30 năm Hoa Học Trò ra số đầu: Lớn lên con sẽ làm nhà văn!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi đã hùng dũng “tuyên bố” với cả nhà như vậy khi chỉ vừa mới 4 tuổi.

Chị gái tôi là thành viên của Hội bút Hương đầu mùa. Ngay từ khi tôi chỉ bé bằng… cái kẹo, chị tôi đã thường xuyên xuất hiện trên bìa báo Hoa Học Trò, và có những bài được đăng dưới nhiều bút danh khác nhau. Lớn hơn một chút, tôi được chị đèo đi trên con đường đầy nắng tới số 5 Hòa Mã - tòa soạn báo Hoa Học Trò lúc bấy giờ, để lấy nhuận bút. Chị mua cho tôi những cái bút xinh xắn, tôi đã thấy làm nhà văn là điều tuyệt vời nhất trên đời. Lúc đó, các anh chị ở tòa soạn báo đã cười xòa bảo “Lớn lên bé Quỳnh cũng viết bài cho báo nhé!”

30 năm Hoa Học Trò ra số đầu: Lớn lên con sẽ làm nhà văn! ảnh 1

Hương Quỳnh

Nhưng một điều rực rỡ như “trở thành nhà văn” thì làm sao tôi có thể đợi đến tận khi lớn lên mới làm! Tôi háo hức bắt tay ngay vào “sáng tác”, ngày nào cũng hí hoáy viết về “chí mèo, con khị, củ cà dốt” (lúc đó viết còn chưa đúng) rồi ấn “bản thảo” là trang A4 nguệch ngoạc vào tay chị tôi, tin tưởng nói: “Chị nộp bản thảo đến báo Hoa Học Trò cho em nhé!”

Ngày nào tôi cũng đợi chờ được thấy tác phẩm của mình trên báo, tôi đã mong ngóng đến mức, cuối cùng bố đã tự vẽ lên những quyển “Hoa Học Trò” nho nhỏ, nắn nót viết lên một dòng “Tác phẩm của bé Quỳnh” và đưa cho tôi và nói: “Con nhìn này! Bài viết của con đã được đăng báo rồi đấy!”

Tôi đã hạnh phúc biết chừng nào. Tôi đã ôm nó chạy đi khoe khắp cả khu và được mọi người gọi là “nhà văn nhí” cơ đấy!

Suốt những năm tháng học cấp 2, tôi tiếp tục đạp xe đi mua báo Hoa Học Trò đầu tuần, tiếp tục gửi bản thảo, ứng cử làm CTV nhưng...chưa một lần được duyệt. Vậy là tôi đã theo đuổi một công việc đến hơn 10 năm! “Tại sao phải là báo Hoa Học Trò?”, nhiều người từng hỏi tôi như thế khi tôi trở thành một tác giả bán chạy nhất, tôi chỉ có thể ngạc nhiên hỏi lại “Tại sao lại không phải là báo Hoa Học Trò?”. Mọi điều về tờ báo đều làm trái tim tôi nhảy múa, từ những mẩu chuyện nhỏ của anh Chánh Văn, từ những rung động đầu đời cho đến hoạt động cháy hết mình của tuổi trẻ, còn gì tràn đầy thanh xuân hơn thế?

Năm 2009, tôi là một trong những người thuộc thế hệ 9x đầu tiên xách va li đi du học Hàn Quốc. Lúc đó, chẳng có một bài viết hay thông tin nào về việc này, và tất cả mọi người đều có chung một câu hỏi, một mối quan tâm về việc “Tại sao lại là Hàn Quốc?!”

30 năm Hoa Học Trò ra số đầu: Lớn lên con sẽ làm nhà văn! ảnh 2

Năm 2014, tôi bắt đầu viết blog chia sẻ về cuộc sống du học của mình tại Seoul. Blog Quỳnh in Seoul thu hút hàng ngàn lượt truy cập và chia sẻ mỗi ngày là một điều tôi không thể ngờ tới. Tôi yêu việc viết, dù có hơn 10 năm không được hồi âm, tôi không bao giờ từ bỏ tình yêu của mình với câu chữ, và việc có thể khiến người ta thấy được cả một thế giới thông qua ngòi bút của mình, đối với tôi, là cảm giác hân hoan nhất.

Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Vào một buổi sáng mùa hè trong xanh năm 2015, tôi nhận được một email từ báo Hoa Học Trò, trao cho tôi một chuyên mục của riêng mình trên báo! Năm tôi 22 tuổi, tôi được viết riêng một trang trên tuần san Hoa Học Trò, “Thư từ Seoul”.

Mọi người lúc đó đều ngỡ ngàng, 22 tuổi và một chuyên mục riêng! 22 là rất trẻ, nhưng tôi đã trông đợi và theo đuổi ngày này 18 năm rồi đó. Cả một chặng đường dài như thế, tôi nhớ lúc ấy, tôi đã ngửa mặt lên trời, hít một hơi thật sâu và cảm nhận từng tế bào rung lên sức sống và niềm tin mãnh liệt.

Năm 2016, tôi được vinh danh là “Sứ giả truyền lửa” cho những người du học Hàn Quốc, được báo Hoa Học Trò trao cho cơ hội cộng tác, viết quyển sách đầu tiên trong đời. Đấy là tất cả những gì tôi từng mong trong suốt thời ấu thơ và lớn lên của mình.

“Hàn Quốc, đưa tôi đến bình minh!” trở thành quyển sách bán chạy nhất trong vòng 7 tháng ở Fahasa và tôi được tham gia những buổi ra mắt sách có hàng trăm người đến tham dự. Tôi bay vào Sài Gòn để được gặp những anh chị trong tòa soạn báo ở miền nam đã giúp đỡ và hướng dẫn tôi nhiệt tình, nắm tay những độc giả đã đọc từng trang thư tôi gửi về đăng báo.

Lời hẹn ước sau hơn 20 năm...

Tôi quay lại tòa soạn báo Hoa Học Trò sau hơn 20 năm, vẫn vẹn nguyên sự thấp thỏm và hồi hộp. Bây giờ tòa soạn báo đã chuyển sang địa điểm khác và tôi đã lớn đến như thế, đã đi nhiều nơi, được phụ trách chuyên mục, có quyển sách được nhiều người yêu quý,...Thế mà khi bước chân vào tòa soạn, tôi vẫn chỉ thấy mình là cô bé 4 tuổi bám áo chị năm xưa, ôm cả bầu trời mơ ước trong đôi tay bé nhỏ.

“Ai mà trông quen thế nhỉ? Cuối cùng cũng tới được đây rồi!”. Tình yêu, đam mê và giấc mơ là sức mạnh to lớn có thể nuôi dưỡng và đi cùng ta suốt cả cuộc đời này. Có thể bạn không nhận ra vì mỗi ngày chẳng có gì thay đổi, nhưng cũng như cánh bướm đập, bông hoa ngậm sương sớm, tất cả những gì bạn cần làm đó là tiếp tục tiến về phía trước…

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.