Phượng Hoàng Cổ Trấn nổi tiếng với hơn 1.300 tuổi, là thị trấn cổ nằm dọc hai bên bờ con sông Đà Giang, với các cây cầu nổi tiếng như Cầu Nhảy, cầu Hồng Kiều, cầu Gỗ… Bạn sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp cổ kính của khu vực phố cổ hai bên sông Đà Giang, khu phố cổ thành Đông, các con hẻm nhỏ với hơn 6.000 gian hàng đặc sắc. Không khí nơi đây cũng khá đặc biệt: buổi sáng yên bình, cổ kính bao nhiêu thì buổi tối lại nhộn nhịp, sôi động không khác gì một con phố hiện đại với bar pub xập xình.
Bạn nên đi vào thời điểm nào trong năm?
Tớ đi Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trương Gia Giới vào mùa Hè nên thời tiết rất… hên xui. Hên gặp hôm không mưa thì nắng lên rực rỡ, trời xanh mây trắng. Còn xui gặp hôm trời âm u thì mưa rả rích cả ngày, đi đâu cũng ngại. Thời tiết tầm 25-30 độ, nắng thì cũng không kém Sài Gòn đâu.
Bạn nên coi thời tiết trước khi đi để có một chuyến đi thật ưng ý. Có người bảo Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trương Gia Giới đẹp nhất là đi mùa Xuân (tầm cuối tháng 3, tháng 4) vì khi đó sẽ có hoa nở; hoặc là đầu Đông (tháng 10, tháng 11) để ngắm tuyết.
Ở lại bao lâu là hợp lý?
Theo tớ, Phượng Hoàng Cổ Trấn thì bạn ở trọn 2 ngày 1 đêm là vừa đủ rồi. Buổi sáng, bạn tranh thủ dậy sớm đi dạo rồi chụp hình rồi về khách sạn nghỉ ngơi một chút. Buổi trưa, bạn có thể ngồi thuyền ngắm cảnh và… ăn vặt. Tối nhớ đi dạo phố đêm, nghe nhạc phát ra từ bar pub dọc đường, hoặc vô trỏng “quẩy” luôn.
Khách sạn nào xinh nhỉ?
Tốt nhất là bạn nên ở khách sạn bên trong trấn cổ, để đi tham quan và khám phá đều tiện lợi, bước một phát ra phố luôn. Khách sạn trong trấn cổ có view bờ sông xịn sò nên giá tiền hơi cao một tí, điểm trừ là chúng hơi cũ kĩ và ẩm (vì gần sông). Nếu bạn chịu khó đi xa hơn thì có các khách sạn mới xây tiêu chuẩn 4 sao, tiện nghi không thua kém gì các khách sạn xịn trong các thành phố lớn. Nếu ở xa thì buổi sáng bắt taxi hơi cực, nên các bạn cứ cân đối thời gian và chi tiêu sao cho hợp lý nhé. Tớ ở khách sạn Fenghuang Guobin International Hotel cũng cực ổn và sạch sẽ (mỗi tội xa!)
Đi lại thế nào?
Bạn có thể bắt taxi. Taxi ở đây cũng khá rẻ, và đều không bấm đồng hồ. Thế thì, việc đầu tiên của bạn là gì? Đưa địa điểm muốn đến và mặc cả tại chỗ. Cơ mà giá thì cũng rẻ bèo à, 10-15-20 tệ cho các khoảng cách 2-3km.
Ẩm thực có gì đặc sắc?
1/ Đồ ăn Trung Quốc thật sự không hợp khẩu vị tớ cho lắm, tất cả mọi thứ như chan mỡ. Các món ăn được chế biến đa phần từ thịt gà, thịt heo, trứng, tàu hủ, rau.
2/ Ăn vặt: Bạn có thể thử món bánh tép (tép tươi còn nhảy được bắt từ sông Đà Giang lên trộn với bột và hành xanh), món này được cộng đồng mạng truyền tai nhau là nhất định phải ăn. Đừng quên ăn kèm với sa tế là ngon tuyệt hảo. Tiệm bán bánh tép ngon nhất tớ được chỉ là ngay bên dưới cầu Hồng Kiều, sạp nhỏ xinh, khách đến mới làm bánh và chiên tại chỗ cho giòn rụm và tươi xanh nồi canh.
3/ Tàu hũ thúi: Mùi này phảng phất ở khắp nơi, và thật tiếc là tớ không ăn được.
4/ Trái cây: Trái cây ở đây rất tươi và bắt mắt. Tớ được “chỉ điểm” ăn nho rừng (nhìn giống trái nho mỹ, căng mọng và bóng bẩy), ăn ngọt và siêu đã, 50 tệ/1kg (À, 1kg của người Trung Quốc chỉ bằng 0,5kg bên mình, mọi người lưu ý nha, chứ không phải người ta cân điêu đâu). Tiếp đến là đào sấy khô: Quả này nghe nói đã được chế biến nên có hóa chất, dù nhìn siêu đẹp và bắt mắt nhưng không nên ăn. Khát nước thì đã có dưa hấu đục lỗ ăn tại chỗ, quả sâm, dừa dứa (35 tệ, hơi mắc cho 1 trái dừa phải không?)
5/ Đừng quên “đặc sản” ngồi cafe buổi sáng ngắm cảnh (tầm 40 tệ/1 ly cafe view bờ sông) hoặc ngồi bar nghe nhạc live vào buổi tối ở Phượng Hoàng nha (tầm 70-80 tệ/người).
Tip chụp ảnh sống ảo thần thánh:
1/ Trước khi đi, bạn hãy chuẩn bị tâm lý là dù mang tên Trấn Cổ, nhưng vì nổi lên mấy năm nay rồi nên bây giờ lượng khách đổ đến Phượng Hoàng rất-đông, đông-không-tưởng, đông như đi chợ Hoa ngày tết, và khi nắng tắt đêm về là đông lạc mất nhau luôn.
2/ Hãy chịu khó dậy sớm (từ 5 giờ sáng) để thưởng thức cổ trấn lúc còn sương mù, được xem cảnh người dân địa phương giặt giũ bên bờ sông Đà Giang, và đặc biệt là không có khách du lịch.
3/ Nếu không thể thức dậy lúc 5 giờ sáng để chụp cảnh không người như này, hãy cố gắng có mặt lúc 2 giờ chiều để có bức ảnh tương tự. Bonus thêm là giờ này nắng lên rực rỡ và quan trọng là hình chụp sẽ cùng chiều nắng (thay vì buổi sáng là cảnh sương mờ và ngược nắng) vì 2 giờ chiều nắng lên đỉnh (Vì tớ đi vào mùa Hè nên tầm 7 giờ tối mới có hoàng hôn).
4/ Trang phục: Trang phục càng nổi càng tốt (đỏ, vàng, trắng, thổ cẩm). Ngoài ra, ở đây bạn có thể thuê đồ dân tộc Miêu để chụp ảnh (đồ dân tộc màu đỏ, kết hợp nón và trang sức bạc), rất nhiều người chào mời, tầm 25-30 tệ. Nếu không thích thì bạn có thể mướn đồ như phim cổ trang, đầm công chúa tiên nữ lả lướt thả dáng, giá sẽ cao hơn tí.
5/ Phụ kiện: Nếu chưa kịp chuẩn bị các phụ kiện để sống ảo, có thể tấp ngay vô các tiệm bán trang sức ở đây. Có vô số thứ như bông tai, vòng tay thổ cẩm tua rua (tầm 10-25 tệ), hay giày thêu hoa (tầm 70-90 tệ), khăn rằn ri, vòng bạc (nhưng đa phần là bạc giả), dây chuyền phượng hoàng cho các bạn gái. Người dân ở đây cũng bán vòng hoa cực kì nhiều, được kết rất đẹp và đủ màu sắc. Giá chỉ 2-3 tệ 1 cái (7-9K), mua để chụp ảnh cho giống mọi người ở đây nha. Ngoài ra có dịch vụ thắt bím tóc tại chỗ, giá rẻ bèo chỉ 10 tệ cho 8-10 sợi (tùy bạn trả giá đến đâu). Đến đây làm gì thì cũng nhớ trả giá nha, giơ tay đưa số hoặc bấm điện thoại đều được à nha!
6/ Đừng quên tạo dáng ở cầu Đá Nhảy, cầu Gỗ, cầu Hồng Kiều và các cối xay nước, lâu lâu có thuyền chạy qua nữa là bạn sẽ có tấm hình đẹp hoàn hảo. Dọc đường đi hai bên bờ sông, bạn đều có thể dừng lại và thả dáng. Ở đây có vô số các lối đi, cầu thang nhỏ để đi xuống gần hơn với bờ sông (tất nhiên là ít người hơn là đứng ở phía trên) để lấy cảnh không người. Các khu phố cổ: Con đường ô đỏ, con đường lồng đèn, cùng với những ngôi nhà cổ kính đúng kiểu Trung Quốc thời xưa. Nếu bạn đi thuyền trên sông Đà Giang, nên đi buổi chiều để bớt đông, và hãy mạnh dạn ra ngồi ở mũi thuyền để có bức hình tuyệt đẹp.