Áp lực học tập ở ngôi trường 7 năm liên tiếp đứng số một thế giới

Áp lực học tập ở ngôi trường 7 năm liên tiếp đứng số một thế giới
HHT - Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) được ví như "trại huấn luyện cho bộ não", bởi sinh viên thường phải hoàn thành nhiều bài tập, chịu áp lực cao về điểm số.

Căn cứ bảng xếp hạng các trường đại học năm 2018-2019 của công ty chuyên về giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ tiếp tục dẫn đầu. Đây là lần thứ bảy liên tiếp MIT đứng ở vị trí số một thế giới, vượt qua các ngôi trường danh tiếng khác như Đại học Harvard (Mỹ), Oxford hay Cambridge (Anh).

Xếp hạng của QS dựa vào danh tiếng học thuật - đào tạo, danh tiếng nhà tuyển dụng, trích dẫn theo khoa, tỷ lệ giảng viên - sinh viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế. MIT đạt số điểm tuyệt đối 100.

Áp lực học tập ở ngôi trường 7 năm liên tiếp đứng số một thế giới ảnh 1
Viện Công nghệ Massachusetts. Ảnh: MIT Edu

Áp lực "nghẹt thở"

Học tập trong ngôi trường luôn ở top đầu thế giới trong nhiều năm liền đầy áp lực. Theo Guardian, điều đầu tiên mà sinh viên MIT cảm thấy "nghẹt thở" là khối lượng công việc.

"Ở MIT, bạn phải hoàn thành khá nhiều bài tập. Chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc học kỳ, vậy mà tôi được giao 2 bộ câu hỏi cùng một bài tập lớn môn viết. Trong khi, tôi vẫn còn 2 bộ câu hỏi khác và một bài thuyết trình trong 20 phút. Cuối tuần, tôi còn phải đọc xong cuốn "All The President's Men" nữa", Amy Guyomard, sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Toán tại MIT, than vãn.

Điểm số cũng là yếu tố tạo nên sự khốc liệt ở MIT. Maggie Delano, một sinh viên khác, cho biết cô chưa bao giờ đạt dưới 90 điểm ở các kỳ thi tại trung học. Nhưng học kỳ đầu ở MIT, bài kiểm tra Vật lý của Maggie chỉ được 27 điểm. Nữ sinh kết thúc lớp học với điểm D.

Sang năm thứ hai, Maggie phải thức trắng nhiều đêm để giải quyết những câu hỏi và thường cạn kiệt năng lượng vào ngày hôm sau.

"Tôi bị sốc vì chưa từng trượt bất kỳ bài kiểm tra nào trước đó. Lời khuyên hữu ích của tôi sau nhiều năm học ở đây là dù nhiều việc đến mấy cũng phải ngủ một lát", Maggie chia sẻ.

Áp lực học tập ở ngôi trường 7 năm liên tiếp đứng số một thế giới ảnh 2
Áp lực buộc sinh viên MIT phải nỗ lực hết sức. Ảnh: BI.

MIT ước tính rằng sinh viên nên dành khoảng 12 tiếng mỗi tuần cho một khóa học 12 tín chỉ, bao gồm các bài giảng, phòng thí nghiệm và bài tập về nhà. Tuy nhiên trên thực tế, sinh viên cho biết các lớp đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Theo Maggie, sinh viên với 4 khóa học sẽ mất 70 tiếng mỗi tuần.

Michael Plasmeier, người xây dựng ứng dụng GridView có tới 1,3 triệu lượt cài đặt và mang về doanh thu 16.000 USD, cũng thừa nhận gặp không ít khó khăn khi học tập tại MIT.

"MIT giống như trại huấn luyện cho bộ não. Bạn liên tục được giao những nhiệm vụ khó khăn và phải tìm cách giải quyết chúng. Thông tin không được cung cấp một cách dễ dàng mà bạn phải tự tìm kiếm và định hình phong cách học", Plasmeier nói.

Căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống đại học, song một số sinh viên MIT cho rằng căng thẳng ở đây lên đến đỉnh điểm và vượt quá kiểm soát. Đây là trường đại học top đầu thế giới với những học sinh tài năng chưa từng biết mùi thất bại.

Hệ quả là một số sinh viên MIT đã tự tử. Theo thống kê của Boston Globe năm 2015, tỷ lệ tự tử trong thập kỷ vừa qua tại MIT là 10,2/100.000 sinh viên (cả tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp). Tỷ lệ này giảm so với thập kỷ trước đó nhưng lại cao hơn mức trung bình cả nước (6,5-7,5/100.000 sinh viên).

Áp lực lớn nhưng số sinh viên đăng ký vào trường vẫn đông hơn so với nhu cầu của MIT. Chính điều này tạo thêm áp lực cho sinh viên vì tỷ lệ chọi khá cao. Năm 2012, chỉ 9% trong số 18.109 ứng viên được MIT chấp nhận. Tiêu chí nào để trường đại học hàng đầu thế giới này lựa chọn sinh viên trong số hàng nghìn người đăng ký?

"MIT lựa chọn sinh viên không chỉ dựa vào điểm thi", Michael Colao, người giúp điều phối quá trình tuyển sinh vào MIT từ nước Anh, nói.

Colao tìm kiếm sự chủ động và trí tò mò khi phỏng vấn các sinh viên tiềm năng. "Chúng tôi xem xét một số đặc điểm nhất định, đặc biệt là việc bạn hợp tác tốt như thế nào. Bằng chứng là làm việc nhóm tốt", Colao cho biết.

Giải quyết áp lực

MIT khuyến khích sinh viên nói về các hiện tượng tâm lý có tên là "hội chứng kẻ mạo danh". Đây là hiện tượng tâm lý khiến người mắc không nhận thức được thành quả của mình, mà luôn cho rằng đó là do may mắn.

Từ học kỳ năm 2015, MIT bắt đầu khảo sát các sinh viên trong khoa lớn nhất của trường - Kỹ thuật điện và Khoa học máy tính - để đánh giá khối lượng công việc của sinh viên.

Áp lực học tập ở ngôi trường 7 năm liên tiếp đứng số một thế giới ảnh 3
Đại học MIT áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm áp lực cho sinh viên. Ảnh: MIT Edu.

Hiệu trưởng Cynthia Barnhart yêu cầu các giáo sư giảm tải khối lượng công việc cho sinh viên. George Verghese, giáo sư tại MIT, cũng hưởng ứng bằng việc giao bài tập không bắt buộc và giảm bớt bài giảng không cần thiết. Thay vào đó, ông mời sinh viên tới bảo tàng nghệ thuật Harvard.

"Viện bảo tàng là nơi truyền cảm hứng mỗi khi tôi cảm thấy mệt mỏi trong công việc", GS Verghese chia sẻ.

Sinh viên cũng có những cách riêng để giảm bớt áp lực học đường. Một số chọn cách tập thể dục và gặp gỡ bạn bè. Số khác chọn cách chia sẻ, trải lòng với mọi người xung quanh.

"Tôi cố gắng tìm ra lý do khiến mình bị căng thẳng và từ đó có cách riêng để loại bỏ các yếu tố gây áp lực. Cách tôi thường xuyên sử dụng là gặp bạn bè thân thiết", Abdullah Alsaeed, cựu sinh viên MIT, cho hay.

Cựu sinh viên Plasmeier lạc quan: "Như tôi đã nói, MIT giống như một trại huấn luyện, mỗi ngày có thể có rất nhiều áp lực nhưng khi ra trường chắc chắn bạn sẽ tốt hơn rất nhiều".

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm