Ăn rau không khó như mình tưởng!
Bạn có biết, chức năng thần kinh của các chồi vị giác trên lưỡi có thể cảm nhận được mùi vị và “chuyển tín hiệu” một cách ngoạn mục về cho não?
Khi cảm nhận được vị ngọt, cơ thể sẽ lập tức nhận ra sự hiện diện của carbonhydrate, nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể và thường thúc đẩy chúng ta ăn nhiều hơn để “sạc pin”. Hay vị chua là “tín hiệu” của vitamin có tính axít trong thực phẩm nhưng quá chua lại khiến mất cân bằng pH trong máu, vì thế nhiều người không thích ăn quá chua. Tương tự với vị mặn - có natri/ kali sodium; vị đắng - thức ăn có thể giải độc nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo có chất độc hại; vị ngon (umami) - có chất đạm, axit amin; vị lạ - thức ăn ôi thiu, nấm mốc…
Từ lúc chúng ta còn bé, bố mẹ thường lắc đầu nguầy nguậy khi nghĩ đến việc cho “cục cưng” của mình ăn cá vì sợ mắc xương, ăn rau thì phải xay ra vì khó ăn, rất phức tạp, cho nên sữa và thịt trở thành lựa chọn số một trong bữa ăn dặm của mình. Lớn lên, giải thưởng “Món ăn được yêu thích nhất của teen” hiển nhiên được trao cho… loài gà vì vị giác đã vô tình được “lập trình” để quen với vị ngon của chất đạm. Tuy nhiên, thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng cũng chia sẻ: “Mỗi mặt lưỡi có khoảng 10.000 chồi vị giác và chúng đều được thay mới sau khoảng 7 - 10 ngày. Vì thế, cứ sau một tuần là bạn có thể cảm thấy thích một món ăn mới chứ không phải mãi “chung thủy” với “đạo thịt”. Việc thay đổi thói quen ăn uống cũng từ đó mà không khó như chúng ta vẫn nghĩ”.
“Hô biến” thực đơn “cầu vồng”
Trong rau quả có tất tần tật các chất dinh dưỡng cần thiết và có thể dùng để thay thế các loại thực phẩm khác như dầu mỡ, đạm xấu trong thịt động vật một cách tốt hơn. Nhưng để bắt đầu, teen có thể đưa dần rau củ vào trong thực đơn của mình, mỗi ngày một ít.
Hiệp hội dinh dưỡng ứng dụng và liệu pháp dinh dưỡng Anh (BANT) khuyến khích chúng ta ăn những bữa ăn cầu vồng, 7 loại rau củ (2 loại trái cây và 5 loại rau) một ngày. Bữa ăn cầu vồng cũng chính là nguyên tắc đầu tiên và cách để chúng ta “yêu rau từ cái nhìn đầu tiên”. Màu sắc phong phú không chỉ kích thích ngon miệng qua đôi mắt mà mỗi màu rau củ còn những công dụng khác nhau, lại dễ nhớ cho sức khỏe:
Màu trắng (tỏi, hành, nấm, gừng, dừa…): Hỗ trợ hệ miễn dịch.
Màu xanh (bơ, bông cải, rau chân vịt…): Giúp detox, thải độc cơ thể.
Màu vàng (chanh, xoài, dứa (thơm)...): Tác dụng làm đẹp.
Màu cam (cà rốt, bí đỏ, cam…): Phòng ngừa ung thư.
Màu đỏ (cà chua, táo, lựu…): Sức khỏe tim mạch.
Màu tím (cà tím, việt quất, bắp cải tím…): Tăng tuổi thọ.
Cô Trần Lan Hương (chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe) cũng bật mí đây là phương pháp ăn không những đa dạng về loại, về chất dinh dưỡng, về mùi vị mà còn không ngán vì chúng ta luôn có thể thay thế cà chua bằng dâu, đậu (đỗ) xanh thay vì cải… Không phải bám theo công thức, không sợ hoa quả chưa đến mùa và có thể tha hồ sáng tạo ra thực đơn “cộp mác” bản thân mình.
Thêm một cách để thích ăn rau chính là hãy bắt tay vào chế biến. Món ăn dễ ợt mà teen có thể tự làm chính là salad trộn. Bạn Ngọc Hà (17 tuổi, TP.HCM) kể lại: “Tớ có dịp đi học lớp học dinh dưỡng cùng với mẹ. Ở đó, tớ được tự tay chọn các loại rau củ đủ màu, cắt tỉa và “hô biến” nước sốt chỉ trong thời gian ngắn thôi mà tớ đã cảm thấy thú vị không kém gì việc làm bánh mà phe kẹp nơ tụi mình thích mê!”.
Chắc hẳn bạn cũng không ngờ, việc ăn rau đầy ám ảnh của mình lại có thể “lột xác” kì diệu đến như vậy. Cơ thể chúng ta là một cộng đồng với số lượng khổng lồ các tế bào, khuẩn, hoóc-môn… Đừng nghĩ rằng phải ăn rau củ vì lý trí “bắt ép” chúng ta làm như thế. Hãy xem như mình là một người “nghệ sĩ”, một “đầu bếp” làm ra bữa tiệc đầy các món ăn ưa thích của “thành phố tí hon” kia. Được ăn ngon, chúng sẽ tự động làm việc thật năng suất để giúp chúng ta có một cuộc sống lành mạnh, khỏe khoắn thôi à!
NGỌC TRÂM