Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong
HHT - Tôi là một fan TVB, hễ ở nhà là bật máy xem nên chẳng lấy làm lạ nếu Hong Kong là điểm đến trong dream-list. Mỗi khi xem tới một bối cảnh nào đó, trong lòng lại dâng lên cảm xúc khó tả về xứ Cảng thơm đầy hoài niệm.
Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 1

Hong Kong là nơi giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, của chút văn hóa Trung Hoa phong kiến còn sót lại sau trăm năm sống hối hả cùng văn minh tư bản phương Tây. Du khách thường sẽ khám phá Hong Kong với 3 phần chính: Bán đảo Kowloon (Cửu Long), đảo Hong Kong, đảo Lantau (Lạn Đầu).

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 2
Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 3

Nếu như Cửu Long là mảnh đất của đất liền đại lục gắn với Thâm Quyến - nhộn nhịp, ồn ã, tấp nập kẻ mua người bán đúng kiểu lái buôn. Thì Hong Kong lại là hòn đảo của những tòa nhà chọc trời san sát, từ đất cao vút lên tận mây, sáng đèn 24/24h.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 4

Cảm giác phải rất mỏi cổ mới nhìn thấy mây xanh. Đây là hòn đảo của những con dốc dựng đứng, chứa đựng rất nhiều bí ẩn kỳ lạ, của những tòa nhà mang kiến trúc phương Tây đầu thế kỷ trước. Lạn Đầu dường như còn giữ lại nhiều nét hoang sơ nhất của những dãy núi thấp, đường hiking len lỏi giữa rừng núi, Đại Nhĩ Sơn hùng vĩ với tượng Phật trên đỉnh núi.

Câu chuyện của những con đường

Thời tiết cuối xuân đầu hè ở Hong Kong cũng giống như ở Hà Nội, âm u, tới trưa thì hửng nắng, khiến những chuyến khám phá quê hương của TVB khá thuận lợi. Tôi - một mình một balo - chọn chuyến xe dạng "hop on hop off" dành riêng cho dân du lịch. Có 3 line, với 3 cung đường khác nhau. Nhờ thế mà tôi có thể cảm nhận Hong Kong rõ rệt nhất, chân thực nhất, từ mùi vị tanh nồng của khu chợ bình dân ở Mong Kok (Vượng Giác), Yau Ma Tei (Du Mã Địa), Sham Shui Po (Thâm Thủy Bộ), Causeway Bay...

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 5

Khu chợ bình dân ở Mong Kok.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 6

Cho tới những con dốc chật cứng cao ốc chọc trời ở khu Central.

Chuyến xe thần thánh, phi với tốc độ chóng mặt còn đưa tôi chạm chân xuống vịnh Repulse. Nơi này chỉ dành cho giới tài phiệt nhà giàu trong những căn biệt thự tọa sơn hướng thủy biệt lập.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 7

Một trong những nơi xa nhất của đảo Hong Kong, quen thuộc với tên gọi trong phim là vịnh Nước Cạn.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 8

Đến Hong Kong, mọi phương tiện giao thông đều có thể kể cho bạn những câu chuyện riêng của nó. Tàu điện ngầm của đám dân công sở, học sinh sinh viên hối hả.

Xe buýt nhỏ và phà vượt biển của những người có quỹ thời gian dư dả. Xe điện 2 tầng cho những tâm hồn hoài cổ về một Hong Kong thời thuộc địa.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 9

Ngay cả, phương tiện “hai chân” cũng có để đem lại cho bạn những trải nghiệm về một Hong Kong hoàn toàn khác trên phim.

Cũng chính trên chặng đường lang thang vô định, tôi đã phát hiện ra những con phố mang bóng dáng quê nhà nơi xứ người, khiến bản thân vô cùng phấn khích.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 10

Con đường Hanoi road nhỏ nhắn, yên bình giống như những con phố ở Hà Nội.

Đường Saigon còn nhỏ hơn nữa, tựa những con hẻm sôi động ở Sài thành. Chính sách đặt tên đường theo tên các thành phố trên thế giới khá phổ biến ở đây.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 11

Đường Haiphong road lại dẫn tôi tới khung cảnh như khu rừng giữa lòng thành phố, dưới những tán cây cao lớn trong công viên Cửu Long.

Đi tìm cầu thang trong “Bên nhau trọn đời”

Thời điểm tôi đến Hong Kong, người hâm mộ phim trên toàn châu Á đang xôn xao vì tác phẩm điện ảnh chuyển thể Bên nhau trọn đời. Phần lớn bộ phim được thực hiện ở Đại lục nhưng có một tập được quay Hong Kong rất ấn tượng. Đó là khi đại luật sư Hà Dĩ Thâm đưa theo nàng "người tình quốc dân" Triệu Mặc Sênh, tay trong tay dạo bước trên một con dốc nhỏ dưới ánh nắng chan hòa.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 12

Không khó khăn lắm cho tôi khi tìm ra danh tính của bối cảnh ấy, dẫu cho ở Hong Kong, đâu đâu cũng là bậc cầu thang dốc ngược như vậy.

Đó là một phần cầu thang bên hông đền Man Mo, ngôi đền thờ thần Văn học và Chiến tranh trên đường Hollywood.

Ban đầu, tôi chỉ định đặt chân tới nơi mà Dĩ ThâmMặc Sênh từng tới, để trải qua cảm giác ngôn tình. Nhưng khi lang thang đến mức lạc đi giữa những đoạn dốc ngang dọc, tôi mới thầm cảm ơn bộ phim đã mang lại cho mình trải nghiệm khó quên.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 13

Bởi ẩn sâu bên trong những con đường hiện đại, cao ốc chọc trời là hình ảnh của một vùng đất giàu văn hóa, tầng tầng lớp lớp, đan xen nhau.

Phía dưới chân dốc là con đường đậm dấu ấn đương đại, với những quán ăn như tiệm bánh má Hà trong “Gia hảo nguyệt viên". Xen kẽ đâu đó là các ngôi đền, chùa có lối kiến trúc Trung Hoa cổ. Phía trên cùng là các công trình với bóng dáng châu Âu hồi đầu thế kỷ. Tất cả tạo nên sắc màu rất riêng, rất lộn xộn, rất Hong Kong.

Món “cua cay gầm cầu” trứ danh

Trong những mảng màu ấy, không thể không nhắc tới ẩm thực. Tôi chẳng nhớ nổi đã nếm qua bao nhiêu món ăn ở xứ này, đặc biệt là các món dimsum trà chiều. Trước khi tới Hong Kong, một chị bạn từng rỉ tai rằng, dân du lịch hay ghé qua một nhà hàng, dịch nôm na là “Cua cay gầm cầu” (Spicy Crab Under Bridge), món ăn được CNN Travel đánh giá là “Đồ hải sản ngon nhất ở Hong Kong”.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 14

Khác với cua sốt ớt Singapore nấu bằng thứ sốt sệt, cua ở đây được chế biến khô, vị mặn rõ rệt, thơm nức mũi mùi tỏi, hành phi. Con cua mỡ màng, hấp dẫn tới mức giá của nó ngất ngưởng, bằng 2 đêm ở khách sạn, thì tôi cũng quyết tâm bấm bụng để liều thử.

Tôi chọn ghé cơ sở chính của Spicy Crab Under Bridge trên đường Lockhart. Nhà hàng có quy mô vừa phải, không lớn không nhỏ, trang trí đậm chất truyền thống, thi thoảng lại vang lên những tình khúc nhạc Hoa cổ điển dặt dìu, cảm giác như đang ở Hương Cảng trong những năm tháng chưa được trao trả về Đại lục. Chủ quán là ông Wong, cũng là người nắm giữ bí quyết của món ăn vang danh này suốt nhiều thập kỷ.

Khi đã ăn xong no nê, một người phục vụ bàn tầm 50 tuổi ghé lại bàn và hỏi cảm nhận của thực khách. Ông nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Đông hào sảng, ngồ ngộ, vốn từ không nhiều nhưng rất lưu loát. Khi biết khách từ Việt Nam sang, ông hồ hởi giới thiệu rằng, con cua xuất hiện trên bàn ăn khi nãy là “đồng hương” với chúng tôi. Nguyên liệu sử dụng trong các nhà hàng “Cua cay gầm cầu” đa phần có xuất xứ từ Việt Nam, một phần từ Australia.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Lang thang ở Hong Kong ảnh 15

Chia tay ra về, người bồi bàn lớn tuổi còn hẹn chúng tôi lần sau quay lại xứ này thì nhớ ghé qua quán, biết đâu có thể gặp được ông chủ Wong đáng mến và nghe ông kể về Hong Kong những năm tháng xa xưa, khi mà món cua cay huyền thoại còn được bán ở những lán bè nơi gầm cầu.

NGUYÊN CHI

Mời bạn xem thông tin chi tiết cuộc thi "Mùa Hè thiên đường của tôi" TẠI ĐÂY.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm