Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh – Cuộc Đời Ngắn Ngủi Của Kẹo, được sáng tác bởi nhà văn Đặng Chương Ngạn. Ông từng gây ấn tượng với độc giả bằng cách mượn những hình ảnh bình dị, gần gũi có thể bắt gặp bất kì nơi nào trong cuộc sống để khai thác các thông điệp nhân văn, đưa ra các vấn đề lớn đáng quan tâm. Tác phẩm nổi bật gần đây mà có thể cho thấy rõ phong cách này của ông chính là Kẻ Chăn Dắt.
Trở lại với cuốn sách Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh, nhà văn Đặng Chương Ngạn vẫn trung thành với lối kể chuyện đơn giản nhưng bật lên những vấn đề mà xã hội vẫn đau đáu bấy lâu, cụ thể ở đây chính là nạn bắt cho.
Theo đó, nội dung của Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh theo chân hai bé cún là Kẹo và Bông. Cả hai xa mẹ từ hồi còn rất nhỏ. May mắn thay, Kẹo được một gia đình nhận nuôi. Kẹo rất được hai cậu chủ nhỏ là Thin và Khin cưng chiều. Bỗng một ngày không may, Kẹo bị bắt trộm. Nhưng bằng bản năng và trí khôn của mình, Kẹo đã chạy thoát.
Và rồi cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời của Kẹo trải qua những tháng ngày “ba chìm bảy nổi” với đủ mọi thử thách. Thế nhưng, Kẹo vẫn một lòng tìm đường về nhà với hai cậu chủ nhỏ của mình.
Thông qua chuyến hành trình của Kẹo, độc giả sẽ cảm nhận được rõ ràng tâm tư, suy nghĩ của một chú cún đối với thế giới quan. Đặc biệt, câu chuyện cũng cho thấy bản chất nổi trội nhất của loài cún – lòng trung thành.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh chỉ kể lại hành trình tìm đường về nhà của Kẹo, cùng những tương tác của hai cậu chủ nhỏ Thin và Khin dành cho Kẹo, điều đó là chưa đủ.
Khi chúng ta bóc tách các tầng nghĩa mà nhà văn Đặng Chương Ngạn vào trong tác phẩm, chúng ta sẽ ngạc nhiên vì Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh không chỉ là truyện dành cho trẻ nhỏ, nói về thế giới yêu thương giữa người và thú cưng, tác phẩm lớn hơn đó là giá trị của tình người và hướng đến điều thiện.
Xuất phát từ đâu mà hai cậu chủ nhỏ, Thin và Khin lại mến, lại cưng các chú cún làm vậy? Đó có phải là điều xuất phát từ… tự nhiên - do “trời sinh tính” nên vậy hay từ giáo dục, từ môi trường sống, từ những tấm gương mà các em nghe thấy, nhìn thấy hàng ngày?
“Nhân chi sơ tốn bổn thiện” – thường là thế, nhưng khó mà tin rằng, những đứa trẻ có người thân kiếm sống bằng cách đi trộm chó, hoặc cha mẹ thích ăn “cờ tây”, hay các cháu thường xuyên thấy cảnh người lớn đập đầu, trấn nước các chú chó để làm thịt… lại có thể rung cảm trước những chú cún con, hay cảm động khi thấy những con vật ấy đang run rẩy trong cơn mưa, khổ sở vì bệnh tật, lang thang chịu đói khát.
Không chọn một kết thúc “tô hồng” mọi việc, Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh để lại sự gợi nhắc đến khó thể dứt ra. Từ đó, hồi chuông về bảo vệ thú cưng, chống nạn trộm chó và ăn thịt chó được gióng lên vô cùng mạnh mẽ. Theo như nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên chia sẻ: “Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh ngoài chức năng của một cuốn sách văn học, còn là một thông điệp của tình yêu thương mà con người dành cho thế giới xung quanh mình”.