Ngôi sao tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ
Chỉ cách đây vài tháng, Zoom vẫn là một cái tên xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát, số lượng người dùng tăng lên chóng mặt, Zoom cũng nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng miễn phí được download nhiều nhất trên Google Play và Apple Store.
Không chỉ vậy, nhiều trung tâm y tế còn sử dụng Zoom để đào tạo kỹ năng ứng phó dịch bệnh cho các y bác sĩ từ xa. Để đồng hành cùng người dùng trong mùa dịch Covid-19, Zoom còn thực hiện việc gỡ bỏ giới hạn 40 phút cho nhiều tài khoản ở một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ.
Zoom được thành lập năm 2011 bởi Eric Yuan, một thương gia người Trung Quốc. Công ty này có trụ sở chính tại San Jose, California, Mỹ. Dù teen mình mới chỉ biết đến Zoom cách đây không lâu, nhưng vào năm 2019, ứng dụng này đã được giới công nghệ và kinh tế gọi bằng những danh hiệu: "Người hùng", "nhà vô địch hội nghị"... Vậy nên trước khi COVID-19 xuất hiện, anh bạn này chẳng phải kẻ vô danh như nhiều người vẫn nghĩ đâu nhé!
Sự "trỗi dậy" bên cạnh những ông trùm
Thay vì ấn tượng “học online” mà chúng mình vẫn nhắc đến hiện tại, ứng dụng Zoom chủ yếu hướng đến đối tượng người dùng là doanh nghiệp với các buổi họp trực tuyến đông người. Khi đại dịch bùng phát, học sinh không thể đến trường để hạn chế sự tiếp xúc gây lây lan, Zoom nhanh chóng trở thành “phao cứu sinh” cho những chương trình học đang dang dở.
Dù Skype, Google Hangouts hay GotoMeeting có tính năng tương tự và nổi tiếng hơn nhiều, nhưng Zoom vẫn “lấy lòng” người dùng và trở thành ứng dụng phổ biến nhất trong mùa dịch này.
Trong khi các ứng dụng khác còn phát triển nhiều tính năng như nhắn tin, soạn thảo… Zoom chỉ có chức năng gọi thoại mà thôi. Chính vì vậy nên ứng dụng này có dung lượng nhẹ, phù hợp với bộ nhớ chật cứng của teen.
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng Zoom ngay từ lần đầu tiên vì cách dùng đơn giản, không yêu cầu các bước đăng ký phức tạp. Ứng dụng gọn nhẹ cũng giúp bạn sử dụng Zoom ở nhiều điều kiện Internet khác nhau, dù là 3G, 4G hay wifi mà không bị giật lag.
Vậy nên khi chúng mình đang chỉ cần một ứng dụng “ăn liền” để họp hành, học nhóm, dễ hiểu tại sao Zoom lại được ưu ái đấy nhỉ!
Hết Covid, liệu Zoom cũng hết "hit"?
Ứng dụng này đã trở thành một điểm click quen thuộc trên màn hình điện thoại của teen trong những ngày không thể đến trường. Khi mùa dịch kết thúc, nhu cầu làm việc trực tuyến giảm bớt, liệu Zoom vẫn còn giữ vị trí quan trọng như hiện tại?