Google Maps là ứng dụng rất hữu ích, nhưng phải thừa nhận rằng đôi khi nó cũng gây ra những chuyện rất tai hại.
Mới đây, một gia đình 4 người ở Kerala (Ấn Độ) đã lái ô tô theo chỉ dẫn của Google Maps. Vì không biết đường nên Google bảo sao, họ làm theo y như vậy. Để rồi hướng đi mà Google Maps chỉ đã khiến gia đình này… lao luôn xe xuống sông ở Parachal.
Trên xe lúc ấy có một bác sĩ tên là Soniya cùng cô con gái 3 tháng tuổi, mẹ của Soniya và một người họ hàng. Theo tờ New Indian Express, chiếc ô tô đã bị nước cuốn trôi.
Sự việc xảy ra vào khoảng 10h30’ tối, khi gia đình này đi thăm họ hàng trở về.
Chiếc xe bị rơi xuống sông. Ảnh: Mooovment. |
Đây đã có thể là một tai họa nhưng may thay, xe bị cuốn trôi khoảng 300 mét thì người dân địa phương phát hiện ra và cùng nhau tới giúp. Họ dùng dây buộc vào xe rồi giúp các thành viên của gia đình kia lên bờ.
Một nhân chứng tên là Sathyan K nói, một số người đi lại gần sông đã thấy chiếc xe đang trôi xuôi dòng. Đúng là tình huống ngàn cân treo sợi tóc và may mà gia đình trên xe được cứu kịp thời, vì lúc ấy, phần phía trước của chiếc xe đã bắt đầu chìm, gần như ngập trong nước rồi. Sau khi lên được bờ, gia đình kia đã gọi người thân tới đón.
Đã có vài vụ việc người ta lái ô tô xuống sông vì đi theo Google Maps. Ảnh: Hinditonews. |
Sở cảnh sát Kottayam đã xác nhận sự việc này. Một lần nữa, họ lại nhắc nhở rằng những hướng dẫn trên Google Maps không phải lúc nào cũng 100% chính xác và nếu cứ đi theo mà không quan sát, đánh giá sự việc thì có thể gặp nhiều rắc rối. Tất nhiên, không phải ai cũng xui xẻo đến mức đi theo Google Maps mà bị rơi xuống sông, nhưng đôi khi người ta cũng gặp những tình huống cười ra nước mắt. Chẳng hạn, năm ngoái, một người đàn ông ở Accra (Ghana) lái ô tô theo chỉ dẫn của Google Maps thì đã bị đi vào một khu vực hoang vu hẻo lánh, toàn bụi rậm. Vậy mà Google Maps vẫn chỉ anh đi tiếp và bảo rẽ trái, mặc dù rẽ trái thì chỉ có thể đâm vào một cây xoài chứ không có lối đi nào cả.
Một người Ấn Độ cũng từng bị lạc trong rừng vì đi theo chỉ dẫn của Google Maps. Ảnh: Hinditonews. |
Cho nên netizen mới bình luận rằng, dù thế nào cũng không thể đặt lòng tin vào người nào (hay app nào) 100% được đâu.