Tiền bạc, thứ chia cắt nhiều mối quan hệ
Nhạy cảm một chút với túi tiền sẽ tránh được chuyện tiền bạc chen vào mối quan hệ. |
Đôi lúc tiền sẽ là vấn đề giữa hai người. Rất có thể xảy ra trường hợp một trong hai gặp khó khăn về tiền bạc nhưng không để người kia biết. Vì thế những hành xử kiểu như rủ bạn đến những chỗ quá đắt tiền, hoặc tỉnh bơ rủ bạn đi mua sắm khi cô ấy viêm màng túi có thể khiến người kia khó xử. Vì khi quá thân, chúng ta sẽ quên để ý đến điều này. Nhạy cảm một chút với túi tiền của bạn sẽ tránh được chuyện tiền bạc chen vào mối quan hệ giữa hai người.
Xin lỗi - đơn giản đến nỗi nhiều người bỏ qua
Đừng ngại là người nói lời xin lỗi trước. |
Rất nhiều người đánh giá thấp từ “xin lỗi”. Chúng ta có thể dễ dàng nói từ này với những người không thân, thậm chí không quen (khi ta vô tình va phải họ ngoài đường) nhưng lại cảm thấy nói từ này với những người thân hoặc bạn bè thân là không cần thiết. Đó thật sự là điều sai lầm và thiếu công bằng. Dù mắc vào mâu thuẫn mà cả hai cùng là người có lỗi, đừng ngại là người nói lời xin lỗi trước. Để cho lòng tự ái cản lối lời xin lỗi, bạn có nguy cơ đánh mất một tình bạn đẹp.
Mình đối với bạn hết lòng, bạn đối với mình hết hồn…
Một mối quan hệ chỉ tốt đẹp khi đó là mối quan hệ hai chiều. |
Một mối quan hệ chỉ tốt đẹp khi đó là mối quan hệ hai chiều. Cả hai đều cho đi và nhận lại. Là người chỉ biết nhận đương nhiên không tốt, nhưng là người chỉ cho đi cũng không tốt nốt. Dù bạn giỏi hơn, giàu hơn, có khả năng hơn, chắc chắn vẫn có những thứ, những điều mà người bạn thân có thể “cho” bạn được. Vậy đừng từ chối nó, hãy đón nhận và tạo điều kiện để bạn thân “cho” mình - cũng như mình đã và đang làm như vậy.
Ranh giới giữa quan tâm và tò mò
Bạn thân không có nghĩa là phải khai tuốt tuột những bí mật cho nhau nghe. |
Đó không chỉ là chuyện bạn giữ bí mật những điều bạn thân nói với mình, mà còn là tôn trọng cả những điều cô ấy/ anh ấy không muốn nói với bạn. Bạn thân không có nghĩa là phải khai tuốt tuột những bí mật cho nhau nghe. Đừng cố ép buộc hay giận dỗi nếu cô ấy không kể. Rốt cuộc, điều bạn quan tâm là bạn thân của mình có ổn hay không chứ đâu phải việc thỏa mãn trí tò mò của chính mình hay vỗ về lòng tự ái “mình phải là người quan trọng nhất” với cô ấy, đúng không!
Chấp nhận sự cực đoan
Là bạn bè, cô ấy chấp nhận bạn, bạn chấp nhận cô ấy. |
Là bạn bè, cô ấy chấp nhận bạn, bạn chấp nhận cô ấy. Đơn giản, nhưng cũng rất khó thực hiện, bởi đôi khi sự “chấp nhận” này cần đến mức cực đoan. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thay đổi bạn, “nâng cấp” bạn. Nếu cô ấy có tính xấu mà bạn biết ngay từ đầu, thì đó không còn là “tính xấu” nữa, mà là “chính con người cô ấy”. Bình thường ta chấp nhận, nhưng đôi khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, ta lại quên mất. Cho nên sự chấp nhận phải cần đến mức cực đoan là vậy!
Bạn luôn có thể nói điều gì đó tốt hơn
Đôi lúc bạn muốn góp ý, đôi lúc bộ đồ cô ấy chui vào thật sự là thảm họa, đôi lúc những việc cô ấy làm thực sự là ngốc nghếch... Nhưng bạn luôn có thể nói điều gì đó tốt hơn là chỉ trích, chê bai. Đừng vội vàng “phun” ra bất kỳ điều gì khi cảm xúc đang dâng trào.
Hãy luôn là chính mình
Cứ là chính mình, bạn sẽ học được rất nhiều điều và giữ được mọi mối quan hệ. |
Cứ là chính mình, bạn sẽ học được rất nhiều điều và giữ được mọi mối quan hệ. Nhưng điều này thật không dễ làm. Chúng ta không sống trong môi trường lí tưởng, chúng ta bị tác động bởi những kinh nghiệm, những thất bại, những hoài nghi... khiến ta có những hành xử kỳ lạ. Cũng có lúc bạn sẽ thay đổi từ mẫu người A, sang mẫu người B. Đừng sợ điều ấy sẽ khiến bạn bè rời bỏ ta. Nếu sự thay đổi đi từ bản chất bên trong và bạn vẫn là chính bạn, thì đâu sẽ lại vào đấy. Cứ cho nhau thời gian nhé!