5 lời khẳng định rất “ảo” về thức ăn mà có thể bạn vẫn đang tin

5 lời khẳng định rất “ảo” về thức ăn mà có thể bạn vẫn đang tin
HHT - Thực tế, một số trào lưu “ăn lành mạnh” đã khiến rất nhiều người bị “rối” và suy nghĩ không đúng về nhiều loại thức ăn.

Nhiều niềm tin "rất chắc chắn" về thức ăn, thực ra lại chẳng có bằng chứng khoa học chắc chắn nào. Mới đây, các chuyên gia dinh dưỡng đã phân tích 5 "niềm tin" kiểu như vậy, để “minh oan” cho một số loại thực phẩm này bạn:

1. Ăn nhiều đạm không tốt cho cơ thể, đặc biệt là thận

Năm 1983, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên khám phá ra rằng, chế độ ăn nhiều đạm sẽ làm tăng "mức lọc cầu thận", viết tắt là GFR (lượng máu mà thận của bạn lọc được trong 1 phút).

Từ đó, nhiều nhà khoa học lại kết luận ngay rằng, GFR cao khiến thận của bạn… bị stress (kiểu như làm việc nhiều hơn thì mệt mỏi hơn ấy!).

Thực tế, những nghiên cứu tiếp sau đó đã cho thấy: Chế độ ăn nhiều đạm đúng là làm tăng GFR thật, nhưng nó chẳng có tác hại gì đối với chức năng của thận cả.

Không có bằng chứng rằng ăn nhiều đạm sẽ hại thận.

2. Ăn khoai lang tốt hơn là khoai tây

Hầu hết chúng ta đều ăn "phiên bản" khoai tây qua xử lý rất nhiều – ví dụ, khoai tây chiên trong tiệm thức ăn nhanh, hoặc khoai tây chip đóng gói… Chính vấn đề “qua xử lý” đó mới khiến cho việc ăn nhiều “khoai tây” gây tăng cân và tăng nguy cơ bị các bệnh như tiểu đường.

Trong khi đó, khoai lang thường được ăn dưới dạng luộc hoặc nướng không thôi, cho nên mới được coi là giàu dinh dưỡng hơn và có chỉ số GI (chỉ số làm tăng đường huyết) thấp hơn khoai tây.

Còn khoa học thì khẳng định rằng, khoai tây và khoai lang có sự khác biệt về dinh dưỡng mang tính bổ sung cho nhau; loại này không nhất thiết là tốt hơn hẳn loại kia.

Ví dụ, khoai lang giàu chất xơ và vitamin A hơn, nhưng khoai tây lại giàu các khoáng chất quan trọng hơn, như sắt, ma-giê, ka-li…

Tóm lại: Cách bạn ăn khoai – ví dụ, khoai tây nướng nguyên thay vì khoai tây chiên – thì quan trọng hơn là ăn loại khoai nào!

Ăn khoai theo cách nào thì quan trọng hơn là ăn loại khoai nào.

3. Thịt đỏ gây ung thư

Một nghiên cứu năm 1986 ở Nhật cho thấy rằng, bệnh ung thư phát triển ở những con chuột được cho ăn "các amin khác vòng" – những hợp chất có trong thịt bị xử lý lâu dưới nhiệt độ cao. Từ đó, một vài nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ tiềm năng giữa thịt đỏ và bệnh ung thư.

Tuy nhiên, chưa một nghiên cứu nào từng tìm thấy mối liên hệ nguyên nhân – kết quả trực tiếp giữa việc ăn thịt đỏ và bệnh ung thư. Những nghiên cứu nối tiếp phía trên cũng còn xa mới đi đến được kết luận, vì mới chỉ dựa trên thống kê thói quen ăn uống của con người, và chủ yếu để tìm ra các xu hướng, chứ không phải nguyên nhân.

Tóm lại, bạn không nhất thiết phải ngừng ăn thịt đỏ, mà chỉ cần đừng nấu nướng cháy, hoặc nếu nấu nướng quá tay, bị cháy thì bạn hãy cắt bỏ phần cháy trước khi ăn mà thôi.

Ăn nhiều thịt đỏ là không nên, nhưng cũng không có bằng chứng rằng thịt đỏ gây ung thư.

4. Si-rô nhiều đường fructose thì gây béo hơn là đường bình thường

Năm 2002, các nhà nghiên cứu ở Đại học California đưa ra lưu ý rằng, con người đang ăn nhiều đường fructose hơn (bao gồm si-rô ngô có trong các loại ngũ cốc, bánh kẹo đóng gói), song song với tỷ lệ người béo phì đang tăng cao.

Nhưng khoa học đã nói: Chưa có bằng chứng nào cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa hai loại đường này. Cả hai đều khiến bạn tăng cân nếu nạp quá nhiều.

Tóm lại, các loại đường đều chứa calo rỗng, đều nên hạn chế sử dụng, bạn nhé.

Bạn nên hạn chế ăn các loại đường, chứ không chỉ riêng loại đường nào.

5. Ăn nhạt thôi, vì muối làm tăng huyết áp

Từ những năm 1940, một nhà nghiên cứu ở Đại học Duke đã nổi tiếng vì dùng chế độ ăn ít muối để điều trị những người bị huyết áp cao. Về sau, các nghiên cứu đã xác nhận rằng, giảm lượng muối giúp giảm chứng tăng huyết áp.

Tuy nhiên, những bằng chứng khoa học diện rộng cho thấy không có lý do nào để những người có huyết áp bình thường phải ăn thật nhạt, chỉ cần đừng ăn quá mặn là được.

Không phải cứ ăn thật nhạt mới là tốt đâu nhé.

Nếu gia đình bạn có nhiều người bị huyết áp cao, thì bạn cũng có thể "nhạy cảm với muối". Khi đó, bạn mới cần ăn nhạt theo chỉ định của bác sĩ. Điều cần lưu ý là, những người bị huyết áp cao, khi ăn giảm muối, thì cần ăn thêm nhiều thực phẩm chứa kali. Bởi sự cân bằng giữa hai khoáng chất này là rất quan trọng. Và các nhà nghiên cứu Hà Lan đã khẳng định rằng, việc ăn ít kali cũng có hại đối với huyết áp y như là ăn nhiều muối vậy.

Tóm lại: Bạn nên ăn những thức ăn giàu kali, như nhiều loại trái cây, rau xanh, hạt đậu…, thì tự khắc bạn sẽ không thích ăn mặn lắm nữa đâu.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm