Thực tế, đa số những việc gây căng thẳng nhất lại là những việc bình thường, nhỏ nhặt hàng ngày, nhất là khi chúng ta làm không đúng cách hoặc không biết cách giải tỏa. Bạn hãy lưu lại danh sách này để thực hiện dần trong năm nay nhé – chúng là những việc rất nhỏ để đơn giản hóa mỗi ngày của bạn, giúp bạn nhẹ nhõm hơn hẳn đấy:
1. Dậy sớm hơn bình thường 15 phút để không bị vội cuống lên và cáu kỉnh với cả thế giới.
2. Chuẩn bị cho buổi sáng hôm sau (quần áo, giày dép, sách vở, thức ăn…) từ buổi tối hôm trước.
3. Tránh mặc quần áo quá bó, quá chật. Khi việc hít thở và cử động cũng khó thì tất nhiên là bạn không thể thoải mái được.
4. Đừng uống nhiều thuốc. Phụ thuộc vào các loại thuốc gây hại nhiều hơn là lợi.
5. Đừng tin vào trí nhớ của bạn. Nếu cần ghi nhớ gì, hãy viết ra hoặc đặt lịch nhắc việc trong điện thoại.
![]() |
6. Những thứ mình dùng hàng ngày (máy tính, xe đạp, lò nướng…) nên được giữ gìn, làm vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ, đừng chờ đến lúc chúng hỏng.
7. Làm chìa khóa dự trữ và cất ở một nơi cố định (và đừng cho ai biết).
8. Từ chối những việc mình không thích làm. Bạn không có trách nhiệm phải nhận tất cả những việc mà người khác nhờ mình.
9. Đặt ưu tiên công việc hàng ngày (chỉ khoảng 3 việc). Nếu hoàn thành được 3 việc ưu tiên đó mà vẫn chưa xong những việc khác, thì cũng là đủ tốt rồi.
10. Với những việc phức tạp, hãy chia ra thành nhiều bước nhỏ và viết chúng ra, nhìn sẽ đơn giản hơn nhiều.
11. Dọn bàn học, phòng ngủ và nhà cửa gọn gàng. Bỏ những đồ không cần dùng đi. Không gian sống bừa bãi chính là nguồn gây căng thẳng lớn.
![]() |
12. Mỉm cười nhiều. Khi bạn mỉm cười (dù không thực sự buồn cười), thì não cũng nhận tín hiệu và “nhắc” cơ thể tạo ra hóc-môn hạnh phúc.
13. Luôn để sẵn áo mưa trong túi/cốp xe.
14. Nói điều gì đó dễ chịu, hoặc một lời khen, với người khác.
15. Mỗi ngày đều dành riêng thời gian (15-30 phút) để chơi, vận động ngoài trời, giải trí… Nếu quá bận rộn, bạn có thể chia 30 phút thành 2 lần 15 phút, hoặc 3 lần 10 phút cũng được.
16. Tập hít thở chậm và sâu.
![]() |
17. Xếp lại tủ quần áo.
18. Viết nhật ký. Đừng coi đây là một việc “mất thời gian”. Thực ra, viết nhật ký là cách để bạn nhìn lại những trải nghiệm của mình, và “trút” được bớt những chuyện cũ ra, đỡ bận tâm trong ngày hôm sau.
19. Nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn.
20. Tập thói quen nghĩ tích cực (thế này còn hơn thế kia, thế này là được rồi, rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn…).
Hãy nhớ rằng, “stress” chỉ là một thái độ, một cách nghĩ. Và bạn luôn có thể lựa chọn – nên hãy chọn sự vui vẻ.