12 tuổi, thất học, cậu bé tị nạn người Syria đã mở một ngôi trường dành cho trẻ em

12 tuổi, thất học, cậu bé tị nạn người Syria đã mở một ngôi trường dành cho trẻ em
HHT - Đối với một cậu bé 12 tuổi sống tại khu trại tị nạn ở Lebanon, việc học nhiếp ảnh đã làm chấm dứt sự cô độc trong cậu. Không những thế, điều này còn truyền cảm hứng cho cậu để xây dựng một ngôi trường tại đó.

Nhiều người chỉ có thể ngồi một chỗ và chờ cho điều gì đó xảy đến với mình. Thế nhưng, đối với Mohamad Al Jounde (16 tuổi, người Syria), cậu đã phải rời khỏi đất nước từ bé, cậu không được đi học, không có tiền, chẳng có nơi nào để đi hay việc gì để làm. Mohamad lần đầu cầm máy ảnh trên tay tại một trại tị nạn ở Lebanon, chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho cậu bé mở ra một ngôi trường từ năm 12 tuổi.

12 tuổi, thất học, cậu bé tị nạn người Syria đã mở một ngôi trường dành cho trẻ em ảnh 1

Mohamad Al Jounde nhận được giải thưởng "Hòa bình trẻ em quốc tế" bởi Tổ chức về Quyền trẻ em. Ảnh: Jerry Lampen.

Mohamad cùng gia đình phải rời khỏi thành phố Hama (Syria) sau khi mẹ cậu bị chính phủ bắt cóc và đe dọa tính mạng vì hoạt động chính trị. Gia đình cậu đã dời đến thành phố Aley ở Lebanon, dù an toàn nhưng họ lại vô cùng nghèo khổ. Bố mẹ Mohamad đã không có đủ tiền để cho cậu và em gái đến trường.

Tuy nhiên, cuộc đời Mohamad trở nên thú vị hơn khi được một nhiếp ảnh gia dạy dỗ. "Bố tôi đã đưa tôi đến gặp một nhiếp ảnh gia tên là Ramzi Haidar. Ông ấy bắt đầu dạy tôi chụp ảnh, ông cũng chính là phó nháy yêu thích nhất của tôi. Đó là lần đầu tiên mà tôi cầm một chiếc máy ảnh trên tay. Tôi đã không đi học trong vòng 2 năm, nhưng khi tôi bắt đầu học chụp ảnh thì nó đã chấm dứt sự trống rỗng trong tâm hồn tôi. Nó đã giúp tôi thể hiện bản thân cũng như cách mà tôi sống" - Mohamad nói.

Mohamad không chụp ảnh chân dung mà thích chụp con người cùng với cuộc sống của họ. "Tôi thích đi đến các trại tị nạn, các cuộc biểu tình và đường phố để chụp mọi người ở đó" - cậu chia sẻ.

12 tuổi, thất học, cậu bé tị nạn người Syria đã mở một ngôi trường dành cho trẻ em ảnh 2

Mohamad không chụp hình chân dung, cậu thích chụp hình con người và cuộc sống của họ. Ảnh: Mohamad Al Jounde.

Bố của Mohamad là một họa sĩ, còn mẹ cậu là một giáo viên dạy Toán. "Họ thường bảo tôi về tầm quan trọng của giáo dục đối với tương lai của Syria" - chàng trai trẻ tâm sự. Sau đó, Mohamad bắt đầu dạy trẻ em ở trại cách chụp ảnh.

"Tôi thường hay buồn về hoàn cảnh của mình, thế nhưng sau khi làm việc ở trại tị nạn cùng với các em nhỏ, tôi nhận ra rằng nhiều người còn khó khăn hơn tôi" - Mohamad nói. "Vì vậy tôi ngưng nghĩ ngợi về cuộc sống của mình, còn những đứa trẻ đó thì bắt đầu mơ mộng, cười đùa và sống hết mình với tuổi thơ của chúng. Lúc đó tôi nghĩ rằng bản thân mình có hai lựa chọn: hoặc là tôi yếu đuối hoặc là tôi suy nghĩ tích cực. Tôi nhận ra rằng mình có thể làm cho cuộc sống của mình và bọn trẻ trở nên tốt đẹp hơn. Chúng rất muốn được cắp sách đến trường".

Chụp ảnh cũng đem lại ảnh hưởng tích cực cho những đứa trẻ mà Mohamad dạy dỗ. "Trẻ em Syria ở trại tị nạn này thường không thích nói chuyện, chúng không biết cách bộc lộ bản thân mình hay kể về những gì chúng đã trải qua. Việc chụp ảnh đã giúp những đứa trẻ đó bày tỏ cuộc sống của mình một cách chi tiết hơn" - Mohamad cho biết.

12 tuổi, thất học, cậu bé tị nạn người Syria đã mở một ngôi trường dành cho trẻ em ảnh 3

Những đứa trẻ ở đây khao khát được cắp sách đến trường. Ảnh: Mohamad Al Jounde.

Về phần Mohamad, cậu cũng thiếu thốn về mặt học hành, do vậy, cậu nhận thức được rằng trẻ em ở đây muốn đi học như thế nào. Không chỉ chúng có thể học hỏi, mà còn có thể đi chơi cùng nhau, trao đổi ý tưởng và quây quần bên nhau. Mohamad có ý định mở một ngôi trường tại trại tị nạn Bekaa Valley dù biết rằng sẽ chẳng có người lớn nào chịu xem xét ý tưởng của đứa trẻ 12 tuổi một cách nghiêm túc. Do đó, cậu mới bắt đầu lên một bản kế hoạch rõ ràng và nhờ gia đình mình xem qua, mẹ cậu đã đồng ý đứng tên thay cho cậu.
 
May mắn thay, việc gây quỹ cho kế hoạch này đã được chấp thuận. Ngôi trường được mở ra vào mùa hè năm 2014 với hơn 100 học sinh và 4 giáo viên. Tính đến nay, trường đã có hơn 200 học sinh, họ được học về các môn văn hóa và kỹ thuật nhiếp ảnh. Khi được hỏi rằng liệu người ta có ngạc nhiên khi cậu chính là người đứng sau kế hoạch này không, Mohamad đã trả lời: "Có chứ, họ rất ngạc nhiên. Giờ thì họ đã nhìn nhận tôi một cách nghiêm túc".

Hành động đẹp của Mohamad đã được công nhận khi tháng 12 vừa qua, cậu được trao tặng giải thưởng International Children's Peace (Hòa bình trẻ em quốc tế) bởi Tổ chức về Quyền trẻ em. Gần đây, cậu đã được cấp quyền tị nạn ở Thụy Điển. Mohamad sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới ở Thụy Điển, tuy nhiên, cậu sẽ không chỉ ngồi yên một chỗ và chờ đợi điều gì đó xảy đến với mình. Cậu vẫn sẽ tiếp tục tạo thay đổi để thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Theo The Guardian
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?