Trẻ em nghỉ hè mùa COVID-19

Ẩn họa sau màn hình: Cách nào để bảo vệ trẻ?

0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em: “Tiềm ẩn nguy cơ cao bị xâm hại và bạo lực”
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em: “Tiềm ẩn nguy cơ cao bị xâm hại và bạo lực”
TP - Các chuyên gia cho rằng, những chương trình trên internet chứa nhiều nội dung, hình ảnh, âm thanh cuốn hút dẫn đến các vùng não bộ của trẻ phát triển không đồng đều. Tiếp cận với mạng xã hội quá sớm làm trẻ dễ sa vào những trò chơi, kênh thông tin giải trí độc hại không phù hợp với lứa tuổi.

Dễ rơi vào trang độc hại

Trao đổi với PV Tiền Phong, BS Nguyễn Trọng An- nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, do đang trong độ tuổi phát triển nên mắt trẻ rất yếu. Việc nhìn vào màn hình điện thoại thường xuyên với cường độ ánh sáng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến thị giác của trẻ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và mắc các tật về khúc xạ như cận thị, loạn thị.

Ẩn họa sau màn hình: Cách nào để bảo vệ trẻ? ảnh 1

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà: “Bố mẹ cần phải dành nhiều thời gian cho con hơn”

“Chúng ta không phủ nhận mặt tích cực của các phương tiện công nghệ thông tin kết nối internet. Tuy nhiên, ngoài giờ học các em có thể sa vào những trò chơi, kênh thông tin giải trí độc hại không phù hợp với lứa tuổi hoặc có thể rơi vào “vùng” tiềm ẩn nguy cơ cao bị xâm hại và bạo lực”, ông An nói.

Theo ông An, tuỳ vào độ tuổi trẻ em có thể bị tác động bởi những nguy cơ trên không gian mạng khác nhau. Ví dụ, trẻ nhỏ có thể dễ dàng bị dẫn dụ vào các kênh Youtube mang vỏ bọc văn hoá giải trí dành riêng cho độ tuổi, nhưng lại xuất hiện hình ảnh ghê rợn như Momo, búp bê Kumanthong hay những thử thách nguy hiểm rạch dao vào tay, tự thắt cổ vẫn có thể thở được... Khi tiếp xúc với những nội dung trên, có những em bé bị ám ảnh, mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần, thể chất rất nghiêm trọng.

Đối với lứa tổi lớn hơn, nếu các bậc cha mẹ không quản lý sát con, các em có thể xem những video bạo lực học đường, giang hồ mạng, hướng dẫn sử dụng thuốc nổ, tiếp xúc với những văn hoá phẩm đồi truỵ… Từ đó, các em có nguy cơ trở thành nạn nhân, sau đó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự xã hội.

Hướng dẫn con sử dụng internet đúng cách

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu và đào tạo can thiệp tâm lý Việt Nam, việc trẻ em sử dụng điện thoại trong thời gian kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển bình thường của não bộ. Nguyên nhân là do những chương trình trên internet chứa rất nhiều nội dung, hình ảnh, âm thanh cuốn hút dẫn đến việc các vùng não bộ của trẻ phát triển không đồng đều.

“Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động cộng đồng phải tạm dừng. Vì thế bố mẹ cần phải dành nhiều thời gian cho con hơn. Bố mẹ cùng tham gia vào hoạt động với con trẻ như: cùng nói chuyện, cùng nấu ăn, cùng làm việc nhà,… để hạn chế việc trẻ dành thời gian sử dụng điện thoại, máy tính”, chuyên gia Vũ Thu Hà nêu giải pháp.

Bà Hà cho rằng, việc bố mẹ coi chiếc điện thoại như là phần thưởng cho các hoạt động của trẻ đã vô tình tạo một thói quen xấu. Thực chất trẻ em không cần điều đó, chúng chỉ quan tâm đến việc được bố mẹ yêu chiều, được yêu thương. “Tuy nhiên chúng ta không thể tách rời ra khỏi sự phát triển của xã hội, điện thoại di động, các phương tiện số có kết nối với internet. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên chọn lọc và định hướng trẻ xem những chương trình giải trí phù hợp, chương trình khoa học về con người, xã hội để giúp trẻ phát triển toàn diện”, bà Hà chia sẻ.

Nữ chuyên gia đưa ra lời khuyên, không nên cho trẻ em dưới 3 tuổi sử dụng điện thoại. Từ 1 đến 5 tuổi không nên cho trẻ sử điện thoại trong lúc ăn hoặc là phần thưởng khi trẻ hờn dỗi. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Ở độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu có nhu cầu học hỏi và tương tác xã hội thì có thể cho trẻ làm quen với điện thoại, tuy nhiên nội dung cần được kiểm soát và giới hạn thời gian từ 15 đến 30 phút mỗi ngày.

Đến khi trẻ học cuối cấp 1 hoặc đầu cấp 2 có nhu cầu sử dụng điện thoại để hoàn thành nhiệm vụ học tập và tiếp nhận thông tin thì bố mẹ cần hướng dẫn con sử dụng internet đúng cách. Tuyệt đối đảm bảo điện thoại luôn thuộc quyền sở hữu của bố mẹ, khi cho con sử dụng nên chọn vị trí trung tâm căn nhà để dễ dàng kiểm soát được nội dung, thái độ của trẻ.

Điều trị nghiện điện thoại rất khó

Theo bác sĩ Hồ Đăng Mười, Trưởng khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, điện thoại thông minh luôn có sức hút, nhất là với trẻ nhỏ. Mối quan tâm của trẻ gần như cũng chỉ giới hạn trong màn hình di động trước mắt. Đây là lý do khiến trẻ khó hòa nhập khi bước ra thế giới thực, dễ thu mình, xa lánh xã hội. Các em dễ bị hấp dẫn bởi những trang web “đen”, từ đó ảnh hưởng xấu đến tâm lý và phát triển nhân cách. Việc điều trị trẻ bị nghiện điện thoại di động là rất khó, mất nhiều thời gian, công sức. Bởi, ngoài rối loạn hành vi còn do thói quen của trẻ. Trường hợp trẻ bị nghiện điện thoại nặng thì phải kết hợp sử dụng cả thuốc.

Hoài Nam

MỚI - NÓNG