Góc flexing
- Đang theo học ngành Digital Marketing tại trường Đại học RMIT.
- Học bổng 100% từ Đại học RMIT.
- Học bổng 70% (1,6 tỷ đồng) từ Đại học VinUniversity.
- Học bổng 50% từ Đại học British University Vietnam.
- Đạt GPA ba năm cấp Ba: 9.8-9.8-9.9
Hành trình trở thành “thợ săn” bất đắc dĩ
Ban đầu, chinh phục học bổng từ các trường đại học quốc tế vốn không phải là mục tiêu của cậu bạn Huỳnh Đức Thắng. Thế nhưng, vô tình không đỗ vào trường đại học mong muốn chỉ vì... quên xác nhận hồ sơ, cuộc hành trình trở thành “thợ săn” học bổng của Thắng bắt đầu từ đây.
Cậu bạn bắt đầu chuyển hướng sang các trường đại học quốc tế và đặt quyết tâm đạt học bổng. Chính vì sự gấp rút này mà quá trình chuẩn bị hồ sơ, tạo portfolio hay dịch thuật các chứng chỉ của Thắng phải thực hiện trong vòng ba tháng cuối trước khi thi tốt nghiệp.
Dù trong khoảng thời gian gấp rút nhưng cậu đã cố gắng hoàn thiện bộ hồ sơ của mình. Mỗi bộ hồ sơ hoàn chỉnh cần có một bài luận, một chiếc CV và thư giới thiệu. Với CV, Thắng đã đưa vào những thông tin về năng lực học thuật, hoạt động ngoại khóa cùng các chứng chỉ đã được dịch sang tiếng Anh. Về phần năng lực học thuật, các bạn cũng lưu ý duy trì GPA từ 7.0 - 8.0 trở lên. Còn đối với bài luận, nên sử dụng văn phong xuyên suốt trong bài, nếu có thể hãy kể câu chuyện của chính mình. Thắng đã đưa câu chuyện về quá trình bước ra khỏi định kiến “điểm cao nhờ là con giáo viên”. Chính nhờ câu chuyện này, bài luận của cậu bạn có thêm chất riêng và gây ấn tượng sâu sắc với ban tuyển sinh.
Ngoài ra, Thắng cũng là “viên kim cương” bước ra từ cuộc thi Thử Thách Kim Cương 2021. Đây là cuộc thi Hoa Học Trò tổ chức dành cho teen mê truyền thông. Cuộc thi cũng là cơ hội để các bạn tìm hiểu về ngành Báo chí Truyền thông và có cơ hội trở thành CTV của báo. Nhờ tham gia cuộc thi, Thắng đã làm dày CV của mình với hoạt động ngoại khóa bổ ích, cũng như góp nhặt biết bao kỹ năng quý giá cho cuộc hành trình chinh phục học bổng như cách viết làm sao cho thu hút, cách trang trí bố cục cho portfolio của mình trở nên bắt mắt hơn...
Thắng tiết lộ, khi làm CTV nhà Hoa, bạn đã có cơ hội phỏng vấn, tiếp xúc với những nhân vật có sức ảnh hưởng nên kỹ năng phỏng vấn và dẫn dắt câu chuyện mượt mà hơn. Có lẽ nhờ vậy mà bạn cũng bớt run khi bước vào phòng phỏng vấn. Thắng chia sẻ: “Khi tham gia vào cuộc thi, mình đã có cơ hội được phỏng vấn một cựu sinh viên của RMIT là podcaster @meomeotalks. Qua quá trình trò chuyện, tiếp xúc, chị đã truyền cho mình động lực trong việc quyết định apply học bổng của RMIT”.
Hiểu “gu” các trường, bật chế độ thợ săn cấp tốc
Việc tìm hiểu thật kỹ các tiêu chí xét học bổng của các trường là điều tối quan trọng. Thắng đã nghiên cứu rất chi tiết những yêu cầu của trường bằng tiếng Anh. Ngoài việc follow một số kênh YouTube chia sẻ về kinh nghiệm “săn” học bổng như Khiemslays, HannahEd, Vừng..., cậu bạn còn có “chiêu thức” độc lạ khác.
Thắng (thứ ba từ trái qua) nhận học bổng. |
“Mình đã lần mò vào các bài đăng tôn vinh những học sinh đạt học bổng của trường. Sau đó, mình zoom hết cỡ bằng khen và soi được tên của các anh chị khóa trước. Bước kế tiếp, mình hóa thành stalker và tìm được “phở bò” của các anh, chị dưới các phần bình luận. Cuối cùng, mình tiếp cận và “xin vía”, xin kinh nghiệm từ các tiền bối. Khi nhắn tin xin kinh nghiệm, mình không lòng vòng mà đi thẳng vào vấn đề, đưa ra những mong muốn của bản thân, từ đó anh chị sẽ dễ dàng chia sẻ hơn”.
Thắng cũng mách nhỏ: “Hoạt động ngoại khóa về thiện nguyện thường sẽ “gây thương nhớ” cho các trường đại học hơn cả. Vì tính cộng đồng và thể hiện được tấm lòng của bạn với xã hội. Tuy nhiên có một vài trường yêu cầu những hoạt động bạn tham gia dưới vai trò lãnh đạo”. Đây là một số “công thức” mà cậu bạn đã rút ra trong quá trình apply học bổng.
“BIG 3” | Bí kíp “gây thương nhớ” | Bộ hồ sơ của Thắng |
RMIT | Đối với RMIT, các bạn cứ vô tư flex vì trường khá đề cao những dự án về leadership. Những dự án mà bạn tham gia dưới vai trò của một người lãnh đạo, dẫn đầu thế hệ trẻ. Có thể đưa vào những dữ liệu “khủng” thông qua dự án mà bạn đã làm để tăng thêm tính thuyết phục. | - Chủ nhiệm CLB Sự kiện và Truyền thông trường THPT Châu Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. - Phó bí thư Đoàn trường THPT Châu Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. |
VinUniversity | Từ khóa mà VinUni muốn hướng đến là một người trẻ có thể quảng bá được hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam. Vì thế mà những dự án có liên quan đến văn hóa, con người Việt Nam sẽ được “ông lớn” này chú ý. | Dự án về nghệ thuật hát Xoan ở Phú Thọ. |
British University Vietnam (BUV) | BUV thì lại mong muốn sinh viên tương lai sẽ là những người trẻ hiểu về văn hóa của cả hai nước Anh - Việt. Vì vậy, trường đề cao những dự án về sự giao thoa văn hóa giữa hai nước. Ngoài ra những dự án về tình nguyện, cộng đồng cũng gây sự chú ý với trường. | - Ban truyền thông của chuỗi dự án cứu trợ động vật trong COVID-19 - Nepeta. - Thành viên quỹ từ thiện “Sun in the box”. |
Bí kíp “đốn tim” giám khảo tại vòng phỏng vấn
Cậu bạn bật mí: “Những thông tin về dự án hay cơ bản về bản thân bạn, tất cả đều có sẵn trong hồ sơ rồi. Vì vậy, điều chúng mình cần làm là gây ấn tượng bằng những câu trả lời mang đậm cá tính và thể hiện sự hiểu biết về ngôi trường mình đang tham gia phỏng vấn. Cụ thể, khi được cho lựa chọn vài từ để miêu tả về bản thân, mình đã chọn 4 chữ tương ứng với tên trường RMIT. Ví dụ như R - Responsible (trách nhiệm), M - Motivating (truyền cảm hứng), I - Intelligent (nhanh trí), T - Talented (tài năng)”.
Ngoài ra, Thắng còn có một tuyệt chiêu nhỏ nữa, đó là cố gắng nói to và nhấn nhá một chút để dẫn dắt câu trả lời mượt mà hơn, cũng như không gây nhàm chán trong quá trình trò chuyện. Các buổi phỏng vấn học bổng thường diễn ra trong khoảng từ 20 - 30 phút, vì vậy nên tập luyện sẵn câu trả lời cơ bản về bản thân hay ngành học để tự tin hơn trong quá trình trò chuyện.