COVID-19, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn:

Ám ảnh nơi đầu sóng...

0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Liên (bên phải) và điều dưỡng Hương rút ống thở cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Thái Hà
Bác sĩ Liên (bên phải) và điều dưỡng Hương rút ống thở cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Thái Hà
TP - “Hương ơi, bệnh nhân này trào ngược”! Tiếng gọi bất ngờ vang lên, nữ điều dưỡng bỏ vội ống tiêm xuống bàn, chạy nhanh về phía cuối phòng hồi sức tích cực 2. Người đàn ông chừng hơn 60 tuổi mắt nhắm nghiền, cơ thể rung lên từng cơn, tiếng tít tít của hệ thống hỗ trợ hô hấp cũng phát ra những âm thanh khẩn cấp hơn…

Rất nhanh tôi thấy bác sĩ nội trú Dương Liên và Đặng Thị Thu Hương, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) thao tác ăn í, một ống nhựa được luồn vào họng bệnh nhân hút đờm dãi. Chừng vài phút sau, bệnh nhân thở nhè nhẹ, không còn những cơn gồng mình như ban nãy. Chưa kịp hỏi thăm về ca xử lí vừa rồi tôi đã thấy bác sĩ Liên thoăn thoắt quay ngược lại phía đầu phòng bệnh. Ở đó, người đàn ông tầm hơn 70 tuổi đang lên cơn co giật. Mắt nhắm chặt, thi thoảng cụ ông lại giật tung phần đầu cổ lên, hai chân liên tục chuyển động dù đã được buộc vào thành giường.

Bác sĩ Liên một tay giữ phần đầu bệnh nhân, một tay giữ ống thở để điều dưỡng Hương thông đờm dãi cho bệnh nhân. Dường như thấy thông số sinh tồn của cụ ông trên màn hình theo dõi có vấn đề, Liên thực hiện một loạt thao tác. Chỉ vài phút chứng kiến những gấp gáp để giữ mạng sống cho người bệnh, tôi có cảm giác mồ hôi túa ra trên cơ thể mình. Nhưng tịnh không thấy sự bất an nào trong ánh mắt những cô gái trẻ đang khoác trên người bộ đồ bảo hộ.

Tôi chợt lặng đi khi nhận ra nơi đây không chỉ có tiếng máy móc hỗ trợ sự sống. “Ông ơi, ông thở đi, nào ông thở nhé, cố lên ông, cháu sẽ rút ống thở để ông thở bằng ô xy nhé”, đó là tiếng Liên đang trò chuyện cùng một bệnh nhân khác. Khẽ mở mắt, rồi cụ ông chớp chớp đôi mi như đã hiểu ý bác sĩ Liên. Cô rút ống thở, thay thế bằng mặt nạ ô xy cho bệnh nhân. Tiếp đó Liên nghe tim, phổi, kiểm tra sức khỏe cho cụ ông rồi với tay đắp lại tấm chăn mỏng lên cơ thể người bệnh, dặn dò ông cố nghỉ ngơi.

Ám ảnh nơi đầu sóng... ảnh 1

Khoa Hồi sức tích cực rất nhiều bệnh nhân nặng

Những ngày này bệnh nhân nhập viện liên tục, đông hơn nhiều lần so với trước đây. Khối lượng công việc vì thế tăng lên nhiều lần. “Mỗi lần đi trực cảm giác rất kinh khủng. Mỗi bệnh nhân là một tình trạng bệnh, tính cách khác nhau. Bệnh nhân thở ô xy thở mask luồng khí vào mũi cảm giác khó chịu nên họ thường xuyên muốn dứt dây ra, nếu không ở bên động viên, an ủi bệnh nhân sẽ không chịu thở, khi đó sẽ phải đặt ống thở lại sẽ càng vất vả cho nhân viên y tế hơn và chính bệnh nhân cũng khó qua giai đoạn nguy hiểm hơn”, điều dưỡng Hương vừa nói vừa chăm sóc một cụ bà.

Hương cùng bác sĩ Liên và 5 đồng nghiệp khác được giao phụ trách 30 bệnh nhân nặng, nhiều người thở máy, thở ô xy liều cao, HFNC, có bệnh lí nền. Chăm bệnh nhân lâu ngày giúp cô hiểu tính cách của họ. Có những người qua được giai đoạn nguy hiểm, được rút ống thở, nhưng vì tỉnh táo hơn nên họ có rất nhiều yêu cầu. Một số bệnh nhân chịu khó hợp tác với nhân viên y tế nhưng cũng có trường hợp tinh thần bất an, lo lắng, hoảng sợ nên y bác sĩ rất vất vả. Không ít bệnh nhân phải dùng thuốc an thần, lúc lơ mơ họ có thể giật dây dẫn ô xy hoặc ống thở, mặt nạ thở, xông dạ dày, rút máy thở, nếu nhân viên y tế không kịp thời phát hiện, không đặt lại máy ống thở thì bệnh nhân có thể sẽ ngừng tim, ngừng thở bất cứ lúc nào.

Trong một lần chia sẻ lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói, đại ý: Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn là cái chết. Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ, suy cho cùng, từ đâu mà ra suy nghĩ đó, là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó...

Thâm niên 11 năm làm điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực - nơi được ví là “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, Hương từng chứng kiến rất nhiều ca bệnh nguy kịch. Nhưng với đại dịch COVID-19, cô thực sự thấy mình bất lực khi phải chứng kiến bệnh nhân tử vong trong ca trực của mình. Những bệnh nhân hằng ngày được cô chăm sóc, người nằm ở đây 1-2 tuần, có ca nằm mấy tháng tùy tình trạng bệnh. Phần lớn họ đều chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, lại kèm theo bệnh lí nền. Chưa kể có những thai phụ không tiêm vắc xin, khi nhiễm bệnh cũng trở nặng khiến khối lượng công việc của nhân viên y tế tăng lên nhiều lần vì phải theo dõi sức khỏe cả thai phụ lẫn thai nhi. “May mắn bà bầu qua khỏi đợt này khá cao, nhưng cũng có những thai phụ phải thở máy, đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) liên tục, hoặc có người đang mang thai 22 tuần đang phải lọc máu thường xuyên”, Hương chia sẻ.

Nghĩa nặng, tình thâm

“Áp lực nhất vẫn là từ bệnh nhân nặng, công việc nhiều, bọn em lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, cố gắng làm tốt nhất cho bệnh nhân nhanh khỏi”, Hương nói. Nhắc đến những bệnh nhân tử vong, Hương im lặng vài chục giây, giọng nghẹn lại: “Có những đợt thực sự ám ảnh. Nghĩ lại buồn và thương nhiều lắm. Trong đầu em vẫn nhớ như in nhiều bệnh nhân không qua khỏi. Có một số trường hợp để lại trong em day dứt không nguôi. Cô ấy còn trẻ, mới 28 tuổi, ở Hà Nội, không tiêm phòng, mang thai gần 30 tuần. Trước khi bạn ấy ra đi thì thai nhi mất vì sinh non”, Hương lấy tay khẽ lau những giọt nước mắt. Hơn ai hết, cùng trang lứa, cùng có con nhỏ, lại hằng ngày chăm sóc bệnh nhân, Hương coi cô ấy như chị em. “Khi bạn ấy ra đi em là người trực tiếp thay mặt gia đình khâm liệm. Hình ảnh cô ấy làm em rất đau lòng, khi ra đi không có người thân nào bên cạnh”, giọng Hương nghẹn lại, cảm giác nỗi đau, mất mát vẫn còn hằn trong đôi mắt cô gái trẻ.

Cũng như cô gái xấu số đó, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đều lặng lẽ “đi” vào ban đêm. Họ hấp hối không nói được gì vì bệnh nặng, thường đã hôn mê lâu ngày. Thậm chí, những bệnh nhân tỉnh táo hơn cũng rất khó nói vì đặt ống thở ở cổ họng. Không ít bệnh nhân khi vào viện còn hơi tỉnh táo, nhưng nặng dần lên rồi vĩnh viễn lìa xa cuộc sống mà không một lời trăng trối. Có gia đình cả bố mẹ cùng nằm viện, có trường hợp cả hai vợ chồng không qua khỏi. Khi ấy cả kíp trực cùng nhau xúm vào lo cho bệnh nhân. Đã bao năm làm việc nơi sinh tử cận kề, chứng kiến nhiều sinh mạng rời xa cõi trần, nhưng với Hương cảm giác lần đầu chứng kiến và bây giờ không khác nhau mấy…

Cái chết, có lẽ không là sự ám ảnh của riêng ai. Càng chứng kiến nhiều nỗi đau, cô gái nhỏ nhắn càng muốn cố gắng chăm sóc bệnh nhân tốt nhất để cứu được thêm nhiều sinh mạng, mang họ về với gia đình. “Đó là hạnh phúc nhất của em và các đồng nghiệp”, đã nghe trong giọng nói của cô niềm hi vọng và sự tự tin.

MỚI - NÓNG