Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, điều tra năm 2015 cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến cáo của TCYTTG.
Đây là một trong những nguyên nhân của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Các bệnh lý này liên quan đến các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực và đặc biệt là tiêu thụ quá nhiều muối, đây là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp và đái tháo đường.
TS Bắc thông tin, báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ năm người trưởng thành Việt Nam thì có một người bị tăng huyết áp và cứ hơn hai mươi người thì có một người đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.
WHO cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong chương trình giảm muối ăn. Theo đó đã xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong một số thực phẩm chế biến sẵn và tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về giảm ăn muối.
Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo người dân hành động để dự phòng và kiểm soát tăng huyết áp, đái tháo đường nhằm ngăn ngừa bệnh tim bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực thường xuyên, không hút thuốc và hạn chế sử dụng rượu bia.
Chú ý giảm lượng muối ăn vào hằng ngày. Hãy thực hiện giảm muối khi chế biến thức ăn, giảm muối trong khi ăn, giảm sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối.
Hãy thường xuyên đo huyết áp và đánh giá nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Đến cơ sở y tế để khám ngay nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị tăng huyết áp và/hoặc và bị đái tháo đường.
Đối với những người đã bị tăng huyết áp hay đái tháo đường, hãy tuân thủ việc điều trị bao gồm thường xuyên dùng thuốc và thực hiện thay đổi hành vi lối sống theo lời khuyên của thầy thuốc.