Áp lực bán tháo từ căng thẳng thế giới, 1,8 tỷ USD qua tay trong phiên chứng khoán đỏ rực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - So với các thị trường trong khu vực, trên thế giới, đà giảm của VN-Index còn khá “khiêm tốn”, đóng cửa mất 1,15%, xuống mức 1.494 điểm. Tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực đáng kể từ tình hình quốc tế, bán tháo ồ ạt. Rất lâu rồi thị trường mới ghi nhận trở lại phiên giao dịch tỷ đô.

Sắc đỏ bao trùm tới 396/489 cổ phiếu HoSE, đồng loạt các nhóm ngành lao dốc, ngoại trừ cổ phiếu năng lượng. Khắp diễn đàn, hội nhóm đầu tư, nhà đầu tư “than trời” nhìn lãi bốc hơi, thậm chí tài khoản chuyển từ lãi, thành lỗ trong phút chốc khi cổ phiếu giảm mạnh.

Từ cổ phiếu vốn hoá lớn, các mã nhỏ, vừa cho đến nhóm có yếu tố đầu cơ, đều không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh chung. Tác động tiêu cực nhất đến VN-Index là VIC, cùng các mã đầu ngành ngân hàng như VCB, CTG, TCB, BID. VHM, HPG, VNM… nới rộng thêm đà giảm của chỉ số. Đây đều là cổ phiếu rổ VN30. Ở nhóm VN30, 25/30 mã giảm giá, VN30-Index đóng cửa giảm gần 1,1% xuống 1.522 điểm.

Ngược dòng thị trường, các mã giữ được sắc xanh trong nhóm VN30 có cổ phiếu dầu khí GAS, PLX, bán lẻ MSN, bảo hiểm BVH và mã nhà băng duy nhất VPB. Cổ phiếu bán lẻ còn có FRT tiếp tục vụt sáng tăng trần, khi hôm nay là ngày đầu tiên FPT Long Châu bán thuốc điều trị COVID-19 do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Điểm sáng trong phiên giao dịch hôm nay là nhóm dầu khí. Hiện, giá dầu thế giới đang ở mức cao nhất trong gần 7 năm qua, tiếp tục “nóng” lên khi căng thẳng Nga – Ukraine dồn dập leo thang. PVC tăng trần, PXT tăng 8,2%, PVD tăng 6,3%, PVS, OIL tăng hơn 4%. BSR, PET, GAS, PLX đồng loạt tăng giá.

Trên thị trường châu Á, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức 101,34 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm nay. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Đây cũng là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, với khoảng 35% nguồn cung khí đốt của nước này

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,22 USD, hay 4,6%, lên 96,32 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 96,51 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.

Nhóm đáng chú khác trong phiên hôm nay, là phân bón: DCM, DPM, VAF tăng trần. BFC tăng 5,5%. Thông tin hỗ trợ cho nhóm này cũng liên quan căng thẳng giữa Ukraine và Nga, với tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu khiến cho giá dầu hiện vẫn neo ở mức cao và theo đó, giá phân bón không thể sớm hạ nhiệt.

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), DPM trúng gói thầu xuất khẩu và đã kịp xuất bán ngay trong tháng 1. Với mức giá ure dao động từ 750-800 USD/tấn vào thời điểm đó, DPM dự kiến thu về khoản lợi nhuận ước đạt 1,000-1,100 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này vượt cả kế hoạch DPM đề ra cả năm 2022 (lãi sau thuế 945 tỷ đồng).

Tháng 1/2022, theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu phân bón tăng trưởng đột biến 682% so với cùng kỳ năm trước.

VN-Index chốt phiên giảm 17,45 điểm (-1,15%) xuống 1.494,85 điểm. HNX-Index giảm 7,66 điểm (-1,73%) xuống 434,88 điểm. UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (-1,05%) xuống 112,32 điểm.

Thanh khoản tăng mạnh so với phiên hôm qua, giá trị giao dịch 3 sàn lên gần 42.650 tỷ đồng (1,87 tỷ USD). Trong đó, riêng HoSE khớp lệnh hơn 34.064 tỷ đồng, tăng gần 60% so với phiên trước đó.

Khối ngoại bán ròng gần 230 tỷ đồng, tập trung vào HDB, CTG, GAS, MBB. Ở chiều ngược lại, nhóm này mua ròng KDC, DGC, GEX, KBC, DXG… DXG tăng trần lên 43.300 đồng/cổ phiếu sau khi Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn đăng ký mua hơn 20,7 triệu cổ phiếu ở vùng đỉnh. Trong đó, 725.700 cổ phiếu mua theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng 20 triệu cổ phiếu còn lại ông Thìn sẽ mua theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

MỚI - NÓNG