An cư vùng đất mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn một năm trước hay tin nhiều người dân Jrai sống biệt lập ở khu vực suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, Gia Lai), phóng viên Tiền Phong đã về tận nơi ghi nhận sự cơ cực, thiệt thòi của người dân nơi đây. Ở Ia Sol nhiều người còn không nói được tiếng phổ thông. Cũng như cư dân suối Cạn, người dân ở nhiều buôn làng khác tại Gia Lai năm vừa qua cũng được di dời đến nơi an toàn, thuận tiện.

Di dời làng “4 không”

Trò chuyện với những người lớn tuổi ở suối Cạn, phóng viên phải nhờ các cô giáo phiên dịch giúp. “Giải mã” từng lời mới hay, từ năm 1982 một số người đồng bào Jrai vào đây canh tác, rồi định cư, nơi đây cách trung tâm huyện gần 20 cây số. Khu dân cư tự phát bây giờ đã lên đến 34 hộ với gần 200 khẩu (68 trẻ em từ 2 đến 16 tuổi). Việc đi học của trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ đưa đón, bởi đường đi rất khó khăn, cách trung tâm cả chục cây số. Cũng vì thế mà người có học vấn cao nhất ở suối Cạn chỉ học tới lớp 10.

An cư vùng đất mới ảnh 1

Người dân ở xã Chư Rcăm mừng vui khi đến nơi ở mới

Người dân nơi đây ở sát chân núi, đất đai đa phần là cát không phù hợp trồng hoa màu. Không có hạ tầng thiết yếu, người dân phải sống trong cảnh “4 không” (không điện, đường, trường, trạm), khép kín, tự cung tự cấp.

Buôn H’Lang (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) có 96 hộ đã ổn định cuộc sống sau khi dời nhà từ vùng sạt lở nằm cạnh sông Ba về nơi ở mới. Khu tái định cư nằm gần Quốc lộ 25, có tổng diện tích gần 4,5ha, bình quân mỗi hộ được cấp hơn 400m2 đất ở, đất vườn và 20 triệu đồng để di dời nhà ở. Cũng tại huyện Krông Pa, 60 hộ dân sống ở các sườn dốc, ven chân núi thường xuyên chịu cảnh sạt lở tại buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) sắp được chuyển về nơi ở mới khi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu tái định cư đã hoàn thiện.

Sau bài viết của báo Tiền Phong, trong chuyến làm việc thực tế tại huyện Phú Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên đã yêu cầu cả hệ thống chính trị của địa phương triển khai ngay dự án Khu dân cư suối Cạn. Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Công trình do UBND huyện Phú Thiện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí thực hiện là 10 tỷ đồng, bằng nguồn vốn Ngân sách Trung ương; địa điểm xây dựng tại khu đất rộng 3,8ha thuộc thôn Thắng Lợi 3 (xã Ia Sol). Công trình gồm đường giao thông nông thôn cấp A, san nền mặt bằng, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện chiếu sáng…

Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực nhằm bố trí ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ia Sol. Đến nơi ở mới các hộ dân sẽ ổn định chốn ở, trẻ em được học chữ, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Chị Kpă H’Lúi đã 28 tuổi sinh ra ở khu vực suối Cạn, cho biết, ở đây chỉ có 3 hộ có đất, đa số người dân làm thuê. Có nhiều việc mới có tiền mua gạo, bột ngọt, hết tiền thì đi xin người xung quanh. Lúc nhàn rỗi lên rừng bẻ măng, hái rau về ăn. Sợ nhất là con cái đau ốm buổi đêm mà không chở ra viện được. Giờ nghe tin có nơi ở mới gần bệnh viện, trường học ai cũng mừng không ngủ được..

Hết cảnh thấp thỏm mùa lũ

Gần 80 hộ dân làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) sống dọc sông Ba nên thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Ba năm trước do ảnh hưởng của cơn bão, địa bàn xã mưa lớn liên tục, nước từ thượng nguồn đổ về tràn vào nhà dân, cuốn đi heo gà, lúa gạo.

Bà Đinh Thị Lài, hơn 60 tuổi giờ chỉ có mong ước duy nhất là có nơi ở mới. “Chiều tối ba năm trước, khi đang nấu cơm tôi nghe nước đổ ầm ầm. Con gái tôi vội vã chạy tới cõng bố đang bị ốm lên núi cao tránh lũ. Tôi chỉ kịp vơ mấy bộ quần áo và cái mền, theo con gái lao ra khỏi nhà. Từ trên đồi cao nhìn xuống thấy toàn bộ làng chìm trong biển nước”, bà Lài nhớ lại.

Cơn lũ hoành hành hơn một ngày thì rút, để lại cảnh tượng tan hoang, đổ nát, bùn đất tràn vào nhà gây hư hỏng tài sản; quần áo, chăn mền, lúa gạo ướt hết. Cũng bởi thế mà cứ mưa lớn người dân làng Kon Bông chẳng ai dám ngủ. Sau nhiều năm thấp thỏm trong nỗi lo ngập lụt, chạy lũ, đến nay dân làng đã được di dời đến nơi ở mới.

Từ xa, làng Kon Bông thơ mộng nằm trên quả đồi cao, lọt thỏm giữa cánh rừng già. Những ngôi nhà sàn được bố trí ngay hàng, thẳng lối bên sườn đồi. Chính giữa là đường bê tông thẳng tắp dẫn đến ngôi nhà rông sừng sững nằm ở nơi cao và thoáng đãng nhất. Trải qua nhiều năm tháng nơm nớp lo sợ ngập lụt, đây là năm đầu tiên dân làng Kon Bông an tâm đón Tết trong ngôi nhà mới.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Đak Rong cho hay, từ nguồn ngân sách hơn 20,4 tỷ đồng, huyện đã san ủi mặt bằng gần 3,7ha để bố trí quỹ đất di dời nhà từ nơi ở cũ lên vị trí quy hoạch làng mới. Đồng thời hoàn thiện gần 2km đường giao thông nội làng, đầu tư hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt, xây dựng nhà văn hóa, cải tạo, nâng cấp trường mẫu giáo. “Địa phương đang thực hiện dự án thâm canh, tăng năng suất cây cà phê, lúa nước. Cùng với đó mở rộng mô hình trồng mắc ca, nuôi heo đen, mở rộng diện tích rừng giao khoán để bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống nơi làng mới”, ông Quang vui vẻ nói.

Trong khi đó, theo ông Kpă Đô -Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đến thời điểm này đã có 13 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết được phê duyệt quyết định đầu tư tại các thôn, làng thuộc 8 huyện trên địa bàn. Việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí và ổn định dân cư theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ giúp hàng ngàn hộ dân trong tỉnh Gia Lai “an cư lạc nghiệp”.

MỚI - NÓNG
Người dân KĐT Thanh Hà phải lấy nước từ xe stec trong đợt khủng hoảng nước sạch năm 2023
Mở giếng khoan, bổ sung nước ngầm mùa nắng nóng
TP - Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giấy phép nâng cấp công suất khai thác nước dưới đất cho bãi giếng Mai Dịch. Cùng với nguồn nước ngầm dự phòng sẽ cung cấp thêm cho thành phố khoảng 100.000m3/ngđ để phục vụ người dân cao điểm nắng nóng năm nay.