Bạn có sẵn sàng giúp đỡ khi phải đánh đổi bằng sự an toàn của chính mình?

Bạn có sẵn sàng giúp đỡ khi phải đánh đổi bằng sự an toàn của chính mình?
HHT - Thường thì ít ai dám đánh đổi sự an toàn của mình để giúp người khác. Nhưng bà cụ trong câu chuyện này đã cứu hơn 2.500 trẻ em bằng mọi cách có thể…

Bà cụ mà bạn nhìn thấy trong ảnh tên là Irena Sendler. Không mấy người từng biết đến bà, cho đến tận năm 2007, khi bà được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Irena được sinh ra ở Warsaw vào năm 1910. Cha của bà đã dạy bà rất nhiều điều, nhưng bài học quan trọng nhất mà bà từng học được là cần giúp đỡ những người gặp khó khăn. Câu chuyện của bà Irena là một câu chuyện tràn đầy cảm hứng.

Năm bà Irena 7 tuổi thì cha bà qua đời. Dù vậy, ông vẫn là người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bà, và bà luôn đi theo những bước chân của cha mình. Khi lớn lên, bà trở thành một y tá, chịu trách nhiệm giúp đem thực phẩm và quần áo đến cho những gia đình nghèo. Vào thời điểm khi tư tưởng chống người Do Thái đang lên cao ở khắp châu Âu, bà Irena tiếp tục giúp các gia đình Do Thái như bà vẫn làm với bất kỳ gia đình nào khác.

Khi Ba Lan bị chiếm đóng bởi quân phát-xít Đức vào năm 1939, tất cả các gia đình Do Thái bị đưa riêng đến khu tách biệt Warsaw. Rất khó để chúng ta bây giờ có thể hình dung ra sự kinh hoàng của thời đó. Irena, do rất sốc trước tình trạng kinh khủng ở khu tách biệt, nên đã quyết định tham gia một tổ chức giúp đỡ người Do Thái. Khi tình hình ngày càng tệ hơn, bà nhận ra rằng mình phải có những bước đi mạnh mẽ hơn để giúp đỡ, dù việc này có nghĩa là đặt chính mạng sống của bà vào nguy hiểm.

Bà Irena Sendler, “người hùng” đã bất chấp nguy hiểm để cứu hàng ngàn trẻ em.

Cùng với vài người khác, Irena bắt đầu giúp trẻ em Do Thái trốn khỏi khu tách biệt - bởi nếu chúng còn ở đó thì chắc chắn sẽ chết. Những trẻ em này sau đó được gửi đến các nhà tạm hoặc được nhận nuôi. Dù Irena hành động đầy thiện chí, nhưng không phải phụ nữ nào ở khu tách biệt cũng sẵn sàng giao con mình cho một người xa lạ. Vào lúc này, không ai biết rằng tình thế sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm và hầu hết người Do Thái cuối cùng sẽ phải vào các trại tập trung.

Và bởi vì người Đức canh giữ các khu tách biệt rất cẩn mật, nên Irena phải dùng nhiều phương cách để đưa trẻ con ra ngoài. Thường thì bà giấu chúng trong những chiếc xe cấp cứu chở các bệnh nhân nặng, nhưng khi bị giám sát nghiêm ngặt hơn, bà buộc phải giấu chúng trong những cái bao lớn, trong những thùng rác, hoặc thậm chí là trong những… chiếc quan tài.

Irena đã cứu được hơn 2.500 trẻ em khỏi cái chết gần như chắc chắn. Bà giữ kín thông tin về tung tích của chúng trong một chiếc hộp thiếc, và giấu chiếc hộp này trong một khu vườn gần nhà.

Những việc làm của Irena vẫn rất hoàn hảo, cho đến một ngày, người Đức phát hiện ra. Irena bị tống giam và bị tra khảo. Dù chịu đựng đau đớn, nhưng bà không bao giờ tiết lộ tin tức về những đứa trẻ. Cuối cùng, bà bị kết án tử hình. Nhưng cuộc sống lại có một kế hoạch khác cho bà. Không biết có ai đã nhờ vả một người lính để cho bà trốn thoát. Từ khoảnh khắc đó đến hết cuộc đời, bà dùng một cái tên giả, nhưng bà không bao giờ ngừng cố gắng giúp người khác.

Sau chiến tranh, Irena đào cái hộp thiếc chứa những mẩu giấy ghi chú về những trẻ em ngày trước lên và giao cho một ủy ban của chính phủ đang tìm kiếm những người Do Thái còn sống sót. Sau đó, bà kết hôn, có ba người con và sống hạnh phúc. “Lý do mà tôi cứu những đứa trẻ đó có nguồn gốc từ thời thơ ấu của tôi” - Bà Irena nói - “Tôi được nuôi lớn lên với niềm tin rằng chúng ta cần phải giúp những người khó khăn, bất kể quốc tịch, bất kể tín ngưỡng”.

Năm 2007, Irena được đề cử giải Nobel Hòa bình và một năm sau, bà qua đời ở tuổi 98. Mọi người đều tin rằng phần đóng góp của bà vào lịch sử là không bao giờ có thể phủ nhận hay coi nhẹ được.

Người phụ nữ với trái tim vàng này đã chứng minh với cả thế giới rằng bất kỳ ai cũng có thể can đảm và đứng lên bảo vệ những giá trị của mình, giúp đỡ người khác, ngay cả trong những thời điểm khó khăn cùng cực nhất.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm