Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện
HHT - Gọi là cổ tích bởi đến Myanmar, bạn sẽ gặp những con người hiền lành và tốt bụng lạ kỳ, gặp những cảnh đẹp khôi nguyên như thiên đường bị quên lãng. Đất nước ấy, có lẽ nhiều lạ lẫm nhất với phần còn lại của Đông Nam Á.
Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 1

Đô thị của những điều xưa cũ

Một khát vọng lớn bị cầm cố trong một cơ thể chật hẹp - đó là cảm giác của tôi về Yangon. Cố đô cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất của Myanmar đã bị bỏ lại khi chính quyền nước này rời đô về Naypyidaw tháng 3 năm 2006.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 2

Tụi bồ câu (béo múp) tụ tập trên dây điện.

Dấu ấn của một thời thuộc địa Anh dường như còn nguyên vẹn ở Yangon. Người ta vẫn sống trong những tòa nhà cổ kính, rêu phong, được xây từ những năm 20 của thế kỷ XX. Hệ thống taxi là những chiếc Toyota cổ đã qua không biết bao lần đại tu. Hệ thống bus là những chiếc xe lam mà vào giờ tan tầm trông như một rạp xiếc di động với những “nghệ sĩ” quấn paso (một kiểu váy truyền thống giống như xà-rông của đàn ông Myanmar) bám lúc lỉu sau xe và ngồi lố nhố trên nóc.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 3

Những tòa nhà, nay được sử dụng như chung cư, được xây từ năm 1919.

Ngoại trừ thủ đô Naypyidaw, Yangon và phần còn lại của Myanmar chịu cảnh có điện vỏn vẹn 6 tiếng/ ngày. Tôi đã chứng kiến cảnh ga đến của sân bay quốc tế Yangon từ từ tắt điện vào lúc 10h sáng. Quy định cắt điện không loại trừ bệnh viện, sân bay hay nhà máy. Nơi nào muốn có điện phải tự túc máy nổ. Vì thế đi trên đường phố Yangon, bạn sẽ quen với tiếng máy nổ chạy è è và mùi đặc trưng của dầu diesel.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 4

Dù nghèo đến mấy nhưng vẫn có nước đun sôi để nguội cho khách qua đường.

Lần đầu tiên bước chân lên taxi ở Yangon, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy chiếc đồng hồ tính cước mới coóng nhưng im re, không hoạt động. Bạn tôi giải thích: Việc lắp đồng hồ tính cước là một thử nghiệm mới của chính phủ, áp dụng cho hệ thống taxi chạy bằng ga. Ban đầu rất nhiều tài xế hớn hở với dự án này và tham gia hệ thống taxi chạy bằng bằng ga để được lắp đồng hồ. Tuy nhiên lại nảy sinh ra một vấn đề, xe chạy bằng ga phải mất 3 tiếng/ ngày để nạp ga, đồng nghĩa với việc trong 3 tiếng ấy, tài xế ngồi chơi xơi nước. Do đó, nếu áp dụng mức cước phí quy định và tính theo đồng hồ, thu nhập của tài xế suy giảm nghiêm trọng. Chính vì thế, hệ thống đồng hồ tính cước nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Và hành khách mỗi lần đi taxi lại “mặc cả” cước phí với tài xế như cũ.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 5

Taxi chạy bằng... gas.

Ở trung tâm kinh tế lớn nhất Myanmar, phong cách sống của người dân vẫn mang đậm tính truyền thống. Những người đàn ông mặc sơ mi dắt trong paso, xách cặp táp bước đi, thậm chí đạp xe trên phố, chốc chốc lại dừng chân, hồn nhiên tháo paso ra quấn lại cho chắc. Trong khi phụ nữ mặc longi, kiểu trang phục tương tự nhưng có màu sắc và cách quấn khác dành cho nữ. Và thay vì trang điểm, trên má những cô gái trên phố là những vệt tanaka nguệch ngoạc - một loại phấn làm từ cây tanaka. Những sạp bán trầu cau được bày bán trên khắp đường phố mà khách ăn trầu chủ yếu là đàn ông, không ngại ngần khoe nụ cười đỏ quạch.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 6

"Cô gái tanaka" đẹp nhất tôi gặp.

Những “thiên đường” bị quên lãng

Không chỉ là một địa chỉ hành hương của những tín đồ Phật giáo. Đến Myanmar, bạn sẽ sững sờ trước vẻ đẹp của cố đô Bagan hay vùng hồ Inle Lake. Myanmar thực sự là một thiên đường bị khách du lịch bỏ quên do những ngần ngại về tình hình chính trị bất ổn những năm gần đây.

Bagan là dấu tích về một vương triều hùng mạnh với hơn 2000 đền, chùa, tự viện được xây dựng trong khoảng từ giữa thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13, thời đại hoàng kim đánh dấu sự khởi đầu của những truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 7

Trải qua nhiều cuộc chiến và động đất, Bagan giờ đây là một thành phố chùa tháp mang một màu đỏ rực. Bạn có thể thuê một cỗ xe ngựa, thong dong khám phá vẻ đẹp và câu chuyện lịch sử của mỗi ngôi chùa, mỗi pho tượng. Hoặc bạn cũng có thể thuê một chiếc xe đạp, chạy đua với Mặt Trời trong ánh bình minh đỏ rực và ngắm hoàng hôn trên đỉnh ngôi đền Shwe San Daw, nơi bạn có thể phóng tầm mắt ôm trọn Bagan.

Cũng đừng quên đạp xe vào ban đêm trên con đường độc đạo dẫn đến khu bảo tồn Bagan dưới một bầu trời tinh khôi với dải ngân hà vằng vặc. Hay “biến mất” trong cánh đồng hoa hướng dương trên đường đến Mount Popa hoặc lim dim trên chiếc ghế đẩu ngập trong sương mây tại resort đặt trên miệng núi lửa đã ngừng hoạt động này.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 8

Một thiên đường khác là Inle Lake thuộc vùng Shan State. Inle Lake là hồ nước lớn thứ 2 của Myanmar với nhiều làng nổi trên hồ. “Book” một tour du lịch một ngày bằng thuyền máy, bạn sẽ được ghé thăm những những vườn nổi độc đáo và những công trình kiến trúc, lịch sử nổi tiếng như khu Indien Pagoda Complax với hơn 2000 tháp chùa được xây vào thế kỷ 17, chùa Houng Daw U.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 9

Chùa Houng Daw U.

Thú vị nhất vẫn là những làng nghề nổi trên hồ. Làng lụa là một căn nhà gỗ dài tít tắp nổi trên mặt hồ. Trong ánh nắng kiêu kỳ chiếu qua những ô cửa sổ, những cô thợ thoăn thoắt bẻ nhỏ những ngọn sen, kéo ra những sợi xơ và vê thành những đoạn chỉ mảnh. Chỉ sen sau đó sẽ được chuyển cho những người thợ, thường là những phụ nữ lớn tuổi se thành sợi, cuộn theo guồng. Những cuộn sợi sen sau đó được nhuộm thành các màu và phơi, trước khi được những cô thợ khỏe khoắn dệt thành những tấm lụa bền chắc.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 10

Dye colors - màu nhuộm.

Mỗi làng nghề đều có một đặc trưng dễ nhận biết. Ví như làng lụa là tiếng canh cách đưa thoi, làng thợ rèn là tiếng quai búa đanh chắc, làng thuốc lá là mùi thuốc chưa ngửi đã thơm phưng phức, chếnh choáng say.

Ở độ cao 880m so với mực nước biển nên khí hậu ở Inle Lake luôn se lạnh và bầu trời thì trong văn vắt. Lướt đi giữa bốn bề sông nước mênh mông, điểm xuyết bóng những ngư dân đánh cá trên những con thuyền độc mộc dài ngút ngát, những ngôi nhà nổi gỗ nâu mộc mạc, những khu vườn nổi được “ghim” bằng vô số thanh tre, ta có cảm giác về một thiên đường thật bình yên.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 11

Thiên đường Inle Lake.

Những người Việt phải lòng Myanmar

Khi lên đỉnh Shwe San Daw ngắm hoàng hôn, tôi tình cờ gặp bác Thái Quang Trung, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, chủ biên tủ sách Di sản văn hóa (Evo-Heritage). Bác là một trong những người biên soạn cuốn “Phong cách Myanmar qua hội họa - Một hành trình sáng tạo” - một trong hai đầu sách đầu tiên của tủ sách được giới thiệu tại Việt Nam.

Bác Trung cho biết, bác dành một tình yêu lớn với thiên nhiên, lịch sử, con người và đặc biệt là nghệ thuật của đất nước này. Bác thân thiết với nhiều họa sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng người Myanmar và dành nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật ở đây. Trong lần trở lại Myanmar này, bác đi cùng một đoàn những họa sĩ trẻ của TP.Hồ Chí Minh, những người lần đầu tiên đặt chân đến đất nước chùa vàng.

Bài dự thi "Mùa hè thiên đường của tôi": Truyện cổ tích Miến Điện ảnh 12

Hoàng hôn trên hồ Inle.

Chúng ta thường mơ đến thiên đường mà quên mất rằng đang có những thiên đường ngay trên mặt đất, chẳng xa chúng ta là mấy đang chờ chúng ta khám phá. Đến thăm một người bạn láng giềng xa trong khu vực, tìm hiểu những điều lạ lẫm để nhận ra chúng ta đồng điệu biết mấy.

LAN PHƯƠNG

Mời bạn xem thông tin chi tiết cuộc thi "Mùa Hè thiên đường của tôi" TẠI ĐÂY.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm