Nếu muốn tăng "sức chịu đựng" cho bộ não, chính bạn phải là người buộc bộ não mình tăng thời gian hoạt động. Vì sao lại nói như thế? Hãy nhớ lại xem, bạn có từng nghĩ rằng bộ não mình đã bị vắt kiệt chất xám? Bạn có từng nghĩ rằng mình đã kiệt sức và não cũng không thể tiếp tục "hoạt động"?
Tất cả đều do "bạn nghĩ" mà ra cả thôi chứ trên thực tế, chẳng có điều gì khiến bộ não của chúng ta cạn kiệt năng lượng cả. Cùng một việc, nếu bắt buộc phải hoàn thành trong vòng 5 giờ, bạn vẫn có thể hoạt động liên tục trong suót 5 giờ liền. Tuy nhiên, nếu deadline dời lại đến tận chiều hôm sau, chỉ trong vòng 20 phút đầu, bạn đã bắt đầu cảm thấy "kiệt sức".
Thêm một ví dụ khác nữa nhé! Trong cuộc thi chạy, một vận động viên đã chạy đến đoạn nước rút và về đích với thành tích phá kỷ lục. Vậy làm cách nào họ có thể mạnh mẽ được như thế? Phải chăng nhờ rèn luyện sức lực, hay họ cố gắng dùng hết nguồn năng lượng còn lại của mình? Nếu vậy sao tim không ngừng đập, cơ không bị cứng hay não vẫn tiếp tục hoạt động dù cho thiếu năng lượng và calo?
Liệu đang có một loại "công tắc sinh học" nào bật lên chế độ mệt mỏi trước khi cả trái tim, bộ não và cơ bắp của bạn mệt mỏi? Mấu chốt chính là đây: Lý thuyết Thống đốc trung tâm.
Bạn biết không, bộ não của bạn không muốn bình năng lượng của bạn tiến gần về 0. Nó không muốn bạn bị đứt dây chằng hoặc rách cơ. Và nó cũng biết rằng bản thân nó đang lấn phần năng lượng, với các tế bào thần kinh đang đốt cháy 20% lượng calo hằng ngày của bạn. Chính vì muốn bảo tồn năng lượng, "vị thống đốc" đã khiến bạn nghĩ rằng cơ thể mình đang rất mệt mỏi và dần cạn kiệt năng lượng trước khi điều đó thật sự xảy ra.
Vậy làm cách nào để "đánh lừa" ngược lại vị thống đốc luôn muốn giữ vị trí trung tâm? Liệu ta có thể luyện tập cho bộ não hoạt động nhiều hơn theo ý mình muốn? Câu trả lời hoàn toàn là có, bạn ạ!
Thứ nhất, hãy vui vẻ lên. Bạn kiệt sức, cảm thấy khó chịu và bắt đầu nhăn nhó. Nhưng khi bạn nhăn mặt, bạn lại làm bản thân mệt mỏi. Vòng phản hồi hoạt động theo cả hai cách, vậy nên hãy cười lên. Bạn có thể đánh lừa "vị thống đốc" của bạn nghĩ rằng mọi việc đều dễ dàng. Thực tế có thể hoàn toàn chứng minh được điều đó. Khi vui vẻ lạc quan, bạn không những giảm được căng thẳng mà còn tăng thêm sức chịu đựng của mình.
Thứ hai, huấn luyện chính bộ não của bạn. Hãy tin rằng bộ não của mình chính là cơ bắp và nếu muốn có cơ bắp, bạn phải thường xuyên luyện tập. Nếu muốn tăng sức chịu đựng của bộ não, bạn nên tăng thời gian mà bạn buộc não phải hoạt động. Hãy cố gắng lao động trí óc một cách nghiêm túc, cố gắng làm lâu thêm một chút mà không nghỉ giải lao.
Thứ ba, đánh bại thực tế bằng nhận thức. Bạn đã từng say mê làm việc đến nỗi nhìn lại đồng hồ sau khi hoàn thành công việc, bạn cũng không thể tin mình đã hoạt động lâu đến như thế? Vấn đề nằm ở chỗ không phải bạn đang cảm thấy kiệt sức mà thật ra chỉ là bạn nghĩ rằng mình đang kiệt sức như thế nào. Từ đó, hãy biến sự nỗ lực trí tuệ thành một trò chơi.
Bỏ hàng giờ đồng hồ để học bài hay làm việc, bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và nhanh chóng muốn thoát khỏi nó. Ấy vậy mà khi chơi game, càng chơi càng nghiện, càng nhiều thử thách bạn lại càng muốn chơi. Đó chính là vấn đề nhận thức.
Bên cạnh đó, đừng nghĩ uống cà phê nhiều sẽ có thể đánh thức được bộ não của bạn. Thực chất caffeine chỉ đang ngăn chặn adenosine - một chất hóa học có trong cơ thể, giữ nhiệm vụ báo cáo với bộ não rằng bạn đang mệt mỏi.
Nói tóm lại, bạn nên ghi nhớ 3 nguyên tắc huấn luyện bộ não trên và thực tế cũng chẳng cần nạp thêm năng lượng quá nhiều. Hãy cố gắng hoạt động như một phân tử caffeine, ngăn chặn "vị thống đốc" suy nghĩ rằng bạn đã và đang mệt mỏi như thế nào.