Với chúng ta, 55 - 60 tuổi là hết tuổi lao động, cần phải nghỉ ngơi, dưỡng già. Nhưng với người Nhật thì không, lao động dường như không có giới hạn tuổi tác với họ. Tại các sân bay, nhà hàng hay trên đường phố Nhật Bản, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh các ông, bà cụ lưng đã còng, đầu tóc bạc phơ nhưng vẫn hăng say lao động. Ví dụ nhất là cụ bà 81 tuổi, Masako Wakamiya, mới đây vẫn tự tin thuyết trình về ứng dụng di động của mình trên diễn đàn TED.
Hẳn ai trong chúng ta, và ngay cả giới trẻ Nhật bây giờ, những người đang tự rút ngắn tuổi thọ của mình bằng những tiêu cực của lối sống hiện đại, từng tự đặt câu hỏi: “Tại sao những ông, bà cụ kia lại có thể làm được như vậy?”. Trả lời cho câu hỏi này, tác giả Naomi Moriyama đã chia sẻ trong cuốn sách Japanese women don’t get old or fat của mình: “Bí quyết chính là 7 nguyên tắc nấu ăn cơ bản của người Nhật" mà cô đã học được từ mẹ mình.
Chế độ dinh dưỡng dựa trên cá, đậu nành, cơm, rau quả và trái cây
Hãy quên những bữa ăn cầu kì và đắt đỏ trong các nhà hàng đi. Bữa cơm gia đình mới là chìa khóa cho một sức khỏe vàng. Một bữa ăn gia đình truyền thống ở Nhật thường gồm có cá nướng, cơm, rau củ sạch luộc sơ hay chần qua nước sôi, một chén súp miso, nước trà xanh và tráng miệng bằng trái cây.
Nghệ thuật bài trí món ăn
Khi đi ăn tại các nhà hàng Nhật, nếu để ý, bạn sẽ thấy một các món ăn thường được chia thành những phần nhỏ, đựng trong nhiều bát, dĩa riêng biệt. Trông bắt mắt thật đấy, nhưng nghĩ đến việc rửa dọn thì đúng là “cực hình”. Người Nhật cũng hiểu điều này, nhưng tại sao họ vẫn tiếp tục làm, nếu cần đẹp mắt thì cũng có nhiều cách bài trí khác gọn nhẹ hơn mà?
Câu trả lời chính là, cách bài trí cầu kì này thường đi đôi với nguyên tắc “nhai kỹ no lâu” của người Nhật, khiến cho tốc độ ăn giảm, từ đó ăn ít lại và hạn chế xu hướng tiếp tục “nhồi nhét” khi chúng ta đã no.
Thanh đạm - tiêu chí hàng đầu trong chế biến thực phẩm
Hấp, áp chảo, xào, hầm và nướng nhanh là những phương pháp chính được sử dụng trong nấu ăn. Các đầu bếp Nhật ưa dùng những loại dầu ăn tốt cho tim mạch và tránh các phương pháp chế biến thực phẩm dưới nhiệt độ cao trong một thời gian dài.
Mỗi món ăn tùy theo nguyên liệu, hương vị mà sẽ có cách chế biến thích hợp. Nguyên tắc chung là không được làm mất đi hương vị của món ăn và hạn chế tối đa sự mất mát các chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Ăn cơm, và nói không với bánh mì
Người Nhật dùng cơm trong hầu hết các bữa ăn và hạn chế bánh mì. Bởi trong bánh mì có hàm lượng tinh bột, carbohydrate xấu cao.
Bữa sáng tràn đầy năng lượng với súp Miso
Ở xứ sở hoa anh đào, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất. Mọi người cần phải nạp thật đầy năng lượng với nhiều món ăn cầu kì, khác nhau. Một bát súp miso giàu probiotic (một loại men vi sinh, có nhiều nhất trong yogurt, tốt cho hệ tiêu hóa) dường như là không thể thiếu để bắt đầu một ngày mới.
Hạn chế dùng đồ ngọt làm tráng miệng
Khác với các nước phương Tây, Nhật thường không dùng các loại kem, bánh ngọt... làm món tráng miệng. Nếu có, thì khẩu phần cũng sẽ rất ít như một cái mochi hay yokan chẳng hạn.
Quan điểm khác biệt về thực phẩm và chế độ ăn uống
Không quá chú trọng đến việc kiêng cử hay tính toán khẩu phần ăn như hầu hết phụ nữ phương Tây, phụ nữ Nhật ăn khá nhiều và khẩu phần của họ cũng rất đa dạng chứ không bị gò bó trong một tiêu chuẩn nhất định nào. Ngoài ra họ cũng không mấy chú trọng việc tập gym mà chính việc phải đi bộ di chuyển liên tục giữa nhiều nơi hằng ngày khiến họ không thể nào “mập lên nổi”.
Ngoài ra Naomi còn chia sẻ về 7 nhóm thực phẩm chính trong chế độ dinh dưỡng của người Nhật.
Cá
Lượng cá được tiêu thụ ở Nhật Bản chiếm đến 10% so với tổng sản lượng của toàn thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%. Bạn sợ rằng ăn nhiều cá như thế liệu có bị… dư Omega-3? Vâng, chính nhờ cái “dư Omega-3” này mà người Nhật mới miễn nhiễm với bệnh tật và trẻ lâu như thế đó.
Rau
Không những cực giàu chất chống oxi hóa, vitamin và khoáng chất, rau còn làm bạn dễ no và ăn ít lại. Theo thống kê, người Nhật ăn rau nhiều gấp 5 lần người Mỹ, đặc biệt là những loại rau họ Cải như bông cải xanh, bắp cải, cải thìa, cải lá xoăn (kale) và rong biển.
Cơm
Cơm là thành phần không thể thiếu trong hầu hết các bữa ăn của người Nhật, bởi trong cơm không chứa muối và cholesterol. Ngoài ra, cơm nguội còn là “thần dược giảm béo” đối với phụ nữ Nhật. Trong quá trình để cơm nóng thành nguội sẽ sinh ra thành phần kháng tinh bột, khiến cho qua trình tiêu hóa chậm hơn, ức chế bài tiết insulin từ đó làm cản trở sự tổng hợp chất béo.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo bạn nên dung gạo lứt hay gạo tím thay vì gạo trắng. Bởi carb phức hợp trong gạo lứt và gạo tím có tác dụng ngăn ngừa các bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2. Trong trường hợp không mua được hai loại gạo trên, bạn có thể dung gạo trắng nhưng thêm một ít dầu dừa lúc cơm sôi sẽ giúp giảm đáng kể lượng carb đơn (nguyên nhân gây ra một số bệnh mãn tính) trong gạo.
Đậu nành
Người Nhật tiêu thụ khoảng 50g đậu nành một ngày. Rất nhiều món ăn, đồ uống truyền thống của họ được chế biến từ đậu nành. Tuy nhiên, người tiêu dung nên tìm hiểu kỹ khi mua sắm để tránh mua nhằm loại đậu nành biến đổi gen (GMO) sẽ không tốt.
Các loại bún, mì sợi
Đây là loại thực phẩm phổ biến chỉ sau cơm ở châu Á, ít béo và giúp no lâu. Ở Nhật có rất nhiều loại thực phẩm dạng sợi như thế này và đa số chúng được làm từ đậu xanh hay bột kiều mạch (mì soba).
Nhưng đừng nghe vậy mà tưởng mì ăn liền cũng tốt nhé!
Trà xanh
Với người Nhật, để kết thúc bữa ăn, không có gì tuyệt bằng một tách trà xanh giàu chất chống oxi hóa giúp bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa bệnh mãn tính. Uống trà xanh không những tốt cho sức khỏe mà còn cả tinh thần của bạn nữa.
Chắc bạn cũng không lạ gì "thần dược" Matcha nhỉ?
Trái cây
Trái cây làm giảm lượng chất béo chuyển hóa có trong các thực phẩm chế biến sẵn mà bạn vẫn nạp vào cơ thể hằng ngày. Không có món tráng miệng nào tốt bằng những lát trái cây tươi ngon giàu vitamin.
Để đảm bảo, hãy dùng các sản phẩm hữu cơ. Còn không, bạn có thể loại bỏ thuốc trừ sâu và các chất bẩn khỏi trái cây bằng cách rửa qua nước muối hay hỗn hợp giấm trắng chưng cất với nước (10% giấm và 90% nước).
NGOC NGO
(tổng hợp từ Healthy And Natural World) - Ảnh: Internet