Xuất khẩu nhạc Việt:

Bài toán khó

TP - So với những loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc có nhiều tiềm năng, cơ hội để vươn ra thị trường thế giới. Tuy vậy, việc đưa nhạc Việt đến với bạn bè quốc tế lâu nay không phải câu chuyện dễ dàng.

Manh nha

Trước khi See tình, Hai phút hơn (Kaix remix), Dễ đến dễ đi, Ngây thơ... gây được tiếng vang như hiện nay, Việt Nam có một vài dấu ấn “xuất khẩu” âm nhạc. Năm 2003, sản phẩm âm nhạc Việt đầu tiên được xuất khẩu là album Hồng Hạnh - First memorial concert tổng hợp những ca khúc bất hủ của Nhật thể hiện bằng tiếng Việt. Với giọng hát trữ tình của Hồng Hạnh, album đã đến được với thị trường Nhật Bản khó tính.

Bài toán khó ảnh 1

Chat với Mozart là album phòng thu của ca sĩ Mỹ Linh, phát hành tháng 9/2005. Tính đến năm 2019, Chat với Mozart bán được hơn 120 nghìn bản.

Sau Hồng Hạnh, ca sĩ Mỹ Linh cũng tham gia vào cuộc đua xuất khẩu âm nhạc. Diva phát hành Made in Vietnam, Chat với Mozart, Coming to America xuất khẩu sang Nhật và Mỹ. Một số dự án tấn công thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc là bước đi đầy táo bạo của Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương. Đan Trường, Lam Trường cũng nhập cuộc đua khi thâm nhập thị trường Thái Lan. Ca sĩ Đức Tuấn đã phát hành album nhạc kịch Music of the night ở Hong Kong (Trung Quốc) và Canada…

Nhà sản xuất nhạc Việt đã quảng bá các sản phẩm trên nhiều nền tảng số như album The tales của Mai Khôi, Thủy Tiên, Lê Hiếu trên Amazon, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bán Ru rừng, Hạ trắng, Body and soul, Drifting blossoms floating clouds trên eBay, CDBaby… Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa tạo được hiệu ứng mạnh, chưa được công chúng biết đến rộng rãi.

Ông Nguyễn Phương Đông (CEO Hot Panda Media - đơn vị quảng bá và sản xuất âm nhạc hợp tác quốc tế) cho hay, các bên xuất khẩu âm nhạc luôn tìm đến những sản phẩm đặc biệt, những nghệ sĩ có tố chất riêng. Theo ông, vấn đề mấu chốt trong xuất khẩu nhạc Việt vẫn là sản phẩm tốt với chất lượng đúng “chuẩn quốc tế”. Bên cạnh đó, khi biểu diễn trước khán giả nước ngoài, ca sĩ cần trang bị kỹ năng truyền tải âm nhạc qua ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng nói chuyện trước đám đông.

“Ca sĩ cần thích ứng, luôn nghiên cứu bản thân và thế giới để biết bên ngoài họ đang làm gì, cần tận dụng internet để cập nhật thông tin một cách nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội. Chẳng hạn, khi biết một nền tảng mạng xã hội sẽ đầu tư cho âm nhạc, nghệ sĩ cần chuẩn bị để đón đầu. Vấn đề mấu chốt trong xuất khẩu nhạc Việt vẫn là cần sản phẩm tốt và đội ngũ hỗ trợ như công ty phân phối, truyền thông, các đơn vị văn hóa”, ông Nguyễn Phương Đông nói.

Mạng xã hội - đòn bẩy cho công nghiệp âm nhạc

DJ, nhà sản xuất âm nhạc Lê Hoàng Kỳ Anh (Kaiz) - chủ nhân bản remix đình đám Hai phút hơn nói rằng, công nghệ và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng để đưa âm nhạc lan tỏa ở ngoài biên giới. “TikTok chỉ là một công cụ mạng xã hội nhỏ nhưng đã thể hiện được sự liên kết người dùng thông qua âm nhạc và những video ngắn mang tính chất giải trí. Kaiz tin rằng trong năm 2023, thậm chí là những năm sau nữa, sản phẩm âm nhạc đến từ Việt Nam chắc chắn sẽ phổ biến và vươn xa hơn nữa”, Kaiz bày tỏ.

Mở đường cho công nghiệp văn hóa

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhận định, sau sự nổi tiếng của một số ca khúc như See tình, Hai phút hơn (Kaiz remix), Dễ đến dễ đi... câu chuyện công nghiệp hoá nền âm nhạc, phát triển công nghiệp văn hóa tiếp tục được đề cập nhiều hơn. Theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, trong thời đại công nghiệp 4.0 tất cả các ngành nghề đều cần số hóa và âm nhạc không nằm ngoài xu hướng này. Âm nhạc hội tụ nhiều điều kiện, cơ hội để xuất khẩu thành công.

Bài toán khó ảnh 2

Nhạc Việt cần thêm những sản phẩm được đầu tư chỉn chu

“Với sức mạnh công nghệ và hoạt động của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, việc tiến tới nền công nghiệp âm nhạc sẽ trở thành tất yếu. Trên thực tế nhiều nước trên thế giới đã phát triển nền công nghiệp này từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc này mới được nhắc đến tại Việt Nam”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nói.

Ông cho rằng, dấu hiệu đầu tiên để bắt đầu công nghiệp hóa nền âm nhạc xuất phát từ một số chương trình nghệ thuật, CD, sản phẩm âm nhạc và những ca khúc nổi tiếng đối với khán giả quốc tế. Trước đây, Việt Nam không nghĩ đến việc công nghiệp hóa nền âm nhạc bởi chưa đủ nội lực và chưa biết cách quảng bá âm nhạc ở nước ngoài bài bản, hệ thống. Nam nhạc sĩ nêu ví dụ về Hàn Quốc, Nhật Bản - hai đất nước nổi tiếng nhờ công nghiệp hoá âm nhạc và công nghiệp văn hóa. Ông nhấn mạnh, để tạo ra nền công nghiệp âm nhạc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới phải chuẩn bị rất lâu, theo lộ trình rất dài.

“Muốn có nền công nghiệp âm nhạc, chúng ta không phải chỉ chăm chăm vào âm nhạc mà cần lộ trình mang tính tổng lực để quảng bá văn hóa, trong đó có ẩm thực, thời trang, điện ảnh và âm nhạc. Đây chính là chiến lược của Hàn Quốc và Nhật Bản”, nam nhạc sĩ phân tích. Chuyên gia về âm nhạc nhận định, những sản phẩm được quốc tế đón nhận còn ít ỏi và chỉ là những nỗ lực của từng cá nhân, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư đồng bộ, dài hơi.

“Với những thành công hiện tại, dần dần chúng ta phải hình thành và xây dựng lộ trình mang tính chuyên nghiệp, hệ thống, bài bản để có được nền công nghiệp âm nhạc. Chỉ có một vài ca khúc được biết đến ở nước ngoài là chưa đủ, điều đó chỉ đại diện cho một hiện tượng. Để có ngành công nghiệp âm nhạc cần có một hệ thống, chiến lược và tất cả văn nghệ sĩ cùng chung tay tạo ra những sản phẩm mang cá tính riêng và mang đậm bản sắc Việt”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh đề xuất.

Đầu tư tập trung, đặt hàng sản phẩm quan trọng

Trao đổi với Tiền Phong, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận xét, hiện tượng như See tình và một số ca khúc được quốc tế đón nhận chính là minh chứng cho thấy âm nhạc, nghệ sĩ Việt có thể đứng vào câu chuyện phát triển nghệ thuật biểu diễn của thế giới. Tất nhiên sự thành công của những sản phẩm này vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo ra sức mạnh thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa mà cụ thể là công nghiệp âm nhạc.

“Muốn tạo ra được sự phát triển cho nền công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc có hai hướng. Đầu tiên, xã hội tự lựa chọn đầu tư sản phẩm gì cộng đồng cần, nghệ sĩ chủ động sáng tạo. Bên cạnh đó chúng ta cần có sự đầu tư tập trung, đặt hàng tác phẩm quan trọng. Hội đồng thẩm định lựa chọn những người có năng lực, quyết định đầu tư thích đáng”, NSƯT Trần Ly Ly nói.

Câu chuyện đặt hàng theo NSƯT Trần Ly Ly không nên hiểu theo phạm vi hẹp chỉ dành cho nghệ sĩ Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta hoàn toàn có thể đặt hàng nghệ sĩ quốc tế, người Việt sinh sống ở nước ngoài để tạo ra sản phẩm nghệ thuật chất lượng và đi ra thế giới. Điều quan trọng nhất là người đứng đầu truyền cảm hứng, tập hợp đội ngũ nghệ sĩ sản xuất và làm thế nào nêu bật tính tư tưởng của tác phẩm ấy. NGUYÊN KHÁNH