Hiếm có loài côn trùng nào chỉ toàn điểm xấu, lấy kính lúp ra soi cũng không nổi một nửa điểm tốt như loài gián. Ấy thế mà giờ đây, người ta cuối cùng cũng "gạn đục khơi trong" được đám "Tiểu Cường" này và tìm ra được nhiệm vụ mới đầy cao cả cho chúng mang tên: xử lý rác thải.
Bạn biết đấy, một trong những mối nguy hàng đầu hiện nay mà con người đang phải đối mặt, không đâu khác chính là khủng hoảng rác thải sinh hoạt. Trung Quốc - nhà nhập khẩu rác nhựa để tái chế lớn nhất thế giới - nay đã phải tuyên bố cấm cửa hoạt động này để giải quyết rắc rối với những núi rác thải sinh hoạt khổng lồ tại nội địa. Dân số quá lớn khiến Trung Quốc rơi vào tình cảnh quá tải thực phẩm thừa đến mức không thể xử lý kịp.
"Cái khó ló cái khôn", các nhà quản lý tại đất nước này đã nảy ra sáng kiến, tuy nghe qua có vẻ viển vông, đó là chăm nuôi một đàn gián thật lớn rồi quẳng hết thức ăn thừa cho chúng. Hóa ra, sáng kiến kì quặc này lại trở thành vũ khí lợi hại của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại lãng phí thức ăn.
Bên trong một nhà máy đặt tại ngoại ô thành phố Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc, một đoàn quân gián đang được các kỹ sư chăm nuôi nhiệt tình bằng cách "nhồi" ăn khoảng 50 tấn rác, hầu hết là thức ăn thừa ra tại các nhà hàng.
Thức ăn thừa sẽ được tập kết tại nhà máy nuôi gián vào sáng sớm. Chính tay các kỹ sư sẽ phân loại thức ăn này rồi đưa tới chuồng gián thông qua các đường ống riêng. Nơi ở của gián được chăm lo rất cẩn thận, đảm bảo đủ điều kiện vừa ẩm ướt, vừa ấm áp. Đàn gián tha hồ nằm ườn đợi mỹ vị dâng lên mà vẫn khỏe mạnh, phàm ăn. Để đề phòng gián xổng chuồng, oanh tạc cuộc sống của con người, các kỹ sư đã xây thêm các hào nước xung quanh, nuôi thêm một đàn cá dưới đó nhằm xử lý những kẻ đào tẩu.
Hiện công ty điều hành dự án này đang có kế hoạch mở thêm 3 nhà máy tương tự nhằm xử lý hết 1/3 đống rác thải thừa ra từ nhà bếp của gần 7 triệu dân sống tại Tế Nam.
Không chỉ chén sạch thực phẩm thừa, đàn gián này sẽ lại quay vòng và trở thành nguồn protein siêu màu mỡ cho lợn, cá... Thậm chí những xưởng sản xuất dược phẩm cũng rất cần gián để làm nguyên liệu chữa các bệnh như loét miệng, loét dạ dày hay các vết thương ngoài da. Hóa ra, một loài bị ghét như gián cũng có ngày làm được bao nhiêu chuyện lớn.