1. Không cần phải biết tuốt. Không biết cũng được chứ sao.
Bây giờ ai cũng bơi lóp ngóp giữa hàng tấn thông tin mỗi ngày. Bạn rất áp lực khi bạn bè trợn mắt ngạc nhiên: “Trời, chuyện này mà không biết à!”. Nhưng hoàn toàn có thể đáp lại “ừ tớ không biết thật!”. Bạn không phải bắt kịp, đuổi kịp cả những đề tài bạn không quan tâm. Chúng ta trở thành những miếng bọt biển bị thấm bẩn, mệt nhoài và căng thẳng. Cho nên bạn có quyền từ chối nghe/ đọc những gì mình không thích. Thay bằng một quyển sách thú vị nào đó, những bài báo thật sự có ít, vài chương trình giải trí bạn thật sự ưng.
2. Thỉnh thoảng nổi giận cũng được, không cần nén quá đâu!
Người ta thường nói giận mất khôn, một chữ nhịn bằng chín chữ lành, tránh voi chẳng xấu mặt nào… Bạn biết hết, nếu nhẫn nhịn được thì tốt quá, nhưng lòng cứ cuộn sóng thì phải làm sao? Những cảm xúc xấu mà bạn đang cố không phát tiết ra ngoài chúng sẽ chẳng mất đi. Chúng chỉ lặn xuống, “hóa vôi” và làm tâm trạng của bạn càng ngày càng nặng nề.
Nhớ rằng: Bạn hoàn toàn có quyền bày tỏ sự tức giận! Chỉ có điều, hãy bày tỏ nó một cách chừng mực nhất một cách có thể. Chỉ cần chậm lại một nhịp, nói thành thật cảm giác của mình, mình cảm thấy như thế nào cho đối phương nghe (thay vì ném cơn giận bằng những lời sát thương). Bạn cũng có thể đi loanh quanh một chút rồi mới nói ra cơn giận. Tóm lại, hoàn toàn có thể thể hiện thái độ của mình. Điều này sẽ tránh cho cuộc bùng nổ vì nén quá lâu, đến một ngày gom lại trút hết lên nạn nhân thì còn tệ hơn.
3. Quyền giữ im lặng - bạn không cần trả lời ngay một điều bạn chưa chắc
Bạn bối rối khi không thể nói thật nhưng cũng chẳng muốn nói dối? Bạn không biết mình có thể tha thứ hay chưa? Bạn không chắc chắn lắm về một quyết định? Câu trả lời tốt nhất là sử dụng quyền im lặng của mình. Hãy tuyên bố: Hiện giờ tôi không muốn/ chưa thể nói về vấn đề này. Vì vậy, hãy cho tôi được im lặng và suy nghĩ cho đến khi sẵn sàng. Đơn giản quá phải không?
4. Quyền “cập nhật phiên bản mới nhất”
Quyền này cho phép bạn được thay đổi mà không cảm thấy tội lỗi. Tội lỗi với ai? Thì với những người đã trót tin rằng bạn sẽ… chẳng bao giờ thay đổi. Đừng để họ cản trở quá trình trưởng thành của bạn hay khiến bạn cố gắng sắm vai chính mình trong quá khứ!
Họ cần học cách chấp nhận con người mới của bạn
Họ cần học cách chấp nhận con người mới của bạn, và bạn có thể giúp điều đó xảy ra dễ dàng hơn bằng cách… thông báo thường xuyên về những bản “update” mới của mình cho mọi người biết.
5. Nếu lời hứa không thể giữ, hãy phá bỏ kèm theo lời xin lỗi.
Quyền “update” kéo theo quyền phá-bỏ-cam-kết! Quyền này sẽ giải thoát những ai đang “há miệng mắc quai” vì một lời hứa, một nhận định chắc như đinh đóng cột trong quá khứ. Bạn sẽ trở thành kẻ hứa lèo ba phải chẳng đáng tin? Ừ thì cũng có thể! Nhưng sẽ có những lời nói trong quá khứ mà bạn thốt ra khi chưa suy nghĩ kỹ, chưa có đầy đủ thông tin, chưa thực sự là chính mình.
Bạn có quyền sửa sai chứ! Tại sao phải đâm lao thì cũng theo lao? Hãy đính chính và phản bác lại chính bạn trong quá khứ, nếu điều đó giúp bạn “bẻ lái” về con đường đúng. Quan trọng là bạn phải tuyên bố lời hứa được sửa đổi một cách công khai, kèm đầy đủ lý do.
6. Không phải lúc nào được tặng quà cũng phải nhận, bạn có thể từ chối.
Cũng vì chẳng ai cho không ai cái gì, nên bạn cũng không buộc phải nhận tất cả những gì mà người khác cho. Đó có thể là lời mời “kết làm bạn thân” với một ai đó mà bạn không thực sự thích họ lắm, một quyền lợi hấp dẫn nào đó kèm theo những điều kiện mà bạn không thể đáp ứng, một món quà không phù hợp mà cũng chẳng cần thiết với bạn, một tình cảm trao gửi mà bạn không muốn đáp trả.
Đừng áy náy! Tuy từ chối hơi khó khăn một chút ban đầu nhưng cảm giác tự do sau đó rất xứng đáng. Bạn không cần phải ôm hết vào mình những thứ không phù hợp.
7. Nếu bạn thấy bạn không đáng bị kết tội, có quyền không thừa nhận.
Ai cũng là người vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội. Vì vậy, bạn không cần phải hốt hoảng rối ren chỉ vì một tin đồn (gossip), một lời vu oan hay sự hiểu lầm. Bạn không cần phải cảm thấy buồn bã xấu hổ vì lời buộc tội vô căn cứ.
Điều bạn cần làm là: Hãy tìm cách công khai thông tin đúng (trên facebook, gửi mail đến từng người …). Dư luận tin hay không là một chuyện, nhưng chắc chắn phải có ý kiến trái chiều trước cái đã. Nếu bạn vẫn chưa đánh mất niềm tin từ những người quan trọng nhất của cuộc đời, mọi việc vẫn ổn. Và thời gian cùng với hành động đúng đắn của bạn sẽ xóa tan mọi lời kết án ngay cả khi… chúng có thật.
8. Quyền từ chối, trì hoãn và xếp ưu tiên.
Mỗi người chỉ có một lượng thời gian hữu hạn, hãy biết xếp thứ tự ưu tiên, và cần thiết thì từ chối - trì hoãn những yêu cầu của người khác. Hãy sử dụng trọn vẹn nhất khoảng thời gian cho điều thực sự quan trọng. Bạn không buộc phải nói chuyện với người mình không thích, đi chơi chỉ vì bị réo gọi quá nhiều, ngồi cả ngày để nghe lời than thở của một ai đó hay nhào đầu vào bất kì lời kêu cứu giúp đỡ nào. Bất kì công việc, email, lời yêu cầu nào được gởi đến bạn, hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng. Rồi bạn sẽ thấy mình thảnh thơi hơn, làm được nhiều việc ý nghĩa hơn, và biết nói “Không” một cách có chọn lọc.
9. Ngoài 9 quy luật này ra, bạn có quyền thêm hoặc bớt bất kỳ điều gì.
Đó là quyền… viết nên luật của chính bạn. Không phải lúc nào bạn cũng phải chơi theo luật của người khác. Bạn cũng có quyền đưa ra những qui tắc cho riêng mình. Hãy biến cuộc đời thành sân nhà của bạn và chơi thật fair-play. Bởi vì bạn có những quyền năng để đến được với hạnh phúc và thành công!