Những hành vi thù ghét người châu Á không phải bây giờ mới xuất hiện ở các nước như Mỹ, Anh, Canada… Năm ngoái, Sở Cảnh sát New York (Mỹ) đã lần đầu tiên phải thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm thù ghét người châu Á.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những hành vi xấu xí đó lại gia tăng, mà sự kiện gây chấn động chính là vụ xả súng tại 3 spa ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ), khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đăng bài trên Facebook, lên án sự thù ghét và những hành động bạo lực nhằm vào người Mỹ - Á.
Bài đăng của Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề bạo lực nhằm vào người gốc châu Á. (Ảnh chụp màn hình).
Vụ xả súng nói trên, cùng những vụ tấn công đơn lẻ sau đó nhằm vào người châu Á ở Mỹ, đã gây căm phẫn mạnh mẽ. Bởi vậy, nhiều sự kiện đã diễn ra để phản đối sự thù ghét vô lý này, và dưới đây là một số hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc nhất.
Ngày 20/3, nhiều người thuộc nhiều chủng tộc ở Atlanta đã xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á, sau khi xảy ra vụ xả súng chết chóc ở các spa. Họ cầm những tấm bảng ghi: “Hãy bảo vệ mạng sống của người châu Á”, “Tôi sẽ không câm lặng đâu"...
Ảnh: Megan Varner/ Getty.
Ứng viên Thị trưởng thành phố New York là Andrew Yang (người Mỹ - Đài Loan) và vợ là Evelyn Yang phát biểu ở Công viên Columbus tại Chinatown (Manhattan, New York), bày tỏ sự phản đối hành vi chống người gốc Á.
Ảnh: Alexi Rosenfeld/ Getty.
Ngày 21/3, một số người ở New York đã xuống đường, cầm những tấm bảng ghi: "Hãy ngừng sự thù ghét người châu Á", "Chúng tôi (cũng) thuộc về" (ý nói là cũng thuộc cộng đồng nói chung), "Đoàn kết mãi mãi".
Ảnh: ED JONES/ AFP/ Getty.
Một người đeo khẩu trang ghi: "Tôi không phải là vật kích thích của anh", như lời đáp trả kẻ xả súng tại các spa. Kẻ đó là Robert Aaron Long, 21 tuổi. Hắn đã nhận tội và nói với cảnh sát rằng, chứng "nghiện tình dục" khiến hắn bị kích động và thực hiện hành vi phạm tội.
Ảnh: ED JONES/AFP/ Getty.
Vào ngày 19/3, trong cuộc diễu hành ở Los Angeles (bang California), nhiều người giơ cao những tấm bảng thể hiện sự ủng hộ cộng đồng người châu Á và gửi thông điệp tới thành phố Atlanta: "Hãy cứ mạnh mẽ nhé, Atlanta".
Ảnh: Mario Tama/ Getty.
Ngày 21/3, một cô bé ở thành phố New York cầm tấm bảng "Nạn phân biệt chủng tộc là một loại virus" xuống phố. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, một người gốc Á, cũng từng nói: "Không có loại vắc-xin nào cho nạn phân biệt chủng tộc cả. Chúng ta phải tự hành động".
Ảnh: Stephen Lovekin/ Shutterstock.
Ngày 21/3, ở thành phố New York, một người đưa con gái ra phố, cầm theo những tấm bảng tự làm, có ghi: "Tôi không phải là virus. Đừng thù ghét nữa!". Tấm bảng được ghi như vậy là do nhiều người Mỹ gọi virus corona mới là "virus Trung Quốc", từ đó thù ghét và tấn công người gốc Á.