3 ly sữa/ ngày liệu có tạo nên "biến đổi thần kỳ" cho Hội nấm lùn?

3 ly sữa/ ngày liệu có tạo nên "biến đổi thần kỳ" cho Hội nấm lùn?
HHT - Tuy được biết đến như một loại thực phẩm "toàn diện" để tăng trưởng chiều cao, khỏe mạnh, chắc xương nhưng sữa bò có thực sự "thần kì" như vậy?

Cuốn sách đóng về sữa bò

Sữa là “đặc sản” đầu tiên tụi mình được thưởng thức khi chào đời và câu hát 3 ly sữa mỗi ngày để cao lớn khỏe mạnh theo chúng ta đến tận bây giờ. Sữa “phủ sóng” 24/24: Sáng đi học mẹ dúi vào tay mình một hộp, chiều về “sạc pin” một hộp, tối trước khi ngủ lại thêm một cốc. Kể cả khi đã “lắc đầu nguầy nguậy” vì quá ngán món này thì bố mẹ vẫn luôn tìm đủ mọi cách để “nạp” sữa cho tụi mình. Những quốc gia bơ sữa ở phương Tây có người dân cao lớn khổng lồ khiến tụi mình cũng nghĩ rằng cứ uống sữa thì sẽ trở nên giống như vậy. 

3 ly sữa/ ngày liệu có tạo nên "biến đổi thần kỳ" cho Hội nấm lùn? ảnh 1

Ba ly sữa mỗi ngày có thực sự giúp teen chúng mình cải thiện chiều cao?

Tuy nhiên, theo chị Trang Phương Trinh (ĐH Y của Johns Hopkins, Mỹ) con người là động vật duy nhất vẫn uống sữa của loài động vật khác (với một lượng lớn) cho đến khi trưởng thành. Trong cơ thể của một bộ phận không nhỏ người châu Phi và châu Á bị thiếu lactase, enzyme có chức năng chuyển hóa lactose (loại đường chỉ có trong sữa và các sản phẩm từ sữa). Loại enzyme này chỉ xuất hiện lúc bé và mất dần khi độ tuổi tăng (đến 4 - 5 tuổi), gây nên các triệu chứng không dung nạp lactose (hay dị ứng sữa) như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy... Vì vậy theo thuyết tiến hóa, con người không cần thiết phải bổ sung sữa, đặc biệt là sữa của loài khác khi đã lớn.

3 ly sữa/ ngày liệu có tạo nên "biến đổi thần kỳ" cho Hội nấm lùn? ảnh 2

Con người là động vật duy nhất uống sữa của loài động vật khác (với một lượng lớn) cho đến khi trưởng thành.

Sữa được biết đến như một “kho báu” chất dinh dưỡng, vừa giàu canxi, protein, vừa chứa vitamin D giúp chắc xương, tăng chiều cao, thông minh... Trên thực tế, canxi trong sữa tồn tại ở dạng khó hấp thụ. Giả sử một cốc sữa có chứa khoảng 300 mg canxi thì chỉ có 30% trong số đó là có thể hấp thụ được. Thế nhưng không phải uống càng nhiều sữa thì lượng canxi hấp thụ sẽ càng “leo thang” theo. Một nghiên cứu về sức khỏe nam giới của ĐH Harvard chỉ ra rằng những người đàn ông uống nhiều hơn 2 ly sữa mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao gấp đôi những người không uống sữa. Tương tự với khảo sát hơn 500.000 phụ nữ, người có lượng lactose cao trong 3 ly sữa mỗi ngày cũng có nguy cơ cao “đụng độ” ung thư buồng trứng. Mặc dù dồi dào protein nhưng trong sữa lại thiếu chất sắt và làm mất máu đường ruột. Canxi và casein trong sữa còn “gây khó dễ” cho sự hấp thu sắt từ thực vật, giống như sữa và sắt đang đứng trên hai chiến tuyến. Một trong những nguyên nhân gây bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em là do “thu nạp” quá nhiều sữa bò.

3 ly sữa/ ngày liệu có tạo nên "biến đổi thần kỳ" cho Hội nấm lùn? ảnh 3

"Sữa bò" nhiều năm qua vẫn đang tạo ra rất nhiều tranh cãi về sự dinh dưỡng.

Chưa kể với nhu cầu tiêu thụ sữa khổng lồ như hiện nay, các nhà sản xuất phải tìm cách sao cho bò mẹ tiết ra thật nhiều sữa quanh năm. Chính vì vậy, các loại thức ăn công nghiệp như bắp biến đổi gen, hoóc môn tăng trưởng, các loại kháng sinh để chống viêm được “bơm” vào cơ thể bò và điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sữa.

Theo thống kê từ Tổng cục thống kê, đến cuối năm 2015, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm sữa bột và sữa tươi trong nước đã gia tăng đáng kể (gần 20%). Một số dự đoán đến năm 2020, mỗi người Việt sẽ tiêu thụ 28 lít sữa/ năm/ người. Thế nhưng mới đây, trang Telegragh (Anh) đã tổng hợp chiều cao trung bình của các nước và Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách 10 nước thấp nhất thế giới. Điều đó có thể phần nào nói lên rằng, nếu chỉ uống thật nhiều sữa không thể giúp hội nấm lùn “đổi đời”.

3 ly sữa/ ngày liệu có tạo nên "biến đổi thần kỳ" cho Hội nấm lùn? ảnh 4

Sữa bò không phải là "trụ cột" duy nhất khiến hội "nấm lùn" "đổi đời" nếu như bỏ qua các thức ăn giàu dinh dưỡng khác.

Làm sao khi sữa bò hết “thần kì”?

Bất cứ loại thực phẩm nào đưa vào quá nhiều cũng không nhận được sự “đồng tình” từ cơ thể, sữa bò cũng vậy. Việc lạm dụng sữa bò lại càng khiến chức năng của nó bị “đánh đuổi” đi mất. Tuy sữa bò có nhiều dưỡng chất nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Các chất dinh dưỡng trong sữa bò đều có thể tìm thấy ở đa dạng các loại thực phẩm khác. Sữa thực vật (sữa hạnh nhân, sữa đậu xanh...) có thể cho Hội yêu sữa “lối đi riêng” để dùng thay sữa bò trong ăn uống, nấu nướng vì nó lành tính hơn. Một số chất dinh dưỡng có thể thay thế sữa bò:

Canxi: Thực phẩm để cung cấp an toàn và vừa đủ lượng canxi (khoảng 1000 mg/ ngày) cho cơ thể chính là rau xanh. Rau có màu càng đậm thì chứa càng nhiều canxi như cải thìa, bông cải xanh và các loại hạt khô, quả hạnh nhân...

Vitamin D: Giúp cho sự phát triển xương có trong nấm, dầu gan cá... và được hấp thụ khi hoạt động ngắn, thường xuyên dưới ánh năng buổi sáng.

Protein: Theo chuyên gia tư vấn Dinh dưỡng và Sức khỏe Trần Lan Hương, cứ 1 kg trọng lượng cơ thể thì cần 0.5 – 0.8g protein/ ngày. Ưu tiên các loại đạm thực vật trong đậu, hạt, mè, rau ngót, gạo lứt...

3 ly sữa/ ngày liệu có tạo nên "biến đổi thần kỳ" cho Hội nấm lùn? ảnh 5

Ngoài ra, vitamin A, C, tinh bột và kẽm cũng thuộc hội bạn thân này. Giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của những bạn muốn “dài” ra. Ở tuổi dậy thì, teen cần ngủ sớm, có một giấc ngủ sâu và đủ 9 tiếng mỗi ngày. Không ăn quá nhanh trong bữa ăn, luyện tập các môn thể thao và các bài tập tăng chiều cao với cường độ hợp lý. Nếu muốn cao lớn lên, đừng biếng lười giao hết trách nhiệm đó cho sữa và các sản phẩm từ sữa. Dinh dưỡng một cách thông minh sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng để chống chọi lại sự “xâm lăng” của các loại vi-rút gây hại cũng như bái bai vóc dáng nhỏ nhắn của mình.

NGỌC TRÂM

Hình ảnh minh họa trong bài tổng hợp từ Internet

MỚI - NÓNG
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?

Có thể bạn quan tâm