Ấm Project, từ bánh qui đến nhạc cổ điển

Pianis Bảo Quyên và violinist Quang Tiến trong hòa nhạc từ thiện “Sưởi Ấm”
Pianis Bảo Quyên và violinist Quang Tiến trong hòa nhạc từ thiện “Sưởi Ấm”
TP - Bán rong bánh qui, hoa quả dầm trên phố đi bộ và đồng tổ chức hòa nhạc thính phòng tại khán phòng Học viện Âm nhạc tưởng như hai khái niệm không liên quan, thế nhưng đều là hoạt động gây quĩ từ thiện của Ấm Project. Người của Ấm (Ấmmer) là những học sinh phổ thông trung học Hà Nội, đa số ở tuổi 15-16.

Tối 5/1 vừa qua khán giả Hòa nhạc thính phòng Le Chauffage (“Sưởi ấm”) với sự góp mặt của Pianist Trần Lê Bảo Quyên và Violinist Trần Lê Quang Tiến đã có một đêm viên mãn với âm nhạc cổ điển. Giải thích về thông điệp “Journey to live” (Hành trình sống) của đêm nhạc, sáng lập viên Ấm Project, nữ sinh lớp 10 Phạm Vân Anh cho biết, số tiền bán vé và quyên góp sẽ được chuyển đến cho những người đang phải vật lộn với bệnh tật để sống tiếp mỗi ngày. Đó là nữ sinh Hà Nội đa tài Đỗ Hạnh An bị tái phát bệnh ung thư máu hiếm gặp và đang bước vào ca phẫu thuật sống còn. Đó là 129 bệnh nhân tại xóm chạy thận (Ngõ 121, Lê Thanh Nghị, Hà Nội).

Chia nhạc, sưởi ấm

Khác với các chương trình Hòa nhạc kén khán giả, “Sưởi Ấm” có 2 mức giá vé: 100.000 đồng cho sinh viên và mức chung 500.000 đồng/ vé. Một số nhà tài trợ sau khi quyên góp 10-20 triệu đồng nhận được số vé tặng tương đương đã gửi lại ban tổ chức để bán giá rẻ cho sinh viên học sinh “để nhiều bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhạc cổ điển”.

Từ Học viện Âm nhạc Franfurk (Đức), hai chị em Bảo Quyên và Quang Tiến được mẹ gửi cho bài báo đăng bức thư ngỏ của Hạnh An kêu gọi cộng đồng giúp đỡ em vì gia đình đã kiệt quệ trong lúc bệnh ung thư của em tái phát. Xúc động trước hoàn cảnh của cựu học sinh Trường Quốc tế Anh-Việt BVIS, hiệu trưởng Mark Sayer cũng gửi thư cho từng phụ huynh kêu gọi ủng hộ ca cấy tủy lần hai đang đem hy vọng sống cao cho Hạnh An.

Từng là bạn học lớp dưới cùng trường BVIS, từng ngưỡng mộ vì năng lực hoạt động cộng đồng và làm từ thiện của Hạnh An, violinist Quang Tiến muốn dùng tiếng đàn để giúp bạn.Bảo Quyên nhiệt tình luyện tập cùng em trai để có đêm nhạc lay động nhất. Chị Lê Xuân Hà, phụ huynh của hai nghệ sĩ trẻ ráo riết tìm nhà tổ chức hòa nhạc để kịp có tiền hỗ trợ ca cấy tủy của Hạnh An và nhân một cơ duyên,họ đã tìm thấy Ấm Project.

Trước thắc mắc “sao lại đưa nhạc cổ điển “sang chảnh” vào một chương trình thiện nguyện và phục vụ khán giả đại chúng”, pianist Bảo Quyên chia sẻ: “Tôi nghĩ các loại hình nghệ thuật và các thể loại âm nhạc ra đời để phục vụ tinh thần của loài người. Sau đêm nhạc vừa rồi, tôi thấy nhạc cổ điển không hề xa lạ với công chúng. Khán giả cảm nhận được từng tác phẩm. Âm nhạc kết nối mọi người với nhau, với hành trình nghị lực sống của Hạnh An và các bệnh nhân xóm chạy thận phố Lê Thanh Nghị.

Đêm nhạc quyên được 150 triệu, 50 triệu được sớm chuyển tới gia đình Hạnh An. Số còn lại sẽ được trích ra để Ấm Projest làm từ thiện, trong đó có việc sắm quà Tết cho 129 bệnh nhân xóm chạy thận.

Từ “ấm trà” đến “ấm áp”

Hồi nhỏ sau nhiều lần cùng mẹ đi làm từ thiện tại các trại trẻ mồ côi, Vân Anh thầm nghĩ: “Mình sẽ cùng bạn bè làm điều gì đó nhỏ thôi, để góp phần giúp người khó khăn hơn mình, nhưng là tự cơ chứ không phải xin tiền bố mẹ”. Nhà Vân Anh ở gần ngõ 121 Lê Thanh Nghị, một lần nghe bạn kể về cuộc sống của những người chạy thận ở trọ, em đã vào để quan sát.

Bệnh nhân chạy thận là những người ít khả năng lao động, họ phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân, nhận làm thêm một số việc như bán nước rong, phụ việc vặt, chạy xe ôm đường ngắn... Điều kiện ở trọ chật chội, nóng bức, với lịch lọc thận 3 lần/tuần họ phải bám trụ khu nhà trọ và bệnh viện Bạch Mai (gần đó) cho tới lúc không thể. Sắc da người bệnh tái xanh, trên tay có những vết sẹo chằng chịt từ việc mổ tách mạch, lấy cặn ra khỏi cơ thể rồi chạy thận tạo nên.

Bàn với các bạn cùng trường PTTH Chuyên ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), Vân Anh lên đề án lập trang facebook Thu Ấm kêu gọi cộng đồng ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn. Nữ sinh lớp 10 khá tâm đắc khi nghĩ ra logo hình ấm trà vì biểu tượng được hiểu như một ấm trà nhỏ bình dị, mỗi nhà đều có và một nghĩa khác là ấm trà mang lại hơi ấm trong ngày thu lạnh.

Ban điều hành có năm người, trong đó Vân Anh vừa quản lý tài chính, vừa điều hànhchung. “Ngoài ra mỗi bạn đều có thế mạnh riêng như Giáng Hương chuyên trách truyền thông, Hoàng Linh Đan thiết kế đồ họa đẹp, Lưu Gia Huy sáng tạo khi lên kịch bản sự kiện...”. Thu Ấm lôi kéo được thêm 20 bạn cùng trường và vài chục thành viên từ các trường khác tại Hà Nội. Các bạn họp, phân công việc chủ yếu qua mạng. Nhờ khiếu điều hành của Vân Anh “nhiều năm kinh nghiệm lớp trưởng” mọi việc vẫn chạy êm, kết quả học không hề bị ảnh hưởng.

Đầu tháng 8 năm 2018, cả nhóm ra quân bán quà và đàn hát trên phố đi bộ để quảng bá dự án và quyên tiền. Các bạn làm bánh qui, hoa quả dầm, nước ngọt, chia thành nhóm bán rong quanh hồ Hoàn Kiếm. Sau một ngày số tiền sau khi trừ khoản thuê loa đài, nhóm thu được 8 triệu. Các bạn dùng hết vào việc mua dầu ăn, mỳ chính mang đến xóm chạy thận tặng các bệnh nhân nhân dịp trung thu.

Trưởng xóm Mai Anh Tuấn là bệnh nhân đã 23 năm nhớ lại buổi nhận quà hôm đó “các cháu học sinh rất trẻ, không có người lớn đi cùng nhưng phát biểu rất chững chạc, chân thật”. Đợt quà hôm đó chia đủ cho 121 người (hiện giờ đã lên thành 129 người). “Vào những dịp lễ Tết, bệnh nhân chúng tôi vẫn phải ở lại nên việc làm của các cháu khiến chúng tôi ấm lòng”.

Dự định làm việc thiện không chỉ vào mùa thu nên trưởng nhóm Vân Anh đã đổi Thu Ấm thành Ấm Project. Fanpage Ấm Project hiện có trên 2.000 người theo dõi, nội dung song ngữ Anh-Việt và được viết với ngôn ngữ bay bổng và “già trước tuổi”.

“Chúng tôi muốn cùng mọi người san sẻ ấm áp, đơn giản vậy thôi”. Hiện tại các Ấmmer đang lên kế hoạch mua giò, bánh chưng để làm quà Tết cho các công dân xóm chạy thận. Tiếp theo sẽ là cuộc đi thăm và trao quà cho trại trẻ mồ côi Hà Cầu (Hà Đông)”.

Ấm Project, từ bánh qui đến nhạc cổ điển ảnh 1  

Vân Anh (đứng thứ hai từ phải sang) cùng các bạn bán hàng rong trên phố đi bộ

MỚI - NÓNG