Nếu những học sinh cấp 3 chuộng việc tự tìm tòi và luyện tập, các em học sinh cấp 1, cấp 2 lại yêu thích cảm giác được quan tâm, chỉ dẫn. Với tính chất cần được kèm cặp thường xuyên, việc học của các học sinh nhỏ tuổi rất cần có sự tham gia của giáo viên và người thân trong gia đình - những người đóng vai trò là “người dẫn đường” để truyền cảm hứng học tập cho các em. Bài tập về nhà dường như hơi quá sức với các bậc phụ huynh, vậy nên hội phụ huynh chọn cách thuê gia sư với yêu cầu duy nhất: Học bài cùng con như một người anh chị ruột.
Hiện là gia sư cho một bé lớp 1, bạn T.Anh (sinh viên năm 1, TP.HCM) kể về lí do "bén duyên": “Mình không có nhiều thành tích học thuật nhưng được nhận ngay tắp lự vì là người có thể nói chuyện gần gũi với học trò nhỏ tuổi không khác một người chị quan tâm em trong vấn đề học tập. Đóng vai trò gia sư kiêm “chị ruột” buộc mình phải hành xử ân cần, luôn thủ thỉ truyền động lực cho em học sinh, thỉnh thoảng còn mở chuyên mục tư vấn cách chinh phục trái tim “cờ rớt” - điều mà hiếm phụ huynh nào có thể làm được."
Những gia sư “anh chị ruột” có “chiến thuật” giảng dạy đầy khác biệt: Bạn phải xây dựng mối quan hệ đôi bạn cùng tiến với học sinh thay vì thầy - trò. Phụ huynh thời nay dù muốn con học sâu hiểu rộng nhưng không muốn tạo cảm giác “học thêm học bớt” cho các bạn nhỏ. Vậy nên, sinh viên vừa phải dạy kiến thức mới vừa phải duy trì không khí thoải mái của buổi học, sao cho học sinh xem việc học là một trò chơi khám phá hơn là deadline. Trong trò chơi này, học sinh được thoải mái mắc lỗi và “hồi sinh” mà không sợ bị “tụt hạng” hay trách mắng. Những gia sư “anh chị ruột” này còn kiêm luôn công việc tạo thói quen học tập cho các em.
GIA SƯ CHUYỆN CHƯA KỂ: NHỮNG SỰ THẬT "BÉ CÁI NHẦM" VỀ CÔNG VIỆC GIA SƯ
Lầm tưởng 1: Con nít "nhất quỷ nhì ma", ai ngờ ngọt ngào không kém crush
Bạn Ngọc (sinh viên năm 1 trường ĐH Sư Phạm TP,HCM) tâm sự: “Em học sinh mình cực kỳ ghét việc học từ mới, mỗi lần trả bài là cứ lảng sang việc khác. Mình “bó tay” quá nên quyết định tổ chức trò chơi trả bài có thưởng và giả bộ thua để em ẵm quà. Nhưng cuối cùng em lại nhường quà cho mình vì không muốn mình ra về tay không.”
Hơn cả hiện vật, nhiều khi những món quà ý nghĩa nhất lại đến từ sự vui vẻ của học sinh khi đạt kết quả tốt. Từng nản lòng vì thái độ “học cho có” của học sinh, bạn Long (sinh viên năm 3 ĐH Luật TP.HCM) từng to tiếng để khuyên học sinh chấn chỉnh lại cách học. Bạn kể: “Mình nghĩ là với độ lì của em học sinh thì lời nói của mình chả có kí lô nào đâu. Nhưng vài ngày sau, em khoe tíu tít với mình rằng nhờ mình mà em “thức tỉnh” và đạt điểm cao trong lớp. Hóa ra, mình có “chỗ đứng” trong lòng em nhỏ đến vậy.”
Lầm tưởng 2: Làm gia sư để dạy trẻ, ai ngờ được trẻ dạy
Trải qua bao nhiêu tình huống “dở khóc dở cười” khi dạy trẻ em đã giúp gia sư trở thành “bậc thầy” quản lý cảm xúc. Bạn Phương (du học sinh Mỹ) cười ra nước mắt khi kể kỷ niệm em học sinh miêu tả mũi của bạn “to như cái bánh xe” khi được yêu cầu sử dụng phép so sánh để miêu tả khuôn mặt. Bạn chia sẻ: “Mình buồn nhưng cũng bật cười ha hả vì biết em ấy chả có ý gì xấu, chỉ là vì chưa quen với việc sử dụng tiếng Anh thôi.”
Bạn Long thì cảm ơn học sinh đã dạy bạn cách đặt mình vào cảm xúc của đối phương. “Là sinh viên đại học, tất nhiên mình sẽ thấy bài học dễ như ăn bánh, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc em học sinh thấy vậy. Mình không đặt mình và em học sinh lên bàn cân so sánh vì mọi so sánh là khập khễnh vì mình và em khác tuổi, khác thế hệ.” - Long nói.
Hoc trò tuy nhỏ tuổi nhưng hóa ra bạn có thể học nhiều thứ hay ho từ người "thầy" kém tuổi này! - Ảnh minh họa từ Internet
Lầm tưởng 3: Chỉ cần dạy theo sách giáo khoa, ai ngờ phải... nghiên cứu chiến thuật
Dạy học sinh nhỏ tuổi đòi hỏi sinh viên phải đặt mình vào tâm thế những học sinh “vỡ lòng” để bình tình trước những câu hỏi “trời ơi đất hỡi”, tìm ra phương pháp giải thích đơn giản nhất, chú trọng vào hình ảnh, âm thanh và diễn đạt cơ thể. Để giúp học sinh nhớ từ vựng tiếng Anh, bạn Ngân (sinh viên năm 2 ĐH KHXH-NV TP.HCM) tổ chức một loạt các trò chơi nối từ, xáo kí tự, nhìn ảnh đoán từ, nhìn động tác đoán hành động, đặc biệt phải “tấu hài” và có quà để kích thích sự hứng thú của các em.
Nhiều gia sư “anh chị ruột” cũng đồng tình rằng việc trở thành đôi bạn cùng tiến với các học sinh nhỏ tuổi cho sinh viên trải nghiệm học tập thú vị hơn ở trường lớp. Các kì thi lớn và deadline tới tấp nhiều khi đã cuốn học sinh, sinh viên chúng ta theo cách học thành thích, học vẹt. Việc được học cùng các em nhỏ giúp ta học “thực thụ” - đi từ khái niệm lên vận dụng, hiểu bản chất rồi tìm hiểu ví dụ, sau khi học lý thuyết thì được chơi các trò chơi “gạo bài”. "Ẵm" cả "kho" trải nghiệm hay ho, ngại gì mà không thử vị trí gia sư trẻ nhỏ bạn nhỉ?