Bạn biết gì về cuộc chiến tranh giành spotlight đầy “chiêu trò” trong giới showbiz Việt?

Bạn biết gì về cuộc chiến tranh giành spotlight đầy “chiêu trò” trong giới showbiz Việt?
HHT - Thời gian qua, liên tiếp những câu chuyện tình showbiz “hạ màn” chỉ là chiêu trò PR bẩn được người trong cuộc dàn dựng đã khiến dư luận bàng hoàng.

Bất luận ai đúng ai sai, câu chuyện là bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong thời đại mà vì sự nổi tiếng, người ta sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả tình yêu, danh dự hay cái tôi nghệ sĩ.

Cuộc chạy đua tới định mức ngôi sao

Để PR cho MV ca khúc mới, Phan Ngọc Luân - học trò cũ của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã không ngần ngại tung tin mình đã… “ngủ chung” với người thầy của mình. Sau khi bị cả người thầy và hàng loạt nghệ sĩ tố cáo dựng chuyện, cựu thí sinh The Voice này thừa nhận mình đã bịa ra toàn bộ câu chuyện, lợi dụng vấn đề đồng tính và tình dục để tạo sự chú ý. Tất nhiên, bát nước hắt đi không thể lấy lại được, không biết trò PR bẩn có giúp MV mới của Ngọc Luân được xem nhiều hơn hay không, nhưng anh ta phải hứng về không biết bao nhiêu gạch đá của dư luận. Đáng nói là vụ việc này xảy ra ngay khi màn kịch “tình tay ba” Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn - An Nguy do những người trong cuộc (được cho là) tự dàn dựng rồi lại tự… lật bàn tố nhau chưa kịp nguội.

Bạn biết gì về cuộc chiến tranh giành spotlight đầy “chiêu trò” trong giới showbiz Việt? ảnh 1

Liên tiếp hai vụ việc dùng tình cảm cá nhân để PR sản phẩm nghệ thuật cho thấy, chiến thuật dùng scandal để nổi tiếng trong showbiz Việt đã đi quá xa, đến độ giẫm đạp lên những giá trị thiêng liêng nhất của con người như lòng tự trọng, danh dự, tình yêu hay đạo đức nghề nghiệp. Và khán giả bị những nghệ sĩ này coi như con rối, để rồi bị lợi dụng tình yêu và sự hâm mộ thuần khiết dành cho họ.

Nhưng đây liệu có phải chỉ là mặt tối của riêng showbiz? Trong thời đại “chỉ cần nổi tiếng là có tất cả”, khi lượng follow và like trên các trang mạng xã hội được quy ra tiền bạc, lợi nhuận, khi có hẳn một “nghề” là hack facebook của người nổi tiếng để tống tiền, gạ chuộc thì bất kỳ ai cũng có thể lỡ bước rồi dấn sâu vào cơn lốc xoáy giành giật sự nổi tiếng. Bạn T.Linh (cựu học sinh trường THPT chuyên T.) kể: “Khi còn hoạt động ở một câu lạc bộ, bạn chủ nhiệm đã dặn tớ phải thường xuyên đăng hình selfie xinh đẹp lên trang cá nhân. Mục đích là khiến các học sinh trong trường vì thích ngắm “gái xinh” nên sẽ nộp đơn xin vào CLB”.

Chỉ cần gửi mail nhanh một số KOL hoặc influencer trên các mạng xã hội, bạn sẽ nhận ngay được những con số báo giá booking “khủng”. Các quảng cáo nhãn hàng được trải rộng qua các kênh này, xuất hiện thấp thoáng trong các bài đăng của họ thông qua những hợp đồng giá trị ít nhất 8 chữ số tùy mức độ tương tác với người dùng của từng KOL. Không chỉ diễn viên, ca sĩ, hotboy, hotgirl… mới có thể là KOL, dư luận từng cười ngất khi bạn gái một số cầu thủ trong tuyển U23 khi bắt đầu được biết đến đã phát triển hình ảnh theo hướng KOL và nhận quảng cáo trá hình cho những sản phẩm đối nghịch: Sáng than gầy khen thuốc tăng cân, chiều lại kêu béo ca ngợi thực phẩm chức năng giảm cân.

Bạn biết gì về cuộc chiến tranh giành spotlight đầy “chiêu trò” trong giới showbiz Việt? ảnh 2

Và khi mở trang MXH mà dường như vây quanh mình đều là những nhân vật với ánh hào quang lấp lánh của page nghìn followers, post nghìn like, chúng ta đôi khi cũng vô thức muốn có được sự công nhận, sự chú ý. Tháp nhu cầu của Maslow liệt kê “nhu cầu được mọi người quan tâm, công nhận” là nhu cầu ở đỉnh tháp - sau khi được thỏa mãn các nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp… khác. Và hãy tự hỏi, bạn sẽ cảm thấy thế nào, có cô đơn, bồn chồn không nếu một ngày không kết nối với thế giới thông qua chiếc điện thoại?

Bức màn xám xịt đang ngụy trang bằng cầu vồng

Trên cao lộ giành giật sự chú ý, có nhiều điểm trừ nguy hại mà chúng ta đã vô tình bỏ qua!

Đam mê nổi tiếng là mầm bệnh tiêu cực

Theo trang Bridgestorecovery.com, việc bị ám ảnh với chuyện đi tìm sự nổi tiếng sẽ khiến nguy cơ trầm cảm, bực dọc, ghen tuông và buồn bã gia tăng. Cụ tỉ, khi bạn hy vọng một bộ hình mới đi chụp nhận được 500 like, nhưng kết cục thấp hơn hẳn dự kiến sẽ khiến bạn thất vọng.

Thậm chí, trang Psychology Today và nhiều trang tâm lý học khác đã xếp việc mong muốn sự nổi tiếng quá mức là một căn bệnh gọi là rối loạn nhân cách (histrionic personality disorder). Hiểu một cách đơn giản, khi bạn quá cố gắng đi tìm spotlight, bạn đã thể hiện những mặt không phải là bản chất, mà chỉ là những thứ bạn tin rằng đa số mọi người muốn nghe - nhìn thấy từ bạn.

Bạn biết gì về cuộc chiến tranh giành spotlight đầy “chiêu trò” trong giới showbiz Việt? ảnh 3

Phản ứng ngược của chiến thuật lệch pha

Những bước tính toán sai lầm của việc xây dựng thương hiệu có thể nhận ngược về những khủng hoảng, những phản ứng tiêu cực. Ví như khi muốn làm một chiến dịch viral, Protein World đã khắc họa hình tượng một cô gái nóng bỏng trong bộ đồ bikini với slogan “Are You Ready To Have A Beach Body?” (Bạn đã sẵn sàng để có cơ thể đi biển chưa?). Kết quả là trước làn sóng phản đối chiến lược quảng cáo body-shaming, khiến những người bình thường tự ti về cơ thể mình chỉ để đạt mục đích bán sản phẩm, công ty này phải dẹp bỏ biển quảng cáo và thu hồi các ấn phẩm có hình ảnh thông điệp đó. Bởi lẽ họ đã bóp méo một sự thật là, bất cứ một thân hình nào của phụ nữ cũng là chuẩn đi biển.

Việc tẩy chay phim Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con do các nghệ sĩ liên quan có dấu hiệu lợi dụng tình yêu, dựng chuyện để PR cho phim cũng là một phản ứng ngược kinh điển. Vậy nên, bất chấp tất cả để được chú ý rất có thể sẽ thu về hậu quả là bị cả thế giới quay lưng.

Đặt những mối quan hệ lên bàn cân

Mỗi con người đều có nhiều mục tiêu khác nhau. Khi đặt mục tiêu sự chú ý lên trên hết, bạn đã vô tình “chôn” mất những giá trị khác xung quanh. Bạn T.Phương (ĐH RMIT, TP.HCM) kể rằng: “Suốt ngày, tớ chỉ lo đăng clip cover lên YouTube để được mọi người công nhận. Mục đích là sau khi nổi tiếng, tớ sẽ được nhận nhiều show và kiếm xèng đi du hí cùng gà bông. Thế nhưng, sau những tháng ngày bị mờ mắt bởi hàng loạt bình luận có cánh, tớ chỉ tập trung hết vào đấy mà không để tâm đến gà bông. Mãi đến khi bạn í lên tiếng thì tớ mới nhận ra bản thân mình bị mâu thuẫn. Thế là tớ quyết định cân bằng lại các mục đích cá nhân!”.

Bạn biết gì về cuộc chiến tranh giành spotlight đầy “chiêu trò” trong giới showbiz Việt? ảnh 4

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân hay cố gắng để được công nhận chưa bao giờ là sai. Nhưng cách bạn làm thế nào để có được sự chú ý đó thì có thể vô cùng “độc hại”, bởi nó đẩy bạn xa khỏi mục tiêu thật sự. Lấy đời tư để PR, bạn sẽ thu hút rất đông những người tò mò các kịch bản li kì, nhưng lại khiến sản phẩm bạn dành tâm huyết thực sự bị quên lãng, thậm chí bị tẩy chay.

Thế nên, đi lên bằng thực lực có lẽ là công thức thành công truyền thống nhưng bền vững nhất trong thời đại của sự chú ý này.

Theo Trích HHT 1287
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Kim Sae Ron nói lời cuối vụ tung ảnh với Kim Soo Hyun, cựu phóng viên Hàn chỉ rõ ý đồ

Kim Sae Ron nói lời cuối vụ tung ảnh với Kim Soo Hyun, cựu phóng viên Hàn chỉ rõ ý đồ

HHT - Sau tuyên bố lấp lửng rằng "đang sắp xếp lại các quan điểm" chuẩn bị đưa ra tuyên bố chính thức thì hôm nay Kim Sae Ron cho biết cô sẽ không nói gì thêm. Trước đó, YouTuber/ cựu phóng viên giải trí nổi tiếng Lee Jin Ho cho biết hành động của nữ diễn viên khả năng là chỉ để "flex", khoe với netizen.