Anh em Nguyễn Viết Toàn và Nguyễn Viết Thắng (sinh năm 1995, Nghệ An) nổi tiếng ở Đại học Bách Khoa, Hà Nội không chỉ bởi họ là cặp song sinh mà còn vì họ học rất "tanh tưởi".
Ganh nhau để học
![]() |
Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Viết Thắng trở thành Thủ khoa chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, thuộc ngành Điện với điểm trung bình 3,76/4. Anh trai cậu - Nguyễn Viết Toàn - giành ngôi á khoa chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Viện Công nghệ Thông tin và truyền thông (thuộc Đại học Bách khoa) với điểm tổng kết 3,73/4 - chỉ cách thủ khoa 0,08 điểm.
Chia sẻ về danh hiệu này Toàn cho biết mình nằm top 3 của Viện Công nghệ Thông tin và được mọi người đùa là đạt á khoa 2 như trong các cuộc thi hoa hậu.
Với kết quả đó, Toàn cảm thấy buồn và có chút ganh tị với Thắng, dù nỗi buồn đó chỉ nhỏ xíu so với niềm tự hào về em trai. Toàn chia sẻ thêm, cậu từng phải chịu “nỗi đau” tương tự cách đây 5 năm khi biết điểm thi đại học của mình là 24,5 điểm còn Thắng được 27 điểm.
“Lúc đó, em trai mình được điểm cao hơn, được thị xã trao bằng khen mà mình không được nên có chút ganh tị. Vì vậy, khi vào đại học năm nhất học chung các môn đại cương và chưa phân ngành, mình đã quyết tâm vươn lên và giành được bằng khen sinh viên xuất sắc của nhóm ngành KT2 năm 2013-2014”, Toàn chia sẻ.

Cứ như vậy, trong suốt quá trình học, tuy học 2 ngành khác nhau nhưng Toàn và Thắng vẫn đua nhau xem ai đạt được nhiều điểm A hơn.
“Bọn em vừa ganh đua vừa thúc đẩy, hỗ trợ nhau trong việc học. Tuy 2 ngành không liên quan nhiều nhưng cứ có thắc mắc đều hỏi nhau hay người này góp ý việc học của người kia thì cùng nhau tiếp thu chứ không bảo thủ”, Thắng cho biết.
Chia sẻ về kỷ niệm mà hai anh em khó quên nhất thời sinh viên, Thắng cho biết mình đã đi học hộ anh trai mà không bị bạn bè, thầy cô phát hiện.
“Mình có đi học hộ anh Toàn một lần vào đầu năm 2. Khi đó anh Toàn đi nhận bằng khen sinh viên xuất sắc mà lại trùng vào lịch học quân sự. Vì không muốn vắng mặt buổi học nào nên đã nhờ em đi học hộ. Khi vào lớp học chẳng ai nghi ngờ gì và mình nghĩ thầy cũng không phát hiện ra, cứ thế mình học đến hết buổi học dưới cái tên Toàn”, Thắng vừa cười vừa nói.
Nhưng có em sinh đôi nhiều khi cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười: “Vì ngoại hình giống nhau đến 90%, có hôm em đang đi trên đường thì bạn của Thắng gặp và vẫy tay chào hỏi sau thấy mặt em ngơ ngác thì chúng bạn mới biết bị nhầm. Hay có lần 2 anh em đi hiến máu, em vừa xét nghiệm máu xong đến lượt Thắng vào chị y tá lấy máu phải thốt lên "Ơ! cậu này lấy máu rồi mà”, Toàn nói.
Tự chi trả học phí
Rất hài hước và hay vui đùa nhưng khi vào học Toàn và Thắng lại rất nghiêm túc, họ luôn đặt ra cho mình mục tiêu. Thậm chí là mục tiêu trong ngày, buổi hôm nay cần giải quyết xong bài tập, phải tìm hiểu xong được lý thuyết của môn kia hay đặt ra mục tiêu điểm số cho từng môn để có thể đạt được học bổng.

Không chỉ đạt học bổng khuyến khích tài năng của trường, Thắng còn giành được học bổng tài trợ tài năng của các công ty nước ngoài, học bổng tham gia giao lưu sinh viên của Nhật Bản.
Để đạt được thành tích trên, ngoài việc đặt ra mục tiêu, theo Thắng còn cần phải có phương pháp học. “Đầu tiên cần chăm chỉ, có thái độ học tập nghiêm túc. Trên lớp chú ý nghe giảng, note lại các ý quan trọng, đó là những cơ sở nền tảng cho sau này. Thứ hai là căn chỉnh thời gian, cần vạch ra thời gian biểu chi tiết cho từng môn học và thời gian sinh hoạt. Thứ ba là cần có nhóm bạn học cùng, để vừa ganh đua vừa giúp đỡ nhau. Thứ tư là cần có thời gian giải trí, tránh việc học liên tục gây stress”, Thắng phân tích.
Với những phần thưởng đạt được, Toàn và Thắng dùng để trang trải học phí ở trường, mua đồ dùng học tập, tủ lạnh, điện thoại cho bố mẹ và tham gia khóa học tiếng Anh.
“Khi bước chân vào đại học bọn em đã đặt ra mục tiêu giành được học bổng để đưa gia đình đi du lịch bằng số tiền mình kiếm được vừa để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ vừa tạo nên kỷ niệm ở gia đình”, Toàn cho biết thêm.
Điều hối tiếc
Trước những thành quả mà mình đạt được ở Đại học Bách khoa, Toàn và Thắng vẫn còn những điều nuối tiếc vì chưa thể thực hiện được khi ngồi trên giảng đường.
“Thường được cái này sẽ mất cái kia. Điều em hối tiếc là chưa thể tham gia nhiều hoạt động xã hội. Em muốn gửi lời khuyên đến các em khóa dưới là việc học luôn đặt lên hàng đầu, nhưng nên tham gia các câu lạc bộ hay đội tình nguyện để có thêm trải nghiệm sinh viên”, Toàn chia sẻ.
Với kết quả học tập xuất sắc, hiện cả Toàn và Thắng đều được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đến tận trường tuyển dụng. Thắng làm ở Viện nghiên cứu và Phát triển Viettel, Toàn làm ở Trung tâm phân tích dữ liệu Viettel.

“Với công việc này có rất nhiều kiến thức mới mẻ và công nghệ tiên tiến mà bọn em cần học hỏi dần. Mỗi lần gặp khó khăn gì trong công việc em lại nhớ đến câu nói của bố mẹ hôm phát biểu ở lễ khai giảng cho các em khóa mới ‘Con hãy tự tin và hoàn thành tốt việc của mình nhé’ làm động lực phấn đấu đi lên”, Thắng nói.
Cả hai cho hay khi mới đi làm lương cũng là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống, nhưng quan trọng hơn chính là kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn thu lại được cho bản thân để giúp mình phát triển về sau đi xa hơn. Sinh viên mới ra trường đừng quá đặt nặng vấn đề về lương.
Cặp song sinh điển trai tiết lộ vẫn chưa có người yêu. Chia sẻ về hình mẫu bạn gái của mình, cả 2 cùng đồng thuận “Là người vui tươi, năng động, tinh tế và biết quan tâm người khác”.