Các trường tham gia có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho trường đăng cai tổ chức các chương trình để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm cộng đồng của người học.

Các trường đăng cai tổ chức khóa học chung có thể mời giảng viên đến từ các trường thành viên tham gia giảng dạy.

Về công nhận kết quả các khóa học cho sinh viên/học viên, kết thúc khóa trao đổi, trường tiếp nhận có trách nhiệm cấp bảng điểm, xác nhận hoàn thành chương trình.

Trường cử đi có trách nhiệm công nhận/miễn hoặc chuyển đổi kết quả học tập của các học phần đã học theo qui định (bao gồm học phần bắt buộc, tự chọn, tự chọn tự do tương ứng với chương trình đào tạo cử nhân hoặc thạc sĩ) của người học, hoặc tính điểm rèn luyện khi người học tham gia các hoạt động ngoại khóa tùy thuộc vào qui định của từng trường.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các trường luân phiên chủ trì và phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế dành cho giảng viên trẻ; luân phiên chủ trì và phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế dành cho sinh viên khối trường kinh tế và kinh doanh. Đồng thời các trường có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu và thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn…

Ngoài ra, các trường cùng chia sẻ bài giảng điện tử, các khóa học trực tuyến dùng chung; chia sẻ dữ liệu thư viện điện tử dùng chung; chia sẻ kinh nghiệm về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; công tác sinh viên, công tác hợp tác quốc tế và các hoạt động khác.

Bản thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và có thời hạn 5 năm. Việc gia hạn hiệu lực tùy thuộc vào sự nhất trí của tất cả các trường tham gia.

Trước đó, 3 Trường ĐH Bách khoa cũng đã có ký kết thỏa thuận các nội dung tương tự.

MỚI - NÓNG
Báo Tiền Phong khởi công xây dựng 10 căn nhà tặng cựu thanh niên xung phong và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Báo Tiền Phong khởi công xây dựng 10 căn nhà tặng cựu thanh niên xung phong và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
TPO - Nằm trong chuỗi hoạt động Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 66 - năm 2025 (Tiền Phong Marathon 2025), Ban tổ chức đã thực hiện Lễ khởi công xây dựng 10 căn nhà nhân ái tặng cựu thanh niên xung phong (TNXP) và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. 
'Với niềm tự hào trào dâng, các vận động viên sẽ tạo nên một ngày thi đấu bùng nổ'
'Với niềm tự hào trào dâng, các vận động viên sẽ tạo nên một ngày thi đấu bùng nổ'
TPO - Chứng kiến Lễ Thượng cờ thiêng liêng và đầy xúc động của Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 66 - năm 2025 (Tiền Phong Marathon 2025), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1, Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam - Phó trưởng Ban tổ chức, Tổng Giám sát, tin tưởng hơn 7.000 vận động viên sẽ có một ngày thi đấu xuất sắc, tạo nên những bước đột phá mới cho bản thân. 
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Khi học phí là 'cần câu cơm' của các trường

Khi học phí là 'cần câu cơm' của các trường

TP - Chương trình chất lượng cao có mục tiêu ban đầu là thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động khu vực. Nhưng thực tế cho thấy đây chỉ là “cần câu cơm” của các trường đại học công lập bởi có cơ chế tự chủ, thu học phí cao thay vì theo mức trần do Nhà nước quy định.