Tác giả bài đăng là một cậu bạn học lớp 12, đang "khổ sở" đợi chờ điểm thi và đó cũng là tâm trạng của tất cả các bạn teen vừa trải qua kì thi học kì đầy vất vả.
![]() |
Bài đăng nhận được hơn 3000 likes và hơn 1500 lượt chia sẻ cùng rất nhiều bình luận.
Trong bài đăng của mình, cậu bạn thể hiện sự lo lắng của mình trước những con điểm "rỗng": "Trước khi ông nội mình, tổng biên tập báo Hà Tĩnh, qua đời, một trong những điều cuối cùng ông gắng gượng thốt ra là: "Cháu của ông sẽ trở thành một nhà báo lớn!" - ông nắm chặt con chuột di trên những trang blog viết bâng quơ. Và bây giờ, thực hiện được 50% ước nguyện đó, mình vẫn mấp mé học sinh khá môn Văn và là lo lắng chờ đợi kết quả thi Học kì. Trong khi những người viết một văn bản hết nửa số câu sai chính tả và ngữ pháp, lại nhởn nhơ không chút lo sợ bởi thi 5 điểm thì cũng đủ qua môn. Một phút dừng lại để tự hỏi, cái danh hiệu Giỏi - Khá và những con điểm trải dài quyết định điều gì trong cuộc đời chúng ta?".
"... Chúng ta không được dạy để biết "MÌNH LÀ AI?". Tất cả lao đầu vào học, 8 tiếng ở trường, 4 tiếng học thêm, làm bài tập về nhà, lướt mạng xã hội rồi đi ngủ. Không ngoại trừ một trường đại học nào của Mỹ không đòi bài luận viết về bản thân (personal statement), thế mà học sinh Việt Nam mất 6 tháng, 1 năm để chuẩn bị những câu chuyện nhạt tuếch, thậm chí là bịa đặt, vì đâu được ra ngoài kia trải nghiệm dù chỉ 1 lần, kết cục bằng việc làm dày những câu chuyện rỗng bằng vốn từ vựng phong phú cắm mặt học được qua thời gian cày từ điển tại gia. Trong khi, với mình, bản thân là người hiểu rõ nhất, và dễ viết nhất. Mình là ai giữa vô vàn những chiến binh 12, hay là những con số giống nhau y hệt?".
![]() |
Điểm số và những nỗi lo sợ chính là "thủ phạm" gây ra những tiêu cực.
![]() |
Bên dưới, bài đăng nhận được rất nhiều comment "cùng cảnh ngộ''.
![]() |
Comment nào cũng dài không kém gì bài đăng, thể hiện nỗi lo của học sinh trong những ngày chờ điểm.
Có thể thấy, điểm số - nỗi lo của mọi nhà đang "thống trị" phần lớn những cảm xúc đối với việc học của teen. Bởi vì điểm số chính là công cụ dùng để so sánh bản thân mình với người khác, để bố mẹ đặt con mình lên bàn cân với "con nhà người ta"; vừa là mục tiêu để phấn đấu nhưng đồng thời lại là con dao hai lưỡi khiến cho mọi nỗ lực cố gắng của teen rơi tỏm xuống vực thẳm.
Nhưng bạn hãy nhớ rằng sau này vị sếp trong công ty sẽ không bao giờ hỏi bạn được bao nhiêu điểm trung bình môn Toán, người có điểm môn Giáo dục công dân không cao không đồng nghĩa với việc là một kẻ trộm cướp. Điểm số không nói lên con người bạn và càng không phải để so sánh. Bạn chỉ cần xem bản thân mình của ngày hôm nay với ngày hôm qua liệu đã tốt hơn hay chưa như vậy là đủ để bạn tiếp tục nỗ lực hết mình rồi!
N.T