Bí mật khiến tháp nghiêng Pisa trông dễ đổ nhưng lại chẳng sợ động đất!

Bí mật khiến tháp nghiêng Pisa trông dễ đổ nhưng lại chẳng sợ động đất!
HHT - Ngọn tháp 500 năm tuổi ở Ý trông như có thể đổ bất kỳ lúc nào, thế mà chưa trận động đất nào khiến nó “sợ” cả!

Tại sao Tháp Nghiêng PisaÝ lại có thể “sống sót” qua những trận động đất cực mạnh suốt hàng trăm năm nay? Đây là một câu hỏi khiến rất nhiều nhà nghiên cứu đau đầu trong một thời gian dài. Và mới đây, một nhóm 16 kỹ sư ở Đại học Roma Tre, cùng giáo sư George Mylonakis, một chuyên gia hàng đầu về động đất ở Đại học Bristol, đã giải mã được bí mật này.

Mặc dù nghiêng một góc 5 độ trông rất nguy hiểm, khiến đỉnh tháp chệch đi so với chân tháp đến hơn 5m, nhưng ngọn tháp trứ danh cao 58m, bằng cách nào đó, lại không hề hấn gì qua ít nhất là bốn trận động đất cực mạnh từng xảy ra ở vùng này từ năm 1280. Với sự yếu ớt trong kết cấu, đến mức tháp còn chẳng cố mà đứng thẳng nổi, nên ai cũng nghĩ rằng chỉ cần động đất vừa vừa cũng khiến tháp bị hủy hoại nặng nề, thậm chí đổ sập. Thật đáng ngạc nhiên, điều này đã không hề xảy ra.

Thế rồi, đến tận bây giờ, sau khi xem xét tất cả các thông tin địa chấn học, địa kỹ thuật và cấu trúc, thì đội nghiên cứu đã kết luận rằng Tháp Nghiêng sống sót được là do một hiện tượng gọi là tương tác đất-cấu trúc đối kháng.

Mặt đất làm yếu ngọn tháp, lại cũng đang nâng đỡ ngọn tháp, đúng là “trong cái rủi có cái may”.

Độ cao và độ cứng đáng kể của ngọn tháp, kết hợp với độ mềm của đất nền, khiến cho những tính chất rung động của cấu trúc bị thay đổi về căn bản, theo một cách khiến ngọn tháp không cộng hưởng với những chuyển động của mặt đất khi có địa chấn. Đây chính là chìa khóa khiến ngọn tháp “sống sót”. Sự kết hợp độc đáo của những đặc điểm trên khiến Tháp Nghiêng Pisa giữ kỷ lục thế giới về hiệu ứng tương tác đất-cấu trúc đối kháng.

Giáo sư Mylonakis nói: “Thật trớ trêu, là chính vùng đất gây ra sự thiếu vững chắc, khiến tháp bị nghiêng và như sắp đổ, lại có thể đang giúp ngọn tháp chịu được những cơn địa chấn”.

Kết quả nghiên cứu này đã được đưa ra các hội nghị quốc tế và sẽ được chính thức công bố trong Hội thảo Kỹ thuật về Động đất lần thứ 16 của châu Âu, sẽ diễn ra ở Hy Lạp vào tháng sau (6/2018).

Thật bất ngờ khi điều tưởng như làm hại ngọn tháp, lại cũng đang giúp ngọn tháp theo một cách khác, đúng như câu: “Điều gì không giết được bạn thì sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”, bạn nhỉ?

Theo SCIENCE DAILY
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Vì sao độ ẩm cao gây cảm giác nóng hơn vào mùa Hè và lạnh hơn vào mùa Đông?

Vì sao độ ẩm cao gây cảm giác nóng hơn vào mùa Hè và lạnh hơn vào mùa Đông?

HHT - Thời tiết miền Bắc đang nóng và ẩm, chính độ ẩm cao lại khiến nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời cao hơn nhiệt độ không khí, tức là con người cảm thấy nóng hơn. Nhưng vào mùa Đông, độ ẩm cao ở miền Bắc lại gây cảm giác lạnh hơn. Tại sao cùng là độ ẩm cao mà lại tạo những hiệu ứng trái ngược như vậy?