Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh tại cơ quan điều tra.
Trước đó, tại cơ quan điều tra, bước đầu, bà Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974, tạm trú phường Hiệp Thành, quận 12) - chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh đã thừa nhận mình là người trong đoạn clip và có hành vi như trong phóng sự phản ánh.
Bà Linh thừa nhận nhiều lần thực hiện các hành vi như đánh, tát, đạp, đập bình nhựa vào đầu... các bé 2 - 5 tuổi được gửi tại cơ sở Mầm Xanh. Đối tượng Linh phân trần, do các bé đông, hiếu động, không nghe lời nên đánh dọa để chúng sợ mà ngoan.
Luật sư Phạm Công Út (Văn phòng luật Phạm Nghiêm) cho hay, các vụ bảo mẫu bạo hành trước đây, mức án dành cho đối tượng hành hạ người khác, phạm tội đối với nhiều người và nhiều lần, cao nhất là 3 năm.
Phạm Thị Mỹ Linh bị cơ quan CSĐT Công an quận 12 khởi tố và bắt tạm giam về tội "Hành hạ người khác" được quy định tại khoản 2, Điều 110 Bộ luật Hình sự. Theo luật sư Út, bà Linh sẽ đối diện mức hình phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
“Thông thường tòa sẽ xử tối đa không nương tay. Tuy nhiên, theo tôi, mức tối đa như khung hình phạt tù trên là quá nhẹ”, luật sư Út khẳng định.
Theo luật sư, việc hành hạ trẻ em sẽ ám ảnh, để lại những di chứng về tinh thần, khủng hoảng tâm lý. Đứa trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, lâu dần ngấm vào đầu óc trẻ em vấn đề bạo lực. Vì thế, hệ quả xã hội không phải chuyện nhỏ.
Luật sư Út cho rằng, việc trừng phạt mới là phần ngọn, phát hiện phần nào xử lý tới chỗ đó. Còn nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng nạn bạo hành trẻ em là do đời sống người dân còn thấp.
Ví dụ, công nhân không hộ khẩu thành phố, buộc gửi con tại nhà trẻ tư nhân, giá rẻ, không đòi hỏi giấy tờ nhiều. Các chủ cơ sở muốn tăng lợi nhuận buộc phải cạnh tranh về giá, tuyển ít người làm nhưng giữ nhiều trẻ hơn.
Ở một khía cạnh khác, luật sư Út cho rằng, vai trò quản lý nhà nước, cụ thể là ngành giáo dục đang có vấn đề. Vai trò quản lý nhà nước có thường xuyên hay không, trước khi kiểm tra đã có thông báo… những vấn đề này cần phải làm rõ.
Do đó, luật sư Út đề nghị lắp camera an ninh để cho các bậc phụ huynh có thể giám sát con mình trong quá trình gửi trẻ tại các cơ sở giữ trẻ tư nhân và nhà nước.
Trong khi đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) nhận định: Từ những vụ việc bạo hành trẻ thời gian qua ở tỉnh Đồng Nai, quận Thủ Đức, Gò Vấp (TP.HCM)... cho thấy các vụ việc diễn ra ở nhà trẻ tự phát, không có giấy phép hoặc có giấy phép đều hoạt động rất tùy tiện.
Theo luật sư Nữ, có cơ sở khi Chi hội xuống kiểm tra thì người nuôi dạy trẻ không có hồ sơ nghiệp vụ về sư phạm mầm non, cơ sở vật chất không đảm bảo sức khỏe cho trẻ. “Là một phụ nữ, một người mẹ, tôi thấy cần có những biện pháp rất nghiêm khắc đối với những cơ sở giữ trẻ thiếu điều kiện sinh hoạt, thiếu vệ sinh và an toàn”.
Luật sư Nữ cũng đặt dấu hỏi về nghiệp vụ sư phạm, vấn đề đạo đức của các bảo mẫu giữ trẻ. Do đó, luật sư khuyến cáo: “Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ, không thể giao hết trách nhiệm cho nhà trường. Khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, hành hạ, bị ngược đãi, nhà trường và phụ huynh cần bình tĩnh, thông báo đến cơ quan gần nhất”.
Điều 110, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định Tội hành hạ người khác:
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.
NGUYỄN TUẤN - Theo: Infonet.vn