Giống như nhiều học sinh trung học khác, Xiao He (20 tuổi, sống tại Trùng Khánh, Trung Quốc) từng mong muốn thi đỗ vào một trường đại học uy tín, lấy được tấm bằng danh giá để kiếm công việc có mức lương cao.
Vì vậy, khi điểm số của cô bắt đầu trượt dốc từ tháng 9/2017 - thời điểm bắt đầu bước vào năm cuối trung học - Xiao sẵn sàng thử bất cứ điều gì để cải thiện chúng, thậm chí là dùng các loại thuốc bất hợp pháp.
Ban đầu, Xiao He dùng Ritalin - một loại thuốc kích thích thần kinh chỉ dùng theo toa, thường được sử dụng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Sau đó, cô trở nên nghiện Methamphetamines - một loại ma túy tổng hợp mà việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sở hữu chúng là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Đến tháng 10 năm ngoái, khi Xiao phải vào trại cai nghiện cũng là lúc cô bắt đầu gặp ảo giác, tóc rụng thành từng mảng.
"Thần dược" hay "độc dược"?
Ban đầu, Xiao có được Ritalin với sự giúp đỡ của cha mình. Sau đó, cô tự đặt mua Methamphetamines qua mạng. Chia sẻ với Sixth Tone, cô nói không biết những thứ bản thân đã dùng là chất gì cho đến khi phải vào trại cai nghiện.
Đối với Xiao, những viên thuốc nhỏ màu trắng ấy có tác dụng giúp cô tập trung, thường được nhiều người gọi với cái tên “thuốc thông minh” hay “thuốc học tập”.
“Ở Trung Quốc, có 2 loại ‘thuốc thông minh’ phổ biến là Adderall và Ritalin. Về mặt lý thuyết, rủi ro khi dùng Ritalin thấp hơn nhiều so với dùng Adderall. Dù là các loại thuốc không được tùy tiện sử dụng, vẫn có rất nhiều cách để người mua có được thứ ‘thần dược’ này”, bác sĩ Xu Jie, thuộc Trung tâm Phục hồi Công nghệ Cao Bắc Kinh nói.
Tại Trung Quốc, vẫn chưa có cuộc điều tra chính thức nào về việc có bao nhiêu học sinh và thanh thiếu niên sử dụng “thuốc thông minh”. Trong khi đó, tại Mỹ, một số nghiên cứu được thực hiện trong vài năm qua cho thấy có một lượng đáng kể học sinh trung học Mỹ lạm dụng các chất này.
Theo đó, vào năm 2018, Viện nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ thực hiện cuộc khảo sát trên 45.000 học sinh lớp 8, 10 và 12. Kết quả cho thấy có tới 4,6% học sinh lớp 12 đã dùng Adderall mà không cần kê đơn, 0,9% làm điều tương tự với Ritalin.
Mặc dù chưa có nhiều cơ sở dữ liệu, các chuyên gia y tế Trung Quốc cảnh báo rằng tình trạng sử dụng “thuốc thông minh” ở nước này đang gia tăng, có thể liên quan tới áp lực trong học tập, công việc.
“Trong 2 năm qua, tôi đã tiếp nhận 61 bệnh nhân trẻ, hầu hết trong độ tuổi từ 17-25, bị nghiện sau khi sử dụng cái gọi là ‘thuốc thông minh’. Một phần ba trong số này là các học sinh năm cuối trung học, đang chuẩn bị cho gaokao (kỳ thi tuyển vào đại học ở Trung Quốc). Những người còn lại ở độ tuổi 20, thường là lứa tuổi chịu áp lực rất lớn vì mới đi làm hoặc bắt đầu sự nghiệp” bác sĩ Xu Jie nói.
Vấn đề được đặt ra ở đây là người dân Trung Quốc vẫn đang có rất ít nhận thức về “thuốc thông minh” và các rủi ro liên quan đến chúng.
Thậm chí trên nhiều trang mạng xã hội, nhiều người còn miêu tả các loại “thuốc thông minh” này như một loại thần dược, giúp tăng cường khả năng của não trong các kỳ thi, cuộc phỏng vấn mà không đề cập đến các tác dụng phụ như lo lắng, mất ngủ và rối loạn tâm thần.
“Nếu các bậc phụ huynh biết được những hệ lụy nghiêm trọng từ các loại thuốc này, sẽ chẳng có ai muốn cho con mình sử dụng chúng”, bác sĩ Xu Jie nói.
Dùng thì dễ, bỏ thì khó
Xiao biết về những viên thuốc thông minh khi nghe thấy hai người bạn nói chuyện về một thứ thuốc “giúp cải thiện kết quả học tập”. Khi ấy, cô nữ sinh năm cuối đã bị đẩy ra khỏi top 20 của lớp và biết rằng bản thân sẽ phải rất khó khăn mới có thể quay lại vị trí này. Cái tên gọi “thuốc thông minh” như chiếc phao cứu hộ, mang đến hy vọng kéo cô ra khỏi vũng lầy của áp lực điểm số.
“Khi ấy, tôi đã rất chán nản. Điểm số của tôi trước đó luôn thuộc top 10 trong lớp. Cha tôi luôn rất nghiêm khắc với việc học của con cái và bản thân tôi chưa từng làm ông thất vọng”, Xiao nhớ lại.
Ban đầu, cha Xiao tỏ vẻ hoài nghi khi cô kể với ông về những viên “thuốc thông minh” mình nghe được. Tuy nhiên, vài ngày sau, cô phát hiện cha mua một lượng lớn những viên thuốc nhỏ về nhà, mà sau đó cô biết chúng là Ritalin.
“Cả hai chúng tôi đều không biết là những loại thuốc này có thể gây nghiện. Khi đó, tôi không hỏi bố đã mua chúng từ đâu, chúng thực sự là gì hay được làm từ gì. Tôi chỉ biết rằng bản thân đang rất muốn cải thiện điểm số ở trường nên đã sử dụng chúng ngay lập tức”, Xiao nói.
Theo ông Hu Zhongming, phó giám đốc trung tâm trị liệu tâm lý thuộc Dịch vụ cai nghiện ma túy bắt buộc ở Chiết Giang, hầu hết người sử dụng “thuốc thông minh” ở Trung Quốc mua chúng từ nước ngoài, nơi việc mua bán dễ dàng hơn.
“Nhiều cha mẹ mua thuốc khi đi du lịch Mỹ, Thụy Sĩ hay ủy thác bạn bè, người thân mua giúp”, ông cho biết.
Xiao không biết cha cô đã chi bao nhiêu tiền cho lô thuốc Ritalin đầu tiên. Ban đầu, cô uống một viên mỗi ngày nhưng do không nhìn thấy nhiều cải thiện về điểm số, cô đã tăng lên thành 2 viên mỗi ngày mà không nói cho bố mẹ.
“Sau khi tăng liều lượng, tôi cảm thấy mình có thể tập trung trên lớp và hiểu những gì giáo viên giảng nhanh hơn. Tuy nhiên, giờ nghĩ lại, tôi không thể nhớ được chi tiết điều đó diễn ra như thế nào”, Xiao nói.
Xiao cũng chưa bao giờ nói với bạn bè hoặc giáo viên rằng mình đang dùng “thuốc thông minh”. Điểm của cô được cải thiện nhưng không nhiều. Trước một số kỳ thi quan trọng, cô tăng liều lượng thuốc lên, dùng 4 hoặc 5 viên mỗi ngày.
Sau đó, lo lắng rằng con gái của mình quá phụ thuộc vào thuốc, cha Xiao đã dừng mua chúng từ tháng 12/2017. Tuy nhiên, mọi chuyện lúc này đã quá muộn.
“Tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó mình đã bị nghiện thuốc rồi. Không có thuốc, tôi không thể làm gì được. Không thể tập trung trên lớp, không thể ngủ được vào ban đêm, lúc nào tôi cũng thấy buồn chán”, Xiao kể.
Cô nữ sinh trung học khi ấy bắt đầu giấu cha mẹ, tự mua thuốc để sử dụng. Gõ cụm từ “thuốc thông minh” trên Baidu - trang tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc - Xiao nhanh chóng tìm được một tài khoản Wechat tự nhận là nhân viên bán hàng tại công ty sản xuất chất kích thích cho mục đích giáo dục. Ngay sau đó, Xiao đã chi 2.000 nhân dân tệ (gần 70 triệu đồng) để mua thuốc. Cô không để ý xem có bao nhiêu thuốc được gửi đến trong mỗi đơn hàng, chỉ biết chúng được gửi qua đường bưu điện từ các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên và khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây, không phải từ nước ngoài.
Cái giá đắt phải trả
Những viên thuốc mà Xiao mua được trên mạng khác với loại cha mua cho cô trước đó. Khi dùng chúng, cô bắt đầu cảm thấy bất thường. Cô thường cảm thấy buồn nôn, đổ mồ hôi nhiều, khó ngủ và bắt đầu bị rụng tóc.
Vào đầu mùa xuân năm ngoái, cha mẹ Xiao đưa cô đi khám bệnh. Lúc này, cô vẫn không nói với ai rằng mình đang uống “thuốc thông minh”. Kết quả, bác sĩ cho rằng tình trạng sức khỏe của cô là do thiếu ngủ lâu dài. Xiao tiếp tục dùng thuốc.
Sau đó, trong 4 tháng đầu năm 2018, các triệu chứng bệnh của Xiao đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Cân nặng của cô giảm từ 50 kg xuống chỉ còn 40 kg. Cô bắt đầu gặp ảo giác, chán ăn, trở nên cáu kỉnh và rụng tóc nhiều hơn. Trước kỳ thi đại học chỉ một tháng, Xiao phải xin nghỉ học vì lý do sức khỏe. Và cô không bao giờ trở lại trường.
Đến tháng 10, Xiao phải vào trại cai nghiện. Tại đây, cuối cùng cô mới biết rằng những viên thuốc mà cha mua cho cô là Ritalin. Xét nghiệm máu cũng cho thấy rằng các viên thuốc mà cô đã mua trên WeChat có chứa Methamphetamines.
Khi vỡ lẽ mọi chuyện, cha của Xiao đã rất tức giận và không tới thăm cô trong vòng một tháng. “Ông ấy đã rất giận vì tôi sử dụng ma túy. Ông đã quyết định trừng phạt tôi bằng cách bắt tôi ở lại trại cai nghiện”, Xiao nói.
“Do sự kỳ thị sâu sắc mà xã hội dành cho người nghiện, có rất ít thanh thiếu niên bị nghiện ở Trung Quốc chọn nhập viện hay đến trung tâm cai nghiện. Trong số 61 bệnh nhân mà tôi tiếp nhận, chỉ có 2 người đến trại cai nghiện. Phần lớn cố gắng phục hồi thông qua các phòng khám ngoại trú hoặc thuê chỗ ở gần nơi họ đang được điều trị”, bác sĩ Xu Jie cho biết.
Theo ông Hu Zhongming, các bậc cha mẹ không muốn cho con cái họ đi trại cai nghiện vì cho đó là điều "đáng xấu hổ".
“Chính điều này đã làm chậm quá trình phục hồi của bệnh nhân. Trong tháng trước, nhiều ông bố bà mẹ cho con mình uống ‘thuốc thông minh’ có hỏi tôi về các vấn đề sức khỏe của con họ như dễ cáu kỉnh, mất ngủ nhưng vẫn không chịu thừa nhận rằng những triệu chứng đó liên quan đến ‘thuốc thông minh’, cho tới khi thực hiện các xét nghiệm”, ông nói.
Trong 2 tháng chữa trị ở Trùng Khánh, Xiao đã được uống các loại thuốc hỗ trợ cai nghiện và trị liệu tâm lý để tránh trầm cảm. Đến cuối năm 2018, cô đã hoàn toàn bình phục.
Tuy nhiên, khoảng thời gian nghiện thuốc gây ảnh hưởng không nhỏ đến trí nhớ của cô. “Có rất nhiều điều tôi cố gắng nhớ lại nhưng không thể”, Xiao cho biết.
Sau khi vào trại cai nghiện, Xiao đổi số điện thoại và cắt đứt liên lạc với bạn học cũ. Cô không có kế hoạch trở lại trường học hoặc thi đại học. Trong vài tháng đầu năm nay, cô đi tình nguyện tại các bệnh viện, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với các bệnh nhân mới.
Tháng trước, Xiao được một bệnh viện nhận làm nhân viên thu ngân toàn thời gian. Cô hiện làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều, 6 ngày một tuần và sống trong ký túc xá bệnh viện.
“Tôi thích cảm giác được bận rộn với công việc. Nó đem lại cho tôi cảm giác thành tựu”, cô gái 20 tuổi chia sẻ.
Xiao hiện hoàn toàn không còn sử dụng thuốc kích thích. Mối quan hệ của cô với cha cũng đang dần tốt hơn. Cô đã tha thứ cho cha mình về việc ông mua số Ritalin ban đầu, dẫn đến việc cô nghiện thuốc.
“Lúc đầu, tôi đổ lỗi cho cha mình. Nhưng bây giờ, tôi nhận ra khi đó ông cũng là muốn giúp tôi, chỉ là bằng sai cách mà thôi”, Xiao nói.