Phở bát đá
Một khay phở được mang ra phục vụ thực khách bao gồm một tô đá đựng nước dùng còn đang sôi sùng sục thơm ngát mùi nước dùng bò, một đĩa phở trắng đã trần, một đĩa thịt tùy theo khẩu vị của khách và một đĩa rau sống cùng chanh ớt.
![]() |
Tô đá đựng nước dùng khá nóng, nên nước dùng vẫn còn sôi sục và giữ nóng khá lâu. Khi vừa mang ra bạn nên bỏ ngay thịt vào tô, nhất là thịt tái, vừa để thịt chín và vừa giúp cho nước ngọt hơn. Sau đó thêm phở và ăn kèm cùng rau sống. Ngoài ra bạn cũng có thể bỏ thêm tương ớt, nước mắm, muối... vào tô nước dùng cho hợp khẩu vị. Nói chung ăn phở kiểu này bạn hoàn toàn tự túc với những nguyên liệu có sẵn để tạo ra tô phở mà mình thích.
![]() |
Ngoài ra bạn cũng có thể gọi thêm trứng trần. Trứng được thả vào trong tô nước dùng nhờ đá mà sôi sùng sục nên trứng chín hoàn toàn tự nhiên nhé. Bạn tự mình trông trứng, để đến khi độ chín mình thích là có thể chén ngay, chứ không cần nhờ tới chủ quán hay order nhân viên lằng nhằng nhé!
![]() |
Nhiều người nói ăn phở kiểu này sao mà giống ăn "lẩu", nhưng khác một điều là cách giữ nước dùng nóng là trong tô đá, không cầu kỳ phức tạp mà vẫn giúp ăn phở nóng hôi hổi tới tận miếng cuối cùng, lại còn gần gũi với thiên nhiên mang đến một trải nghiệm hết sức thú vị.
Địa chỉ: 83 Mai Hắc Đế, Hà Nội.
Giá cả: 40.000đ - 90.000đ/tô.
Bún qua cầu
Món ăn này có nguồn gốc từ Vân Nam, Trung Quốc. Món ăn đơn giản nhưng ẩn chứa câu chuyện về tình yêu, nghĩa vợ chồng sâu sắc. Tương truyền, có một đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc với nhau, nhưng người chồng chỉ ham chơi mà không tu chí học hành. Thấy vậy, người vợ nói với chồng: “Nếu chàng không dùi mài kinh sử, làm nên nghiệp lớn, sau này mẹ con thiếp sẽ tủi hổ vì thua kém chị em”. Từ đó, người chồng chuyển ra một hòn đảo nhỏ giữa hồ để học hành cho yên tĩnh.
![]() |
Hàng ngày, người vợ đều nấu cơm mang đến cho chồng. Vì đường xa, nên nàng đã đun nước ấm, cho bún và thịt vào giỏ mang đến cho chồng. Nàng cũng phát hiện nước sẽ nóng lâu hơn nếu trên mặt có một lớp mỡ. Đồ ăn mang đến nơi vẫn còn nóng nên người chồng ăn rất ngon. Thương vợ vất vả, chàng chăm chỉ học hành và đã đỗ đạt cao. Từ đó, món ăn này có tên là bún qua cầu và được lưu truyền cho đến ngày nay.
![]() |
Giờ đây, người ăn không cần phải qua cầu mới ăn được món bún này, nhưng để cho món ăn thêm phần hấp dẫn thì người chủ quán sẽ bày biện món ăn trên một chiếc cầu. Trên chiếc cầu này đó là các nguyên liệu trong món bún, bao gồm thịt gà, thịt lợn, mực, đậu phụ, nấm, hành, hẹ, bún, trứng chim cút, hành tây, rau cải, đu đủ, cà rốt cùng các gia vị như nước tương, muối, gừng, tỏi…
![]() |
Bún qua cầu cũng được ăn theo một quy định chặt chẽ. Trước tiên phải thả trứng vào bát nước dùng, chờ đợi một vài phút rồi lần lượt cho thịt, rau, nấm vào. Bún là nguyên liệu sau cùng được cho vào bát. Cách ăn này sẽ giúp nước dùng trở nên ngọt hơn bởi thịt và trứng, cũng giống như khi chúng ta ăn lẩu, thường sẽ ăn bún hoặc mỳ tôm sau cùng đó.
Với cách bày biện đẹp mắt, cùng một câu chuyện cảm động, món bún dân dã giờ trở nên thú vị hơn và rất đáng để trải nghiệm cùng bạn bè hoặc người ấy.
Địa chỉ: 24 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội.
Giá cả: 50.000đ - 150.000đ/tô.