Chiêm ngưỡng một Bagan thật kiên cường và mạnh mẽ
Khi mình đến, Bagan vừa trải qua một trận động đất trước đó không lâu, nhiều đền đài bị đổ vỡ và vẫn còn đang trong quá trình sửa chữa. Từ sau trận động đất, chính phủ Myanmar giới hạn việc leo trèo lên đỉnh đền đài để hạn chế việc gây ra tai nạn cho khách thập phương, cũng như bảo vệ các đền đài có tuổi thọ lâu đời.
Hòa đâu đó vào lớp đất đỏ là lớp gạch nung trên tường của mỗi ngôi đền. Từng mảng màu của đất hòa với mảng màu thời gian, tạo nên những bức tranh đẹp hoàn hảo. Trong số hơn 3000 ngôi đền, có 5 ngôi đền lớn nhất và được người dân địa phương khuyến khích khách du lịch dù đi đâu làm gì thì nhớ đừng quên ghé qua. 5 ngôi đền to lớn đến mức, bạn dù đi đông về tây đều có thể thấy những ngọn tháp của đền nổi bật nhô lên.
Dân đi bụi thường kháo nhau rằng, muốn thấy sự duyên dáng, hãy đến đền Ananda; muốn thấy sự hoành tráng, hãy đến đền Dhammayangyi; còn muốn thấy sự cao cả, hãy đến đền Thatbyinnyu. Đây là trong số những ngọn đền hùng vĩ, mà dù ở phía nào bạn cũng có thể nhìn thấy nó, rồi từ nó bạn sẽ tìm được bản ngã. Cái cách mà dân đi lạc chỉ nhau đường về ngắn gọn như vậy đó.
Bạn có thể nhìn thấy đền Dhammayangyi ngay cả khi bạn ở rất xa. Đền được xây từ gạch nung, có hình dáng như một kim tự tháp khổng lồ. Mô hình kim tự tháp của Dhammayangyi được các kiến trúc sư thời đó thể hiện bằng hình stupa với tháp nhọn cao vút lạ lùng, còn các viên gạch đặt khít vào nhau đến mức một cây kim cũng không thể xiên qua.
Đền Thatbyinnyu đem đến cho mình cảm giác vô cùng đặc biệt. Ngôi đền cổ màu trắng được trám bởi lớp rong rêu xám đen, khiến cho ngôi đền toát lên một vẻ đẹp bí ẩn. Khung cảnh vừa lạ vừa quen, vừa khiến mình thích thú lại vừa khiến mình rợn ngợp. Mình bị thu hút tới mức mải mê chiêm ngưỡng mà quên chụp ảnh lưu niệm luôn.
Và rất nhiều ngôi đền khác lớp xếp lớp, nằm co lại từng cụm, núp trong những tán cây rộng lớn. Mình tiếp tục lại rảo bước, chiêm ngưỡng từng ngọn đền, từng đỉnh tháp. Lâu lâu, trong lúc mải mê chạy, mình lao hẳn và nhà người dân, một xóm nhỏ nằm ven đường. Họ bật cười, dùng ngôn ngữ địa phương pha chút tiếng Anh bồi và nhắc mình đi theo hướng tay họ chỉ: “Đền kia kìa”, để rồi mình lao đến đó và khựng lại trong vô thức khi mà khung cảnh hiện ra như những bức tranh hiện lên trên nền trời.
Và một Bagan bình yên và trong veo đến từng hơi thở
Ở Bagan, có ba khu vực chính mà người dân chọn sinh sống cũng như khách du lịch chọn nghỉ ngơi sau một ngày dài lạc giữa thành phố đền là Old bagan - nơi mà nhà và một số ngôi đền nằm xe kẽ tuy nhiên phòng ốc lại không nhiều; New Bagan là trung tâm du lịch với đầy đủ khách sạn nhà hàng từ 3 sao trở lên; và khu Nyaungu U với nhiều homestay, các nhà hàng theo phong cách phương Tây, và cũng là nơi dân phượt chọn để ở.
Ba khu vực này cách nhau không xa, việc chọn ở khu vực nào tùy thuộc vào túi tiền của bạn. Bagan phần lớn ngoài giờ khám phá đền, khách du lịch thường chọn ăn uống nghỉ ngơi là phần nhiều, nên không gian yên tĩnh của Bagan lại càng trở nên thanh bình hơn bao giờ hết về đêm.
Mình đến Bagan khi mà cả thế giới đang lo lắng về dịch Corona hoành hành. Hành trang trên mình lúc nào cũng là khăn bịt mặt, nước rửa tay, khăn ướt, vitamin C và rất nhiều loại thuốc… Nỗi lo của mình có phần vơi khi cả Đông Nam Á thông báo dịch thì Myanmar vẫn chưa có nạn nhân nào. Tuy nhiên điều mình bất ngờ nhất là người dân ở đây đón nhận thông tin về dịch một cách bình tĩnh dù các thông báo về dịch được dán khắp nơi.
Mình kể cho họ nghe về chuyện dịch ngoài kia như thế nào, họ kể lại cho mình nghe họ sẵn sàng đón nhận nó như thế nào. Mình khoe họ ba lô với những chiếc khăn bịt mặt, họ nhìn mình và khoe nụ cười và sự thân thiện. Với họ, thứ quý giá nhất mỗi ngày là họ được nhìn thấy khách ghé qua, là khuôn mặt rạng rỡ, lời trầm trồ về quê hương của họ, nơi gìn giữ những giá trị tuyệt vời cho nhân loại. Họ bình tĩnh đón nhận thông tin dịch bệnh và đối đầu với điều đó như cái cách mà hàng nghìn ngọn đền đài vươn vai vượt qua bao nhiêu gian nan thử thách của thiên nhiên, của lịch sử mà vẫn vững chãi tồn tại.
Chuyến đi của mình dừng lại trên một con tàu và cũng là một quán cà phê nổi tiếng ven bờ sông, nơi ánh hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Bao quanh Bagan hàng nghìn năm nay là dòng sông Ayeyarwaddy, là con sông dài nhất quốc gia Myanmar và là thủy lộ quan trọng về mặt kinh tế giao thông bậc nhất của quốc gia này. Cả thành phố cổ được dòng sông bao bọc chở che, dòng sông là nhân chứng duy nhất còn sót lại chứng kiến sự phồn vinh của một kinh đô hoa lệ, nơi đặt nền móng cho lịch sử phật giáo không chỉ của Myanmar mà còn của thế giới.
Mình nhâm nhi một tách cà phê latte với hương vị ngọt ngào đặc trưng Myamar, nhìn những tia nắng cuối cùng tắt. Đâu đấy xa xa kìa là những ngọn tháp lóe sáng, là bức tường nung vững chắc nhắm mắt nghỉ dưỡng sau một ngày mệt nhoài đón khách thập phương viếng thăm, và đâu đấy xa xa kia là dòng chảy thanh bình Ayeyarwaddy đang nuôi dưỡng Bagan, để mảnh đất này luôn đẹp đẽ như những câu chuyện cổ tích được dạy từ thuở bé.
Và mình, một kẻ du mục, bỏ đâu đó là thế giới ồn ào, tránh xa dịch bệnh Corona, tự tận hưởng chuyến đi từng giây từng phút như đang bước đi từng bước một trong chính giấc mơ của mình.
Hẹn Bagan ngày trở lại!