Ở Ấn Độ hiện tại, mọi người đã có cái nhìn tích cực hơn về vai trò của nữ giới và thậm chí có luật bỏ tục lệ cô dâu phải có của hồi môn khi đi lấy chồng; tuy nhiên, dường như một số người vẫn chưa bỏ được lối tư duy cũ.
Bởi vậy mà mới đây, có người mới bức xúc chia sẻ một đề bài Toán xác suất ở Ấn Độ, khiến nhiều cư dân mạng rất bất ngờ và bày tỏ sự không hài lòng.
Ở Ấn Độ đã có luật bỏ tục lệ cô dâu phải có của hồi môn. Ảnh minh họa: iStock. |
Đề bài này là: “Một người đàn ông muốn kết hôn với một cô gái có những yếu tố sau đây: Da trắng - xác suất để tìm được một cô gái thế này là 1/20; có của hồi môn hậu hĩ - xác suất để có được điều này là 1/50; lịch sự, có phong cách - xác suất này là 1/100”. Thế rồi bài toán yêu cầu học sinh tính xác suất của việc người đàn ông tìm được cô gái như thế.
Bài toán cũng có lời giải và đáp án, rằng xác suất để tìm được cô gái với tất cả các yếu tố trên là khá thấp: 0,00001.
Bài toán gây bức xúc ở Ấn Độ. Ảnh: Twitter. |
Không biết có phải người ra đề cố tình làm thế này để chứng minh rằng nếu một người đàn ông có nhiều yêu cầu thì sẽ không thể tìm được vợ hay không, nhưng netizen ở cả Ấn Độ lẫn nhiều nước khác đều cho rằng đây là một đề bài “rất có vấn đề”. Họ viết những bình luận như:
“Đây là xác suất mà người ra đề bài này có thể tìm được người yêu”.
“Tôi không thể tin được là một bài toán như thế này lại được chấp nhận”.
“Không một câu nào nhắc đến việc cô gái có đồng ý hay không cả”.
Đề bài này được đưa ra chỉ một ngày sau khi có người chụp ảnh một trang sách giáo khoa dùng tại trường đại học ở Ấn Độ và cộng đồng mạng cũng phản ứng mạnh. Đó được cho là một trang của sách Xã hội học cho Y tá, trong đó nói đến “tác dụng” của của hồi môn mà bố mẹ đưa cho con gái mình để đem về nhà chồng. Một trong các “tác dụng” đó là những cô gái có ngoại hình xấu nhưng có của hồi môn hấp dẫn thì vẫn lấy được chồng, thậm chí có thể lấy được một anh đẹp trai!
Tác dụng của của hồi môn là để các cô gái xấu xí cũng lấy được chồng? Ảnh: Twitter. |
Netizen Ấn Độ cho rằng việc một cuốn sách giáo khoa viết như vậy là rất khó chấp nhận.
Hiện cuốn sách giáo khoa này đã được gỡ khỏi trang Amazon của Ấn Độ và có lẽ từ giờ, các trường học ở Ấn sẽ cần chú ý kỹ hơn đến các đề bài để tránh tình trạng bị phản đối như trên.