"Giải ngố" về điêu khắc chân mày
Cũng như nhiều phương pháp, dịch vụ làm đẹp khác, đôi chân mày cũng đã “trầy trật” trên con đường đi tìm “vẻ đẹp hoàn hảo” của mình. Các dịch vụ tạo dáng chân mày có thể kể đến phun xăm chân mày, thêu chân mày, cấy chân mày và “đàn em” mới nhất: Điêu khắc chân mày.
![]() |
Tương tự như thêu, điêu khắc lông mày chỉ làm trên thượng bì da. Chỉ khác là khi thêu, bút xăm chỉ có một đầu như bút mực thì bút điêu khắc gồm hai loại: Vẽ sợi thẳng và vẽ sợi cong, giúp người làm dễ định hình chân mày hơn. Do thiết kế đặc biệt của bút điêu khắc nên nét từng sợi lông mày tự nhiên hơn với đầu lông đậm và thanh mảnh dần về đuôi. Đây cũng là phương pháp ít đau nhất trong cách phương pháp "biến hóa" do bút điêu khắc chỉ di nhẹ trên bề mặt da.
![]() |
Nhược điểm của điêu khắc chân mày là chỉ thực hiện được trên chân mày còn “zin” - tức là chưa thêu hay xăm. Nếu đã lỡ thêu hay xăm trước đó thì phải xóa xăm mới làm được.
Tuổi thọ của một em chân mày được điêu khắc vào khoảng 1 - 2 năm và phải dặm nét lại mỗi 6 - 8 tháng. Giá cả để có một em chân mày được điêu khắc đẹp vào khoảng 3 - 6 triệu đồng cho lần đầu tiên và ít hơn cho mỗi lần dặm lại.
Quá trình ra lò “tác phẩm điêu khắc”
Bước 1: Vệ sinh da mặt, loại bỏ lớp trang điểm/ bụi bẩn/ dầu thừa. Màu chân mày sẽ được chọn dựa trên màu sợi chân mày, màu mắt và tóc để được tự nhiên, hài hòa nhất.
Bước 2: Canh đo lấy tỉ lệ vàng chân mày, vẽ dáng/ khung chân mày mới.
![]() |
Bước 3: Tiến hành điêu khắc, khắc hai lần mỗi bên. Lần đầu tiên thường không sử dụng thuốc tê để đảm bảo yếu tố màu mực được tươi và sắc nét. Lần thứ hai sẽ được dùng thuốc tê dạng bôi.
![]() |
Bước 4: Để giữ chân mày điêu khắc bền và đẹp:
- Sau khi điêu khắc, sẽ được dặn dò kỹ lưỡng về cách chăm sóc sau khi xăm mày và cách dùng chất dưỡng ẩm có chứa Vitamin A & D.
- Không cần kiên cử gì ngoại trừ giữ vệ sinh sạch đẹp.
Làm đẹp nhưng cũng đừng quên tính đến những rủi ro, bạn nhé!
1. Nguy cơ nhiễm trùng, tay nghề kém chất lượng
Một trong những thứ “ngoài kế hoạch” khi đi điêu khắc lông mày là nơi làm, nhân viên điêu khắc không giữ vệ sinh cẩn thận làm da bị nhiễm trùng. Yêu cầu tối thiểu để có một đôi chân mày an toàn là nhân viên bắt buộc phải dùng bộ dụng cụ mới và tiệt khuẩn (bao tay, dao điêu khắc).
![]() |
Tay nghề của người làm cũng là điều quan trọng. Hiện nay, dịch vụ điêu khắc chân mày mọc lên như nấm, vì vậy có rất nhiều người tay nghề non kém và không đảm bảo “an toàn” cho đôi chân mày. Nếu tay nghề kém, khách hàng có thể ra về với một hàng chân mày không đều, không đúng tỉ lệ khuôn mặt và tệ hơn là đau ê, sưng đỏ, chảy máu… do người làm dấn bút sâu hơn lớp thượng bì vào sâu trong da.
2. “Tậu” chân mày “lạc trôi”
Theo chị Phương Phan - nghệ nhân điêu khắc lông mày ở Sài Gòn - cho biết: “Nghệ nhân sẽ có dụng cụ đo đạc và vẽ ra dáng chân mày chuẩn và hợp với khuôn mặt nhất, vì vậy không nên chạy theo các “mốt” chân mày trên thị trường hay theo các nghệ sĩ ưa thích mà “tậu” một đôi chân mày không hợp với khuôn mặt. Dễ có tình trạng “làm theo mốt xong rồi hết mốt thì… chán”. Mà một khi đã điêu khắc chân mày thì phải “ẵm” em í theo tận 2 năm thì nét vẽ mới mờ nên rất khó để chỉnh sửa xoành xoạch theo ý muốn như dùng chì kẻ được”.
ÉN NÌ