Ai từng "lạ nhà, lạ giường" tới mức không ngủ được thì giơ tay! Tại sao lại thế nhỉ?

Ai từng "lạ nhà, lạ giường" tới mức không ngủ được thì giơ tay! Tại sao lại thế nhỉ?
HHT - Rất nhiều người trong số chúng ta thường không giải thích được lý do cho những đêm mất ngủ tại nơi xa lạ. Ngay cả khi đã cố gắng yên giấc được một lúc, ta vẫn giật mình tỉnh dậy giữa đêm và rồi cứ thế thao thức tới sáng.

Những chuyến đi chơi xa, những đợt công tác ngắn ngày hay những ý tưởng qua đêm bất chợt tại một nơi mới mẻ... luôn khiến bạn cảm thấy khó chịu. Bạn không thể ngủ nổi, đặc biệt là trong đêm đầu tiên trên một cái giường lạ, giữa bốn bức tường lạ.

Ai từng "lạ nhà, lạ giường" tới mức không ngủ được thì giơ tay! Tại sao lại thế nhỉ? ảnh 1
Không khí ở nơi này kì quặc thế nhỉ? Rõ ràng mọi thứ đều yên tĩnh, cớ sao bạn cứ thao thức mãi mà không ngủ được?

Nếu có đầy đủ những biểu hiện trên, xin mời bạn về với đội "lạ nhà, lạ giường", nơi hội tụ những con người sở hữu một loạt các đặc điểm khó ngủ mà phe "cứ ngã là ngáy" không thể hiểu được. Tuy nhiên, khoa học lại gọi chứng này với cái tên khá tả thực: Hiệu ứng đêm đầu tiên.

Hiệu ứng đêm đầu tiên, hiểu đơn giản là việc bạn luôn thấy khó chợp mắt mỗi khi đặt lưng xuống nơi nào đó không phải nhà mình. Đêm đầu tiên luôn là cửa ải khó khăn nhất. Nếu may mắn, bạn có thể bớt đi cảm giác này vào những đêm tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu ở trường Đại học Brown (Mỹ) đã đưa ra kết quả nghiên cứu về hiệu ứng trên. Thí nghiệm được thực hiện trên 35 tình nguyện viên trẻ tuổi, khỏe mạnh. Thông qua 3 lần thử, nhóm đã đo được chính xác hoạt động não của 35 người này trong 2 đêm đầu tiên ngủ lại ở nơi xa lạ.

Ai từng "lạ nhà, lạ giường" tới mức không ngủ được thì giơ tay! Tại sao lại thế nhỉ? ảnh 2

Kết quả cho thấy cơ thể họ thực sự không ngủ hoàn toàn khi đã vào giấc. Một phần não trái vẫn hoạt động trong khi não phải đã "khò khò" ngay trong đêm đầu tiên, đặc biệt với giấc ngủ sâu. Bán cầu não trái của một số người còn thức nguyên đêm để dè chừng những điều xấu xảy ra.

"Qua đêm vào ngày đầu tiên tại nơi lạ, một phần não trái của bạn vẫn thức "thao láo" nhằm giám sát mọi diễn biến quanh mình" - Yuka Sasaki, tác giả của nghiên cứu cho biết - "Nhờ đó, bạn có thể thức dậy bất cứ lúc nào".

Hiện tượng này cũng xảy ra phổ biến ở các loài động vật có vú dưới nước như cá voi trắng hay cá heo mũi chai. Chúng cũng dùng cách này nhằm giữ một phần bán cầu não trong trạng thái tỉnh táo, duy trì hô hấp, sẵn sàng tỉnh dậy bất cứ lúc nào nếu cảm nhận thấy nguy hiểm.

Ai từng "lạ nhà, lạ giường" tới mức không ngủ được thì giơ tay! Tại sao lại thế nhỉ? ảnh 3

Phần bán cầu não trái của con người cũng vậy. Nó trở thành "kẻ tuần đêm" với mức cảnh giác nâng lên quá cao, đôi khi mang lại cảm giác bồn chồn, lo lắng không cần thiết. Chúng ta tỉnh giấc nhiều lần vào ban đêm cũng là do cơ quan này hoạt động quá chăm chỉ.

Để làm giảm bớt tác động của "hiệu ứng đêm đầu tiên", bạn nên tránh xa ánh sáng từ màn hình máy tính, điện thoại cũng như tránh uống nhiều trà, cà phê để có giấc ngủ ngon. Rất may là hiệu ứng này thường chỉ hoành hành trong vài đêm đầu. Tới những đêm sau đó, cả hai bán cầu não đều đưa ra chung một đáp án về "tình hình an toàn quanh mình" nên người mắc hiệu ứng này sẽ ít bị đánh thức và bắt đầu ngủ ngon hơn. 

Tuy nhiên, đôi khi việc tìm tới một nơi xa lạ để nghỉ dưỡng lại chính là cách giúp giải tỏa căng thẳng và cho bán cầu não trái cơ hội được thư giãn. Giống như bạn đang "lấy độc trị độc vậy".

Theo dailymail
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm