Khẽ nhấn bàn đạp, tôi lướt trên con đường tắt ngang qua trường cấp hai, gió lùa qua mái tóc cắt ngắn thả ngang vai. Góc sân trường vắng lặng, chẳng còn ánh tím nào trên những bức tường đã ngả màu thời gian.
Bằng lăng không nở. Tôi thẫn thờ.
Giữa kì II năm lớp 9, Việt bị chuyển tới ngồi cạnh tôi, thầy chủ nhiệm không muốn bị liên tục nhắc nhở về tình hình trật tự của lớp mà hai nhân vật điển hình là Việt và thằng bạn thân cùng bàn. Tháng Hai, nắng vẫn sót lại trên bệ cửa sổ, tấm rèm cửa khẽ đung đưa, chiếc đinh đóng giữa bàn là ranh giới giữa ngàn vạn bước chân mà tôi, có lẽ, vẫn mãi chẳng thể vượt qua.
“Tao không thích ngồi cạnh thằng Việt. Có chút không thoải mái.”
Tôi đã nói một cách khó chịu như thế khi sóng đôi đạp xe về nhà với Trang. Gió cuốn lời tôi nói theo hương hoa.
Trời hửng nắng nhẹ, mây tan thành từng cụm như viên kẹo đường qua tấm rèm đung đưa gió hanh. Tôi đến trường từ sớm, không một bóng người ngoại trừ bác bảo vệ ngồi ngáp trong phòng trực. Giỏ hoa giấy leo lên bờ tường trước cửa thư viện, hồng rực cả một mảng trời. Cô thủ thư gật đầu đáp lại khi thấy tôi.
Tôi tìm đến góc trong cùng của thư viện rồi sững người khi nhận ra mái tóc nâu nhạt của Việt giữa hai cánh tay khoanh vào nhau. Cậu ấy đang ngủ thì phải. Tôi bật cười, khẽ nhìn vào mi mắt dài nắm chặt. Có gì đó khẽ gợn lên trong lòng tôi, một cơn sóng nhỏ, lăn tăn, vỗ mãi vào mạn thuyền.
Mang mớ hỗn độn trong tim, tôi đến dãy bàn khác, lôi một đống đề ra ngồi làm, sắp thi cấp ba rồi mà.
“Ly.” Có tiếng gõ nhẹ lên vai tôi, là Việt, ngái ngủ, tóc rối bời.
“Sao?” Tôi chợt nhận ra giọng mình bỗng lạc đi một nhịp.
“Chỉ cho tao.” Việt lôi mấy tờ ngữ pháp Tiếng Anh ra rồi làm vẻ mặt chán nản, tôi bật cười.
Ánh hoàng hôn nhuộm đỏ tóc Việt trước gió, cậu ấy yên lặng ngồi ăn cây kem, cạnh tôi, cũng vẩn vơ thả hồn mình theo hương cỏ. Mãi đến khi leo lên xe đạp chuẩn bị rời đi, cậu ấy mới chạy lại chỗ tôi, dúi một đống bài tập toán chi chít lỗi sửa vào cặp sách.
Tôi cắn bút mông lung nhìn ra ngoài cửa sổ, tiết Văn nhàm chán và buồn tẻ, giọng thầy vang đều đều giữa lớp học im lặng, tất cả đều đã gục xuống bàn. Đôi mắt ti hí qua cặp kính cận đương nhiên vẫn thấy một tập thể học sinh ngoan ngoãn ngồi làm bài, ít nhất là mấy đứa ngồi bàn đầu. Nhưng tôi ngồi bàn bốn, nên quyết định sẽ ngấu nghiến nốt cuốn truyện ngôn tình đọc dở hôm qua.
Nghe thấy tiếng xôn xao của mấy đứa bàn dưới, tôi ngẩng đầu dậy thì phát hiện thầy Sâm đã đứng đấy từ bao giờ, im lặng, giật phắt cuốn truyện trên tay.
“Em nghĩ điểm Văn của em cao lắm hả mà mang dăm ba cái này đến lớp?”
Tôi cúi gằm mặt, không thốt nên lời.
“Là của em mang đi.” Việt bỗng giơ tay.
Cả lớp bỗng im lặng, khỏi cần nhìn tôi cũng biết mắt bọn này đang lồi ra khỏi tròng và chắc chắn sẽ hú hét ầm ĩ vào giờ ra chơi. Tim tôi dường như ngưng lại, bỗng dưng thấy ấm áp.
Tôi với Việt lên phòng của giáo viên chủ nhiệm, ngồi nghe mắng cả buổi rồi hứa cái điều trăm vạn lần đã từng hứa rồi cun cút về lớp. Cậu ấy không nói gì cả, chẳng giải thích lí do tại sao. Nhưng tôi kệ, hai má nóng ran ửng hồng dưới nắng.
Buổi học cuối cùng chẳng học hành gì, lớp tôi nhốn nháo đi xin kí áo. Chúng tôi là khóa cuối cùng của trường, sang năm, trường sẽ đập bỏ và xây nên trường mới. Không mấy bất ngờ hay tiếc nuối bởi việc này đã được thông báo từ đầu năm.
Chiếc áo đồng phục chi chít màu mực vẫn còn thiếu chữ kí một người, tôi chạy ra sân sau, cầm sẵn cây bút, thấp thoáng bóng lưng Việt phía ghế đá đối diện lớp tôi. Nhưng không phải mình Việt. Mái tóc rực nắng đỏ, hai má nóng bừng, chẳng phải vì men say, mà là vì cô bạn ấy - Linh. Có gì đó nghẹn lại nơi cổ họng, dù cố mấy tôi cũng chẳng thể mấp máy được từ nào hay thậm chí là rời đi, tôi chỉ đứng đó chết sững, bỗng nhẹ bẫng cảm giác nơi lồng ngực bên trái.
Tôi nhớ, một ngày nào đó của tháng Tư, tôi ngẩn người nhìn qua cửa sổ, nơi ánh bằng lăng tím ẩn hiện qua kẽ lá, nhảy nhót trên vạt nắng.
“Mày biết ý nghĩa hoa bằng lăng là gì không?”
“Không.” Việt đáp cụt lủn.
“Là tình yêu trong sáng, nhẹ nhàng.” Tôi nói vậy, thả hồn mình theo những đám mây trôi, rồi chợt cười nhẹ.
Nhìn những cánh hoa tím khẽ rung rinh trong không trung trước cổng trường cấp ba, một màn sương nhạt dâng lên tận mắt tôi.
Chẳng còn cậu, cũng chẳng còn bằng lăng.