Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới?

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới?
HHT - Bài văn “Tả con chó nhà em” đang gây xôn xao trên facebook, đặc biệt là trong cộng đồng teen. Nhưng thay vì ngồi “ném đá”, hãy tưởng tượng, nếu bây giờ môn Văn thay đổi như nước ngoài, bạn đã sẵn sàng đón nhận nó hay chưa?

Bài văn tả con chó “nói hộ” lòng teen

Ngay khi cây bút trẻ Hà Thanh Phúc đăng trạng thái về bài Văn tả con chó nhà em (tác giả bài Văn này là cháu của nữ ca sĩ Hòa Mi) thì nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch cũng có một trạng thái đồng tình, như “nói hộ” lòng của học sinh Việt Nam bao thế hệ.

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 1

Bài văn "thần thánh" được dân mạng share rần rần những ngày qua.

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 2

Hình ảnh so sánh mâm xôi gấc khổng lồ có lẽ chục năm nay không hề thay đổi, không lẽ cách tưởng tượng của học trò sau mười mấy năm không có gì tiến bộ hơn?

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 3

Chắc bạn cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh “cô giáo quốc dân” “tóc dài chấm lưng, thon thả, đi đứng nhẹ nhàng, lời nói thánh thót”?

Tôi có một cô bạn, từng kể câu chuyện: Hồi bạn ấy còn học Tiểu học, đọc bài Văn về vượn mẹ đang cho vượn con bú, bỗng thợ săn bắn tên vào vượn mẹ, dù đau đớn nhưng vượn mẹ vẫn cố gắng làm xong nhiệm vụ của mình rồi cố hết sức rút cung tên ra rồi ngã xuống. Đọc xong bài đọc ấy, bạn ấy rất cảm động, nhưng cũng chỉ đến đó thôi, vì hồi còn trẻ con mình cũng chưa thể nghĩ gì nhiều, nhưng đột nhiên trong lớp có bạn nữ kia tự nhiên nằm ra bàn khóc, rồi cô giáo lại an ủi, bạn nữ càng khóc to hơn. Thế là cô quay sang nói với cả lớp: “Thấy chưa? Các em nên học tập bạn này. Vì bạn ấy có một trái tim đầy lòng nhân hậu. Chứ sao cô thấy câu chuyện như vậy, mà nhiều em mặt cứ trơ trơ ra vậy?”.

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 4

“Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sáng tạo”, tác giả Đặng Hoàng Giang viết trong cuốn Bức xúc không làm ta vô can. Đã có bao nhiêu lần ở trong lớp, khi bạn nghĩ ra trong đầu một đáp án A, nhưng khi thấy đa số chọn đáp án B, bạn sửa đáp án lại thành B, cuối cùng A mới là đáp án đúng? “Đứng một mình không dễ. Không những nó làm ta không được ưa thích, khi một mình", nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, "chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé”. Môn Văn là cuộc đời mỗi người, suy nghĩ độc lập cá nhân, vì thế không thể có chuyện 100 bài văn đều giống nhau như đúc - đó là cách giáo dục con người thất bại.

Môn Văn của Việt Nam đang gần với thế giới hơn

Thầy Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT TP.HCM chia sẻ với các bạn teen cấp THPT, trong năm 2018, đồng loạt sách giáo khoa sẽ thay đổi. Theo đó, nhất là môn Ngữ Văn, Lịch Sử, sẽ không còn áp đặt suy nghĩ một chiều, thầy đọc trò chép rồi học thuộc, mà sẽ cho học sinh suy nghĩ đa chiều hơn về một vấn đề. Các đề thi và đáp án Quốc gia các môn này cũng sẽ theo hướng mở để thí sinh thể hiện quan điểm riêng.

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 5

Ngoài ra, việc thi đầu vào lớp 6 trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cũng đã thay đổi theo hướng quốc tế: Đề tổng hợp các môn dưới hình thức song ngữ. Theo cô Trần Thúy Hằng, người sáng lập kiêm CEO Stemhouse Education, từng là giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), môn Văn các em í sẽ thi theo kiểu nêu cảm nhận riêng về một vấn đề được nêu trong một đoạn văn giới hạn trong vài dòng để kiểm tra khả năng diễn đạt súc tích, hoàn toàn vắng bóng những bài văn theo barem như tả người, tả cảnh. Cô cho rằng đây là một bước khởi đầu để thay đổi nền giáo dục nhà mình theo hướng tiệm cận hơn với thế giới.

Thay vì chỉ học những đoạn trích ngắn và buộc phải phân tích một cách khá phiến diện, teen Mỹ phải đọc cả cuốn sách để có cái nhìn tổng quan nhất, từ đó rút ra những góc nhìn riêng. Hải Hà, du học sinh Mỹ từng gửi thư đến bác Đỗ Ngọc Thống, cán bộ nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) như sau: Ở trường bạn học, môn Văn không có sách giáo khoa, mà phải đọc cả cuốn truyện dài/ tiểu thuyết, nên mỗi năm chỉ đọc được 4 - 5 tác phẩm thôi. Nhưng bù lại, học như thế sẽ hiểu tường tận một tác phẩm, biết cảm thụ, giáo viên cũng không cháy giáo án và sẽ có thời gian lắng nghe ý kiến học trò.

Sau khi đọc và thảo luận xong một tác phẩm, cả lớp Hải Hà sẽ được xem phim trước ngày kiểm tra để nắm rõ hơn toàn bộ nội dung của tác phẩm (vì các tác phẩm được đọc đều được dựng thành phim). Ngoài ra, các bạn í còn phải đóng kịch để lấy điểm nên rất đầu tư thời gian, công sức, để diễn sao cho chân thực nhất. Ví dụ, đọc Julius Ceasar của nhà văn Shakespeare xong các bạn được chia ra từng nhóm để làm "nhà báo" phóng vấn vợ của Ceasar, đưa tin về vụ ám sát và thái độ của người dân La Mã, tất cả đều phải làm như thật, phải có tranh, ảnh, tên nhà báo cũng phải là một tên La Mã.

Bạn nên chuẩn bị gì cho sự thay đổi này?

Trên thực tế đã có nhiều thầy cô khuyến khích teen nêu quan điểm, như lớp của Trúc Trần (trường Phổ thông Năng Khiếu, TP.HCM): “Đề Văn đầu tiên năm 10 của lớp mình đúng 5 chữ: "Cuộc sống thật tẻ nhạt". Viết sao cũng được, viết bi quan hay lạc quan cũng chẳng sao. Thầy cô thoáng lắm, có quan điểm riêng và thuyết phục là điểm cao. Thầy cô đọc bài kĩ rồi cho lời phê dài, thấy thầy cô có tâm với từng câu chữ học sinh viết ra. Tất cả những bài viết này đều được lấy điểm một tiết trên lớp thay cho những bài phân tích Văn trong sách giáo khoa”.

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 6

Bạn Phúc An (du học sinh Singapore) cho biết: “Ở trường mình (NUS High School of Math and Science, Singapore) quan niệm học Văn là học cách vận dụng ngôn từ để giải quyết vấn đề thực tế. Để làm được bài, phải tìm hiểu, nghiên cứu đủ ngóc ngách để làm, từ trên mạng cho đến tìm sách để đọc để có dẫn chứng thực tế. Các đề tài rất đa dạng, từ khoa học tự nhiên như Trí thông minh nhân tạo, Sự bất tử,… đến chuyện xã hội như vấn đề chính trị nhạy cảm cũng được đem ra mổ xẻ”.

Teen Mỹ cũng được học văn học (tương tự với nghị luận văn học của Việt Nam). Nhưng thay vì hướng học sinh theo “ý đồ tác giả”, thì các bạn Mỹ sẽ được tự do đặt giả thiết, “nghi ngờ” và thậm chí bác bỏ các nhận định của chuyên gia để có ý kiến riêng của mình. Giáo viên chỉ có nhiệm vụ là đặt câu hỏi cho cả lớp để tránh việc các bạn tranh luận quá đà mà quên mất mục tiêu ban đầu. Sau mỗi buổi học giáo viên cũng không có kết luận ý kiến đúng sai, ai cũng có quyền bảo lưu quan điểm của mình.

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 7

Muốn môn Văn thật sự thay đổi, bản thân bạn hãy là một người có chính kiến thay vì chỉ muốn giống người khác để cảm thấy được an toàn. Hơn hết, hãy có văn hóa tranh luận.

Đó là câu chuyện tại lớp học Văn của tác giả Quỳnh Anh, ĐH Earlham (Hoa Kỳ) trong bài viết “Từ chuyện học văn ở Mỹ, nghĩ về việc cải cách môn Ngữ Văn ở Việt Nam”. Không phát hiện nào của học viên là “đồ bỏ” cả. Khi đọc tác phẩm Maboroshi (Miyamoto Teru), một học viên cho rằng những đốm tàn nhang của nhân vật (chi tiết nghe có vẻ “vớ vẩn” và không nhà phê bình nào quan tâm) rất đáng tranh luận, vì anh ta tin chi tiết lặp đi lặp lại đó có vai trò gì đó trong truyện. Trong những buổi thảo luận ấy, mọi người cùng đưa ra quan điểm, giả thiết, “cả gan” bác bỏ cả quan điểm của nhà phê bình, nhưng vẫn rất tôn trọng đối phương chứ không công kích cá nhân.

Bài văn "Tả con chó nhà em": Teen nên làm gì để chuẩn bị cho môn Văn phiên bản mới? ảnh 8

Tụi mình nói môn Văn cần thay đổi thì rất dễ. Nhưng chính bạn cũng cần phải thay đổi trước đã. Bạn có biết vì sao giáo dục ở Nhật Bản lại thành công? Đó là vì giáo dục ở xứ sở Mặt Trời mọc thay đổi từ dưới lên, thay đổi bắt đầu từ học sinh, giáo viên chứ không hề có một chính sách chung nào được áp đặt từ trên xuống. Hơn nữa, sự tiến bộ cũng có cái giá của nó. Nếu môn Văn của nước mình tiến bộ hơn, cho phép bạn nêu quan điểm của bản thân, bạn buộc phải suy nghĩ nhiều hơn, không thể copy ý kiến của người khác, phải có chính kiến, phải biết cách bảo vệ chính kiến. Bạn không thể vẫn là một người nói những gì mình không cho là đúng trên trang giấy bài làm, nhưng lại không biết cách tranh luận trên mạng xã hội.

Vậy bạn đã sẵn sàng để bắt đầu thay đổi chưa?

HY DI - Ảnh tổng hợp từ Internet

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm