Tôi từng nghe câu chuyện về một phụ nữ nhận chăm sóc trẻ em tại nhà mình vào ban ngày. Một hôm, khi cô đang đứng ở cửa đón các em nhỏ được bố mẹ đưa tới, thì một chiếc xe cứu hỏa phóng qua. Bọn trẻ rất phấn khích khi nhìn thấy một con chó đốm ngồi ở ngay ghế trước của xe cứu hỏa - giống y như trong những câu chuyện cũ mà chúng từng được đọc cho nghe.
Bọn trẻ bắt đầu bàn tán về "trách nhiệm" của "chú chó cứu hỏa". Một cậu bé nói rằng, hẳn người ta dùng chú chó để ngăn không cho đám đông tụ tập quanh những nơi có hỏa hoạn. Một cô bé khác phản đối, cho rằng chó đốm đi theo vì chúng mang lại may mắn. Nhưng rồi cậu bé Jamie kết thúc cuộc tranh cãi khi kết luận: "Người ta dùng chú chó để đánh hơi tìm cột nước cứu hỏa ấy mà!".
Câu trả lời của Jamie có thể không đúng, nhưng cậu bé đã có cách nhìn rất thú vị, đó là tập trung vào khả năng nổi bật của loài chó (là đánh hơi). Nên câu trả lời ấy đã nhắc chúng ta rằng, tất cả chúng ta đều có những khả năng hữu ích. Một số kỹ năng của chúng ta khá rõ ràng. Một số khác thì được ẩn giấu và khó nhìn ra hơn. Một số thậm chí còn chưa được khám phá ra. Một số có thể được cải thiện nếu tập luyện (hầu hết các kỹ năng đều nằm trong nhóm này).
Bà Marie Curie, người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel (và bà giành được đến hai lần liền), đã nói thế này về tài năng: "Cuộc sống chẳng dễ dàng cho bất kỳ ai trong số chúng ta, nhưng như thế thì sao? Chúng ta phải kiên trì, và trên hết, là tin vào bản thân mình. Chúng ta phải tin rằng mình được ban cho tài năng gì đó, và tài năng đó phải được tìm ra".
Tôi rất thích điều này. "Chúng ta phải tin rằng mình được ban cho tài năng gì đó". Bạn có tin rằng mình cũng có tài năng gì đó? Và bạn đã biết được "tài năng gì đó" là gì chưa?
Cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ - William Floyd - có thể đã từng nghĩ rằng, năng khiếu về thể thao chính là tài năng lớn nhất của mình. Nhưng rồi giữa mùa bóng năm 1995, ông bị chấn thương đầu gối. Vận động viên giỏi giang này phải nghỉ ít nhất là hết cả mùa. Và đó là khi ông tìm ra một tài năng mà lẽ ra ông đã không biết là mình có.
William Floyd vẫn muốn đóng góp chứ KHÔNG muốn chỉ ngồi buồn bã, hoặc ghen tỵ với đồng đội. Cho nên, vào mỗi buổi luyện tập và trong mỗi trận đấu, ông đều đứng ở đường biên, động viên các đồng đội của mình. Ông cổ vũ và khích lệ; ông an ủi và xoa dịu; ông trở thành người có mặt đều đặn nhất và là nguồn cảm hứng của cả đội. Ông có khả năng ấn tượng trong việc tìm ra những điều tốt nhất ở người khác.
Vào cuối năm, các đồng đội của Floyd bình chọn ông là cầu thủ "tượng trưng rõ nhất cho cảm hứng và lòng can đảm". Trước đây, họ cần ông trong sân bóng bao nhiêu, thì bây giờ, họ cần ông ở đường biên cũng nhiều như vậy, bởi ông khuyến khích họ trở thành con người tốt nhất họ có thể, và phát huy được tiềm năng cao nhất của họ. Tôi cứ băn khoăn, liệu kỹ năng mới được tìm thấy của Floyd - tài năng động viên một cách tích cực - có được chứng minh là còn hữu ích hơn cả khả năng thể thao của ông?
Sẽ thế nào nếu chúng ta tin rằng mình "được ban cho tài năng nào đó"? Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt nào?
Và sẽ thế nào nếu chúng ta tin rằng, mình nên làm điều gì đó để phát huy tài năng ấy? Điều này thì CÓ THỂ tạo nên sự khác biệt nào?
Tôi nghĩ, cả cuộc sống của bạn, và có thể là của cả những người xung quanh, đều sẽ thay đổi khi bạn cố gắng tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên.