Lý do 1: Vì ta chỉ “yêu” mãi một loại thông tin
Dù thông tin là thật hay giả nhưng chúng đều có một tác động nhất định đến một hành vi hằng ngày của chúng ta - lướt mạng xã hội.
Google, Facebook dùng trí tuệ nhân tạo thu thập thông tin của người dùng để đem đến những thông tin liên quan đến thứ bạn đang quan tâm nhất. Nếu như mỗi ngày bạn hãy chú ý đến số người chết, số ca nhiễm mới, hẳn nhiên, các trang mạng xã hội của bạn sẽ cập nhập những thông tin bạn thường xuyên xem (và có rất ít các thông tin khác). Các nhà tâm lý học gọi đó là “Availability Bias” (tạm dịch: Sự thiên vị sẵn có) mỗi khi cảnh báo với mọi người về tác động của mạng xã hội: chỉ đem thứ bạn “muốn” (want) chứ không đem lại thứ bạn “cần” (need).
Chính vì những thuật toán oái oăm của các ông lớn, bạn sẽ chỉ có được những thông tin một chiều và chúng ngày càng nhiều hơn. Nếu bạn sợ, bạn sẽ càng sợ hơn và có rất ít cơ hội tiếp cận với những loại thông tin tích cực khác.
Lý do 2: Những thông tin “giật gân” làm cảm xúc “lên bờ xuống ruộng”
Theo nghiên cứu của trang chuyên về kinh tế Quart, các thảm họa như khủng bố, sóng thần có khả năng tác động mạnh đến cảm xúc lớn hơn nhiều lần so với các tai nạn thông thường. Trang tư vấn sức khỏe trực tuyến Verywellmind cũng chỉ ra rằng con người có xu hướng ghi nhớ sâu đậm các ấn tượng tiêu cực nhiều hơn những điều tích cực. Giống như khi crush cả ngày không nói chuyện với bạn thì cả ngày hôm đó bạn buồn rười rượi. Điều đó cũng giống như bạn biết hôm nay mình được mẹ mua cho mình một ổ bánh mì thanh long như số ca nhiễm mới làm bạn “rầu” cả ngày.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Lý do 3: Sợ hãi thuộc về bản năng
Hãy hình dung về loài mèo, mỗi khi chuẩn bị đi tắm là chúng dựng lông lên, tim đập liên hồi và miệng kêu meo meo liên tục. Một là chú ta sẽ cào bạn cho ra trò để không phải tắm. Hai là canh bạn vừa mở cửa bước vào chuẩn bị tắm là chú chạy một cái vèo để trốn. Đó là hành động tự vệ của loài mèo trước việc đi tắm (mèo sợ tắm). Nói một cách tổng quát, đó là bản năng sinh tồn và trong sinh học người ta gọi là “trạng thái tấn công hoặc chạy” (fight or flight response) của các loài sinh vật.
Mỗi khi bạn sợ hãi, não bộ của bạn tiếp nhận thông tin và phóng ra một lượng hoóc-môn Adrenalin làm tim bạn đập nhanh hơn, hơi thở nặng nề hơn, cơ thể bạn bồn chồn lo lắng để bạn chuẩn bị “chiến đấu hoặc chạy”. Vì bạn sẽ không “chiến đấu hoặc chạy” sau khi nghe tin về COVID-19, cơ thể sẽ luôn bồn chồn lo lắng, thậm chí dẫn đến stress.
Nỗi sợ là một điều bình thường của con người. Sợ không có gì là sai. Sợ cho ta biết cách bảo vệ mình trước mọi nguy hiểm. Chính vì vậy, hãy trang bị cho mình thật nhiều kiến thức và kĩ năng để đương đầu với nỗi sợ chung của thế giới, bạn nhé!