Ba tuần trong ổ dịch Vũ Hán

Ba tuần trong ổ dịch Vũ Hán
HHT - Tất cả những gì Shi Muying muốn là dành kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trọn vẹn bên mẹ già đang mang bệnh nặng ở Vũ Hán.

Shi bay từ Anh, nơi cô sống và làm việc, để về đón Tết ở quê nhà Vũ Hán, một đô thị ở miền trung Trung Quốc. Suốt cả ngày, người phụ nữ ngoài 30 tuổi này chỉ ngồi bên giường chăm sóc mẹ trong bệnh viện, khi biết bà sẽ không thể sống lâu nữa.

Xung quanh Shi, ngày càng có thêm nhiều người mắc bệnh vì một chủng mới của virus corona. Nhưng Shi không quá lo lắng, bởi chính quyền Trung Quốc khi đó nói rằng dịch bệnh "có thể ngăn chặn và kiểm soát được".

Ba tuần trong ổ dịch Vũ Hán ảnh 1
Caption

Giờ đây, ba tuần kể từ khi Shi trở về Trung Quốc, rõ ràng dịch bệnh chưa thể được kiểm soát. Virus đã lan sang tất cả các khu vực và tỉnh thành của Trung Quốc, sang cả châu Á, châu Âu và Mỹ. Dịch bệnh đã khiến gần 10.000 người nhiễm và ít nhất 213 người thiệt mạng. Vũ Hán đã ban hành lệnh phong tỏa, cách ly với thế giới bên ngoài.

Hôm 27/1, kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy Shi có thể bị nhiễm virus. Nhưng cô lo lắng cho gia đình mình hơn, cho người cha 67 tuổi dường như cũng mang virus và cho người mẹ đã phải chuyển tới một khu vực cũ kỹ, kém hiện đại hơn để nhường chỗ cho các bệnh nhân viêm phổi cấp.

Shi, cùng nhiều người khác giống cô, đã trở thành nạn nhân của một cuộc khủng hoảng y tế công cộng.

Khi Shi về Trung Quốc vào ngày 10/1, dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) mới chỉ âm ỉ. Lúc bấy giờ, chỉ vài chục người ở Vũ Hán có những biểu hiện giống hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng bùng phát từ Trung Quốc hồi cuối năm 2002, khiến 8.000 người mắc bệnh và 774 người tử vong trên toàn cầu.

Ngày 7/1, các nhà khoa học Trung Quốc xác định mầm bệnh là một chủng virus corona mới. Hai ngày sau, bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng.

Nhưng phải đến 7 ngày sau, một bác sĩ mới kéo Shi lại và nói với cô rằng tình hình không thực sự tốt, tất cả mọi người đều cần mang khẩu trang.

"Tôi thấy bác sĩ này lặng lẽ tới gặp từng gia đình bệnh nhân", Shi kể. "Lúc đó, chúng tôi mới biết sự việc nghiêm trọng đến mức nào".

Ngày 17/1, Vũ Hán xác nhận có 41 ca nhiễm bệnh. Ba ngày sau, tổng số ca nhiễm tăng lên 201 người trên khắp Trung Quốc với ba người chết. Trong khi những đồn đoán về dịch bệnh tràn ngập trên mạng, truyền thông nhà nước lại không đăng bất kỳ thông tin nào, cho tới tận ngày 21/1.

Nhà chức trách cho biết virus bắt nguồn từ một khu chợ thủy sản ở Vũ Hán, nơi động vật hoang dã được bày bán tràn lan. Ngày 3/1, giới chức y tế thành phố vẫn nói không có dấu hiệu cho thấy bệnh có thể lây từ người sang người và chưa nhân viên y tế nào bị nhiễm. Nhưng chưa đầy ba tuần sau, câu chuyện đã hoàn toàn khác.

Ngày 20/1, chuyên gia Trung Quốc Zhong Nanshan cho hay có bằng chứng về việc virus lây từ người sang người. Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng sau đó thừa nhận các thông tin về virus không được truyền đạt hiệu quả.

Theo luật Trung Quốc, chính quyền địa phương phải báo cáo về dịch bệnh không rõ nguyên nhân cho Bộ Y tế, rồi phải chờ Quốc vụ Viện họp và chấp thuận mới được công bố thông tin về dịch.

Nhưng Mary Gallagher, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, tin rằng chính quyền Vũ Hán đã báo cáo số ca nhiễm thấp hơn thực tế trong thời gian từ tháng 12/2019 tới đầu tháng 1.

"Dường như có một nguyên tắc ngầm rằng tin xấu phải được che đậy càng nhiều càng tốt", bà nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 28/1 khẳng định chính quyền đã công bố thông tin "một cách có trách nhiệm và minh bạch".

Cùng thời điểm số ca nhiễm bệnh tăng lên chóng mặt, hai người đàn ông mặc đồ bảo hộ bước vào phòng của mẹ Shi, yêu cầu họ chuyển đến một tầng khác trong vòng 30 phút.

"Họ không nêu lý do, chỉ ra lệnh", Shi nhớ lại. "Tôi hỏi các nhân viên y tế và nhận được câu trả lời rằng tất cả bệnh nhân ở tầng này, giống như mẹ tôi, đều mắc bệnh ung thư, phải sơ tán để nhường chỗ cho các bệnh nhân nhiễm virus corona".

Vài ngày sau, cả thành phố rơi vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Nhưng khi ấy, dường như nỗ lực kìm hãm dịch bệnh đã trở nên quá muộn màng, Guan Yu, một nhà virus học hàng đầu, nói với tạp chí Caixin.

Ba tuần trong ổ dịch Vũ Hán ảnh 2
Các nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân tại Bệnh viện Chữ thập Đỏ Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Theo chính quyền Vũ Hán, 5 triệu người đã rời khỏi thành phố trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và ngay trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Đến ngày 27/1, vẫn còn 4.000 người Vũ Hán ở nước ngoài.

Thông tin về virus corona cũng đến quá muộn với những bệnh nhân khác ở các bệnh viện tại Vũ Hán.

Ngày 26/1, Shi bắt đầu bị sốt, một triệu chứng của viêm phổi Vũ Hán. Cô tới phòng khám của bệnh viện và gặp 20 bệnh nhân khác ở đây, tất cả đều chờ bác sĩ kiểm tra.

Shi được làm ba xét nghiệm. Sau 9 tiếng, bác sĩ thông báo cô đã nhiễm virus corona. Nhưng vì ông không thể cho cô thực hiện xét nghiệm thứ tư và cũng là xét nghiệm cuối cùng nên Shi chỉ được xếp vào danh sách người nghi mắc nCoV.

Người cha 67 tuổi của cô cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Shi gọi tới tất cả các bệnh viện ở Vũ Hán, cố gắng tìm nơi có thể giúp cô và cha thực hiện xét nghiệm xác nhận bệnh. Đến nay, Shi và cha vẫn không được tính vào số liệu chính thức thống kê các ca nhiễm bệnh.

John Nicholls, giáo sư về bệnh lý tại Đại học Hong Kong (HKU), nhận định việc Shi có thể bị nhiễm virus trong bệnh viện không có gì đáng ngạc nhiên. Theo ông, virus có khả năng lây lan dễ dàng nếu bác sĩ không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Rất nhiều người khác, giống Shi, cũng bị chậm trễ trong xét nghiệm hoặc thậm chí phải vật lộn để được xét nghiệm.

Người bác 72 tuổi của Dora Jiang, hiện sống ở Vũ Hán, tới một bệnh viện để kiểm tra xem mình có nhiễm virus corona không. Nhưng theo lời ông kể, bệnh viện trì hoãn các xét nghiệm và không tiếp nhận ông cho tới khi ông có chẩn đoán chính thức.

Trong khi đó, công ty Trung Quốc ZJ Bio-Tech Thượng Hải khẳng định họ có thể sản xuất đủ bộ dụng cụ xét nghiệm đáp ứng nhu cầu trên toàn quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 27/1 dẫn thông báo từ công ty rằng họ có khả năng sản xuất 8.000 bộ dụng cụ xét nghiệm một ngày và có đủ nguyên liệu để sản xuất dụng cụ xét nghiệm cho hai triệu người.

Tối 28/1, Bí thư thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường thừa nhận thời điểm giữa tháng 1 trở về trước, các mẫu xét nghiệm đều được gửi tới Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) ở Bắc Kinh. Từ sau thời điểm này, Vũ Hán có thể tự xét nghiệm 300 ca mỗi ngày.

Tình trạng trì hoãn xét nghiệm đồng nghĩa với việc bệnh nhân bị bỏ lỡ thời gian điều trị. Mặt khác, nó cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

"Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc cố tình hạ thấp số người nhiễm bệnh, mà số liệu được báo cáo không đúng với thực tế do họ không đủ khả năng xét nghiệm", chuyên gia Gallagher nhận định.

Dụng cụ xét nghiệm không phải thứ duy nhất Vũ Hán thiếu. Chính quyền thành phố đã yêu cầu được cung cấp thêm vật tư y tế và đang xây hai bệnh viện dã chiến mới trong vòng một tuần nhằm nâng cao khả năng chiến đấu với dịch bệnh.

Theo một y tá giấu tên ở Vũ Hán, các nhân viên y tế đang bị quá tải, các nguồn lực dần cạn kiệt và không có cả giường cho bệnh nhân. Đồ bảo hộ ít đến nỗi nhân viên y tế phải khử trùng chúng vào cuối ca làm việc để sử dụng cho ngày hôm sau. Khoảng 30 trong 500 nhân viên tại bệnh viện đang bị ốm và phải nhập viện. Một số người khác, bao gồm cả cô, tự cách ly tại nhà.

"Có nhiều người không được nhập viện, nhưng không có lý do gì để đổ lỗi cho y tá. Không có giường, không có nguồn lực. Chúng tôi phải tay không chiến đấu ư?", cô nói. "Hiện tại, rất nhiều nhân viên y tế đã tới điểm cực hạn. Tôi nhìn các chị em đồng nghiệp lao về phía tiền tuyến mà tự cảm thấy bất lực".

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các bệnh viện khác tại Vũ Hán. Hôm 26/1, một y tá thuộc Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cho biết trên 10 nhân viên y tế tại đây đã bị nhiễm nCoV.

Một bác sĩ sản khoa Vũ Hán cho hay bệnh viện khuyến khích những người có triệu chứng nhẹ tự cách ly ở nhà. "Nếu bạn bị sốt, đừng đến bệnh viện", bà viết trên mạng WeChat.

Theo nữ bác sĩ sản khoa này, trừ khi gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng, người dân nên tránh xa bệnh viện vì nguy cơ lây nhiễm tại đây rất cao và gây sức ép không cần thiết cho hệ thống y tế.

Ngay cả trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, hệ thống y tế Trung Quốc đã chịu nhiều áp lực, Chen Xi, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, nhận định. Sau dịch SARS năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã tập trung đầu tư xây dựng bệnh viện.

Khi chính phủ bắt đầu tìm cách phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu, nỗ lực này đã quá muộn màng. Dân số Trung Quốc ngày càng gia tăng nhanh chóng và người dân có thói quen tới khám ở bệnh viện khi gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, kể cả những bệnh nhẹ.

Vẫn còn khoảng cách lớn giữa y tế tại các bệnh viện ở những thành phố phát triển như Vũ Hán và vùng nông thôn, Chen đánh giá.

Người dân nông thôn thường đổ tới thành phố để được khám chữa bệnh tốt hơn, dẫn tới tình trạng quá tải. Đặc biệt vào thời điểm này trong năm, các bệnh viện ở những nơi như Vũ Hán sẽ vô cùng bận rộn bởi đang là mùa cúm, Chen cho biết thêm.

Theo Gallagher, nhân sự trong ngành y tế của Trung Quốc hiện cũng thiếu thốn, một phần bởi nhiều người lo sợ sẽ phải đối mặt với nguy cơ y bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung.

Vũ Hán có thể đang gặp khó khăn, nhưng là một thành phố lớn, những bệnh viện ở đây vẫn tương đối tốt so với các thành phố khác ở Trung Quốc, theo Gallagher. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu dịch bệnh bùng phát ở những thành phố nhỏ, nơi chất lượng y tế thấp.

Trên các nhóm WeChat, xuất hiện ngày càng nhiều những cuộc thảo luận về tình trạng thiếu thốn ở các bệnh viện địa phương.

Tình trạng mất cân bằng trong chăm sóc sức khỏe cũng là vấn đề với các lao động nhập cư Trung Quốc, những người trở về quê nhân dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Họ có thể không đủ khả năng trang trải chi phí y tế tại các đô thị nơi họ làm việc, nhưng dịch vụ y tế tại vùng quê lại không đủ sức chữa trị.

Hiện tại, những người như Shi đang rơi vào thế bị động. Cô và cha tuần qua tự cách ly tại nhà và không dám tới thăm mẹ cô vì sợ sẽ lây bệnh cho bà.

"Cha tôi rất muốn đến thăm mẹ nhưng cả hai chúng tôi đều có thể đã nhiễm virus. Chúng tôi không thể đi. Lòng tôi đang rối bời", Shi chia sẻ. "Tôi không lo cho bản thân mình, tôi chỉ lo cho cha bởi căn bệnh này dường như nguy hiểm hơn đối với người già. Tôi chỉ mong một bệnh viện nào đó có thể tiếp nhận ông ấy trước".

Cha của Shi hôm qua đã được nhập viện nhưng cô vẫn ở nhà. Hồi đầu tuần, một nhân viên bệnh viện nói với Shi rằng họ không có đủ chỗ cho cả cô và cha. Khi cô hỏi bệnh nhân nào thì đủ điều kiện nhập viện, nhân viên y tế trả lời: "Chúng tôi sẽ nhận nếu họ sắp chết".

Ba tuần trong ổ dịch Vũ Hán ảnh 3
Bệnh viện dã chiến mới đang được xây ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Link bài gốc: https://vnexpress.net/the-gioi/ba-tuan-trong-o-dich-vu-han-4048160.html?fbclid=IwAR0n04iWf_UU_P-2I7d5m3BOM3YBdZZxudv0papMFCtMDDjULGotYd52lD0

Theo vnexpress.net
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.