Phá bỏ luật lệ cùng người “siêu năng lực”
Theo nghiên cứu của trang Elitedaily.com, áp lực của các luật lệ sẽ làm giảm tính sáng tạo của con người. Thực tế, không chỉ bộ đồ khoác trên người, có hàng vạn lý do từ suy nghĩ lối mòn ngăn cản chúng ta trở nên sáng tạo, hàng trăm nội quy khiến chúng ta bị gò bó trong môi trường học đường. Apple không tuân theo ngữ pháp tiếng Anh khi đưa ra slogan: Think different! (đúng theo ngữ pháp là Think differently). Google cho nhân viên chơi trong giờ làm, đi chân không và trang trí phòng làm việc theo sở thích. Và việc phá bỏ những nếp cũ để tăng hiệu suất học tập, đã có nhiều thầy cô “dị biệt” tiên phong:
![]() |
Cô Ngọc Mai - giáo viên tiếng Anh.
Chúng ta vẫn thường bị cấm “không được ăn trong giờ học!”. Thế nhưng cô Ngọc Mai (giáo viên Anh ngữ Trung tâm Blue Mountain) lại cho rằng “có thực mới vực được đạo”. Cô Mai chia sẻ: “Một lần học trò gọi điện xin lỗi vì bận việc nên tới lớp trễ, cô liền đùa với bạn í là “xin lỗi cái nồi”. Không ngờ bạn í đem nồi lên lớp để xin lỗi cô thật. Chốc sau thì cả lớp bụng ai cũng kêu rục rịch, cô liền đi kiếm bếp để nấu mì bò cho cả lớp ăn luôn. Cấm cản học sinh ăn chỉ khiến các bạn mệt mỏi và không làm được bài tập cô giao”.
![]() |
Thầy Phạm Ngọc Tuấn - giáo viên trường Toán học Titan.
Thầy Phạm Ngọc Tuấn (giáo viên trường Toán học Titan) không chỉ cho phép học sinh ăn trong tiết, mà còn cho phép các bạn vừa nghe nhạc vừa làm bài. Adam Khoo trong quyển sách Tôi tài giỏi - bạn cũng thế đã chỉ ra việc nghe nhạc khi làm việc thực sự kích hoạt các dây thần kinh và tăng tốc độ hoạt động của não bộ. Thầy cũng hay gọi học sinh bằng cậu - tớ. Thầy chia sẻ: “Thầy tin rằng một người bạn chân thành sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn một “tiến sĩ gây mê” lúc nào cũng thao thao bất tuyệt giảng đạo trên bục giảng”.
Đừng nghe - chép, hãy tư duy!
![]() |
Cô Huyền Thảo - giáo viên môn Lịch Sử.
“Lớp học X-Men” không khuyến khích học theo cách truyền thống, chép bài từ bảng xuống và học thuộc làu làu như những chú vẹt! Để kích thích học sinh nghĩ nhiều hơn thuộc, sáng tạo và động não, cô Huyền Thảo (giáo viên môn Lịch Sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM) đã dạy theo một phong cách hoàn toàn mới: Đan xen rất nhiều chi tiết sai kiến thức trong bài giảng. Học sinh nào có phát hiện ra lỗi sai đó và đủ bản lĩnh phát biểu “sửa gáy” cô sẽ ngay lập tức được 10 điểm. Cuối giờ, cô sẽ thống kê lại những chi tiết sai trong bài. Hay thầy Thạch (giáo viên môn Địa Lý) vẫn được học sinh đặt cho cái tên “Thạch Thơ” vì giới thiệu tới vùng miền nào thì thầy sẽ lấy một hơi đọc liền tù tì ba bài thơ về vùng đất đó.
![]() |
Cô Tường Vy - giáo viên môn Vật Lý.
Để học sinh mường tượng rõ những định luật như thế nào là rơi tự do, lực hút Trái Đất trong môn Vật Lý, cô Tường Vy (giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM) đã đề nghị cả lớp đứng lên bàn học (một điều cấm kị trong quan niệm dạy học truyền thống) để cùng… nhảy xuống sàn. Nếu việc ngồi lên bàn, đứng lên ghế mãi là điều không cho phép trong nội quy, thì lớp học của cô Vy đã rất hứng khởi và dễ tiếp thu như vậy!
Khoảng cách từ bục giảng tới bàn học là bao xa?
![]() |
Cô Tú Hạnh - giáo viên môn Toán.
Mỗi khi lớp không tập trung, cô Tú Hạnh (giáo viên môn Toán) sẽ “bắn” rap “liên thanh” để lớp chú ý, vì cô biết giới trẻ rất thích nghe dòng nhạc này. Hay thầy Trịnh Đình Thảo (giáo viên môn Hóa trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM) đều nhắn tin cho học trò trước kì thi như thế này: “Bạn ơi, hãy đạt số điểm bằng số ngón tay của thầy nhé! Thầy không có bị cùi đâu!”.
Tại trường Canadian International School ở TP.HCM, trong những lần sinh hoạt, học sinh nếu hoàn thành tốt một hoạt động, sẽ được trao cho quyền lực “sai khiến” giáo viên. Thế là các bạn í đề nghị thầy/ cô… phục vụ bữa trưa, hát cho mình nghe, hay thậm chí phải… nhổ lông chân, nhuộm tóc xanh và các thầy cô đều rất vui vẻ thực hiện đấy.
![]() |
Thầy Trịnh Đình Thảo - giáo viên môn Hóa.
Trong lớp học truyền thống, chúng ta chỉ ngồi cách giáo viên vài sải tay, nhưng thực sự chúng ta đang cách người đứng lớp hàng chục năm chim bay. Điểm chung của các thầy cô “dị biệt” là luôn tìm cách xóa bỏ rào chắn thế hệ và định kiến. Họ có thể mặc những bộ đồ lạ mắt để tiết học trở nên gần gũi hơn. Hay gọi chúng ta bằng những cái tên thân mật, những đại từ nhân xưng dành cho bạn bè. Chúng ta đã qua thời đại mà “tôn sư trọng đạo” thể hiện qua tư tưởng “cãi thầy núi đè”.
NHO KHOA