CÚ HÍCH ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀ NỘI TIẾN NHANH, TIẾN XA

Bài 3: Những điểm nghẽn cản bước

TP - Kinh nghiệm tổ chức sự kiện tầm cỡ phần nào được khẳng định qua một số chương trình có yếu tố quốc tế, đêm nhạc BlackPink là dấu ấn. Tuy nhiên tài nguyên văn hóa của Hà Nội vẫn ở dạng tiềm năng nhiều hơn, trong khi đó ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đối diện nhiều điểm nghẽn. Thị trường nghệ thuật và giải trí của ta đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và thậm chí là Thái Lan.

Khoảng cách với tiêu chuẩn quốc tế

Thành công của hai đêm diễn Born Pink tại Việt Nam là tín hiệu vui, mở ra nhiều kỳ vọng và bài học kinh nghiệm thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa. Đại diện nhà tổ chức đêm nhạc của Black Pink tại Hà Nội hé lộ, công ty này sắp tới sẽ công bố nhiều sự kiện âm nhạc lớn tương tự của những ngôi sao Hàn Quốc ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong những nỗ lực đưa Việt Nam trở thành điểm đến quen thuộc trong bản đồ lưu diễn của những ngôi sao tầm cỡ. Năng lực tổ chức, sức hấp dẫn của Việt Nam với sự kiện mang tính quốc tế cần được chứng minh thêm.

Các sự kiện âm nhạc quốc tế giúp quảng bá hình ảnh tích cực và thu hút sự chú ý đến nền văn hóa độc đáo của địa phương. Đây cũng là cơ hội giao lưu văn hóa và trải nghiệm âm nhạc đa dạng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiệu quả tổ chức các sự kiện âm nhạc quốc tế quy mô lớn đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau như giải trí, truyền thông, quảng cáo, nhà sản xuất và quản lý sự kiện. Qua đó, sản phẩm công nghiệp văn hoá có nguồn thu đa dạng nhờ các hoạt động quảng cáo hình ảnh, phí bản quyền, mua bán phụ kiện, xuất bản sách…

Bà Đỗ Huyền Trang, Giám đốc điều hành Media Max - đơn vị tổ chức nhiều sự kiện lớn trong đó có đêm nghệ thuật giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc 2022 thu hút nhiều sao Hàn Quốc, đáng kể là ban nhạc nam thần tượng Winner cùng công ty quản lý với BlackPink - cho rằng, với những sự kiện quốc tế như đêm diễn BlackPink, đơn vị sản xuất Việt Nam chỉ mang tính hỗ trợ. Nhân sự chủ chốt thực hiện đêm diễn đều đến từ nước ngoài. Media Max cũng là một trong những đơn vị tham gia vào khâu hỗ trợ sản xuất, hậu trường cho hai đêm nhạc BlackPink vừa rồi ở sân vận động Mỹ Đình.

Bài 3: Những điểm nghẽn cản bước ảnh 1

Hà Nội thiếu những không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời hấp dẫn

“Nước nào có uy tín mạnh về phần nào được thuê làm phần đó. Nhân sự đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore... Tất cả trang thiết bị từ sân khấu tới dưới khán đài đều nhập từ các nước với số lượng hơn 30 container”, bà Trang chia sẻ. Điều này phản ánh tiêu chuẩn của các buổi biểu diễn quốc tế rất cao. “Việt Nam hiện nay khó có đơn vị nào được gọi đúng nghĩa là đối tác của sự kiện lớn như vậy. Chúng ta không có đất để tập dượt, trong khi Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… thường xuyên có các sô diễn quốc tế lớn để các doanh nghiệp trong nước dám bỏ tiền đầu tư”, bà Đỗ Huyền Trang nêu.

Bài 3: Những điểm nghẽn cản bước ảnh 2

Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cần dựa trên quyết sách tổng thể, dài hơi

Đại diện Media Max nhận định, trong tương lai gần có lẽ chưa thể kỳ vọng quá nhiều sô diễn quốc tế đến Việt Nam tổ chức. “Thị hiếu khán giả Việt số đông mới chỉ yêu thích các nhóm nhạc Hàn. Hơn nữa, chi phí các buổi diễn quốc tế rất tốn kém, lên tới cả trăm tỷ đồng. Chương trình của ca sĩ Việt Nam lại phụ thuộc khâu tài trợ, không đủ sức hút lượng lớn khán giả”, bà Đỗ Huyền Trang lý giải. Mỗi lần tổ chức tua diễn, các ngôi sao tầm cỡ thế giới phải chọn địa điểm rất kỹ. Việt Nam hiện nay chưa nằm trong bản đồ đó. Có lẽ phải chờ khá lâu nữa, sự kiện giải trí mang tính đột biến như đêm nhạc của BlackPink mới quay lại Thủ đô.

Nhiều tỉnh lân cận lấn lướt Hà Nội

Là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế trở thành trung tâm nghệ thuật, giải trí lớn. Sau đại dịch, du lịch âm nhạc trở thành xu thế, song thay vì Hà Nội, khán giả thường tìm đến Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đà Lạt hay Đà Nẵng để trải nghiệm loại hình này. Hà Anh Tuấn với Chân trời rực rỡ kéo cả nghìn khán giả đến Ninh Bình. Đêm diễn của Hồ Ngọc Hà cũng góp phần quảng bá cho quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà (Đà Nẵng). Sớm hơn, Vĩnh Phúc nổi tiếng với chuỗi đêm nhạc Soul of the forest giữa rừng thông Đại Lải, hoặc Hoa bay ở Tam Đảo. Hà Nội sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng nhưng lại thiếu những không gian văn hoá nghệ thuật đặc trưng. Những đêm diễn thường gói gọn ở địa điểm quen thuộc như nhà hát, sân vận động.

Hai đêm diễn của BlackPink tại Hà Nội để lại dấu ấn lớn, song những ồn ào về phí tác quyền, danh sách bài hát, công tác bán vé trước giờ G cũng gây xôn xao dư luận. Ban tổ chức và đơn vị phân phối vé nhiều phen khiến khán giả chóng mặt. Tình trạng quá tải trong ngày mở bán đầu tiên tạo ra cơn sốt vé “ảo”. Những ngày sau đó, nhiều tài khoản phải rao bán vé “phá giá” vì cung lớn hơn cầu. Giữa lúc thị trường chợ đen nhốn nháo, nhà phân phối quyết định dừng bán vé trên trang web như cách ngầm tiếp tay cho “phe” vé. Tuy nhiên, ngay trước và sau đêm diễn đầu tiên, Ban tổ chức lập tức đưa ra quy định ngặt nghèo cho khán giả vào sân, đồng thời mở bán bổ sung vé cho đêm diễn thứ hai.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, những lùm xùm đáng tiếc cho thấy khâu tổ chức, phối hợp giữa các bên liên quan chưa thực sự chuyên nghiệp. “Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, nước chủ nhà cần chứng tỏ những điều kiện đi kèm phù hợp với sự kiện, như khâu tổ chức, vấn đề kỹ thuật, công tác truyền thông, khán giả… Những khía cạnh này cần được tiếp cận ở góc độ chuyên nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”, NSND Vương Duy Biên nêu quan điểm.

Thiếu sức hút, khó cạnh tranh

Nếu không có tầm nhìn và quyết sách mang tính tổng thể, nỗ lực vươn tầm, công nghiệp văn hóa ở ta chỉ dừng ở phạm vi “ném đá dò đường”. Tua diễn vòng quanh thế giới của BlackPink thu về hơn 160 triệu USD, gấp nhiều lần so với mục tiêu đến năm 2030 chạm tới mốc 30 triệu USD doanh thu của ngành công nghiệp biểu diễn.

Tại các hội nghị, tọa đàm nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, việc tích cực giao lưu quốc tế về công nghiệp văn hóa, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một kênh dẫn truyền quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt nằm ở công tác đầu tư, khơi thông nguồn lực văn hóa, lịch sử cho phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu. “Cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa thiếu đồng bộ. Sự tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện, thiếu sự phối hợp, liên kết đồng bộ hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực khác nhau có liên quan…”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra. Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn là vấn đề nan giải ở nước ta. Thị trường văn hóa phát triển chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức bật của nền công nghiệp văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Phong phân tích, công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tồn tại một số điểm nghẽn căn bản. Nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ, ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Văn hóa nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa. Hệ thống quản lý và các mô hình đầu tư chưa thực sự phù hợp với phát triển công nghiệp văn hóa. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa chưa được vận hành, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực văn hóa hợp tác thiếu hiệu quả.

“Với quy mô dân số trên 8,5 triệu người, Hà Nội là thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa. Tuy nhiên, các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người dân đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng ngoại nhiều hơn nội. Thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…”, ông Nguyễn Văn Phong nêu.

Hàn Quốc là quốc gia sở hữu nền công nghiệp văn hóa lâu đời, phát triển mạnh mẽ và cũng là mô hình để Việt Nam có thể học hỏi. NSND Vương Duy Biên cho rằng, kế hoạch đầu tư trọng điểm thay vì dàn trải là chìa khóa để quốc gia này quảng bá văn hóa hiệu quả. Những đêm nhạc quốc tế đưa nghệ sĩ thần tượng đến gần với khán giả Việt. Khá đáng buồn khi ngành công nghiệp văn hóa nước ta chưa thể sản sinh ra những thần tượng tầm cỡ quốc tế như vậy.

Thực tế, Việt Nam không phải không có những nghệ sĩ đa tài, hoặc chất liệu để khai thác. Hoàng Thuỳ Linh đưa See tình thành cơn sốt toàn cầu, Hai phút hơn (Kaix remix), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng MasterD)… được đông đảo khán giả quốc tế biết đến là minh chứng cho sự lan tỏa của sản phẩm nghệ thuật Việt. Tuy nhiên, nghệ sĩ Việt Nam thiếu những bước tiến mạnh dạn, quy củ hơn như tổ chức liveshow hay gia tăng hoạt động ở các quốc gia lân cận.

Âm nhạc là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nhận định, những sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam được quốc tế đón nhận còn ít ỏi và chỉ là những nỗ lực nhỏ lẻ của từng cá nhân. “Chỉ có một vài ca khúc được biết đến ở nước ngoài là chưa đủ, điều đó chỉ đại diện cho một hiện tượng. Để có ngành công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa cần tạo dựng một hệ thống, chiến lược và tất cả văn nghệ sĩ cùng chung tay tạo ra những sản phẩm mang cá tính riêng và mang đậm bản sắc Việt”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh đề xuất.